Cục CSGT trả lời một số quy định mới để thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Để chuẩn bị cho việc thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ từ ngày 1/1/2025, Bộ Công an đã xây dựng dự thảo 4 nghị định, 15 thông tư, đang xin ý kiến các bộ, ngành, đơn vị chức năng và người dân trước khi ban hành.

Để chuẩn bị cho việc thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ từ ngày 1/1/2025, Bộ Công an đã xây dựng dự thảo 4 nghị định, 15 thông tư, đang xin ý kiến các bộ, ngành, đơn vị chức năng và người dân trước khi ban hành, tạo hành lang pháp lý để thực hiện luật bài bản, đúng quy mô, quy định, đảm bảo thực hiện hiệu quả tối đa mục tiêu bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, tạo điều kiện tối đa cho người dân khi tham gia giao thông.

Chưa bị trừ hết điểm, người dân tiếp tục được lái xe

Theo dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì có 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về TTATGT đường bộ, bao gồm 12 điểm.

Trong đó, những hành vi, nhóm hành vi bị trừ 12 điểm gồm: điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%, đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ trên 35km/h, đây là những hành vi vi phạm có tính chất cố ý, nguy hiểm, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, hủy hoại công trình giao thông.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT) cho biết, việc quy định trừ điểm GPLX vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục, động viên về việc chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ, mỗi lần bị trừ điểm như là "tiếng chuông" cảnh báo giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn, GPLX chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân, qua đó, bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật Việt Nam và quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp.

“Bên cạnh đó, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình hiện nay, tiếp thu kinh nghiệm quản lý an toàn giao thông của các nước tiên tiến trên thế giới, qua đó quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, việc vi phạm tái phạm, từ đó sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe” - Đại tá Nguyễn Quang Nhật nêu.

Ý kiến trái chiều về hạ mức phạt vi phạm nồng độ cồn tối thiểu

Theo dự thảo nghị định trên, Bộ Công an vẫn kế thừa 3 mức xử phạt vi phạm đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, đã đề xuất hạ thấp mức phạt tiền so với Nghị định số 100/2019 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021) đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn lái xe.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn lái xe.

Cụ thể, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng đối với lái xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Theo quy định hiện hành tại Nghị định 100 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123), mức tiền phạt là từ 6 đến 8 triệu đồng.

Đối với vi phạm nồng độ mức 2 và mức 3, tức là người điều khiển giảm hoặc mất khả năng điều khiển phương tiện bình thường, có nguy cơ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng trở lên, Bộ Công an đề xuất giữ nguyên quy định xử phạt tiền như trong Nghị định 100, chỉ đề xuất thay đổi quy định tước GPLX thành quy định trừ điểm GPLX.

Lý giải về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, đề xuất giảm tiền xử phạt vi phạm nồng độ cồn mức một đối với người điều khiển ôtô, môtô, xe máy chuyên dùng, được đưa ra sau khi Bộ Công an nhận ý kiến của một số bộ, ngành và người dân. Những ý kiến này cho rằng Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo một người đàn ông khỏe mạnh uống một ly rượu trong vòng một giờ thì nồng độ cồn đo được dưới mức 0,35mg/lít khí thở và dưới 50mg/ml máu. Các nghiên cứu khoa học của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy lượng nhỏ rượu bia có thể không gây ảnh hưởng quá lớn đến khả năng lái xe. Vì vậy họ đề xuất giảm tiền phạt với người uống ít.

“Sau khi Bộ Công an đăng tải dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ có đề xuất trên, Cục CSGT đã nhận thêm nhiều ý kiến đóng góp” – Đại tá Nguyễn Quang Nhật nêu.

Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành vì phạt nặng vi phạm nồng độ cồn đã giúp người tham gia giao thông có ý thức về việc “đã uống rượu, bia thì không lái xe”.

Trong khi đó, nhiều người đồng tình nên hạ mức phạt đối với vi phạm nồng độ cồn tối thiểu vì không ảnh hưởng lớn đến khả năng lái xe. Chính vì vậy, ngoài việc xin ý kiến, Bộ Công an sẽ tổ chức hội thảo, tiếp tục nghiên cứu để xây dựng dự thảo nghị định với tinh thần nghiêm minh, tương xứng với mức vi phạm và trình Chính phủ quyết định.

cand.com.vn

Đọc thêm

Lời cảnh tỉnh từ một phiên tòa

Lời cảnh tỉnh từ một phiên tòa

Không chỉ là bài học riêng cho 3 bị cáo, phiên tòa mà TAND tỉnh Hà Tĩnh vừa mở còn là lời cảnh tỉnh cho những ai hám lợi để vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
Đói ăn vụng, túng làm liều

Đói ăn vụng, túng làm liều

Chỉ vì cần tiền thỏa mãn nhu cầu cá nhân, Nguyễn Văn Trọng (SN 1989, xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã bất chấp hậu quả, sa chân vào con đường bất chính…
Phạt thật nặng để thay đổi hành vi!

Phạt thật nặng để thay đổi hành vi!

Quy định mới về xử lý người vi phạm Luật ATGT có hiệu lực thi hành được nhiều người dân đồng tình, tuy nhiên vẫn có một bộ phận cho rằng, mức xử phạt quá nặng.
Khi lòng tham lấn át lý trí

Khi lòng tham lấn át lý trí

Dù trong độ tuổi lao động nhưng Phùng Hà Trang (trú ở TP Hà Tĩnh) không tu chí làm ăn, mà rẽ lối sang con đường phi pháp. Kẻ lừa đảo đã phải nhận 15 năm tù giam.