Bất cập trong việc quản lý nấu rượu thủ công

Từ ngày 1/1/2013, Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về SXKD rượu đã chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, ở một số địa phương trong tỉnh, sản phẩm rượu nấu thủ công không đăng ký chất lượng, không công bố tiêu chuẩn và không có giấy chứng nhận đảm bảo ATVSTP do cơ quan chức năng cấp vẫn đang được bày bán, tiêu thụ tràn lan...

Rượu “quê” tràn lan

Khách vào ăn, nhậu tại các quán, nhà hàng trên địa bàn TP Hà Tĩnh hay ở làng quê không khó hỏi mua và uống loại rượu không nhãn mác mà chủ quán thường gọi là rượu “quê”. Tại những quán nhậu bình dân trên đường Nguyễn Du, Hàm Nghi… chiều chiều thu hút khá nhiều khách. Mỗi ngày, trung bình những quán nhậu này bán 3-5 lít rượu, có quán bán đến cả chục lít rượu gạo. Rượu được “chiết” ra từ can nhựa lớn hoặc rót sẵn trong chai, khách sử dụng mà không cần để ý đến nhãn mác.

Chưng cất rượu truyền thống tại gia đình ông Phan Đình Phú (Đức Thanh, Đức Thọ).
Chưng cất rượu truyền thống tại gia đình ông Phan Đình Phú (Đức Thanh, Đức Thọ).

Nhiều quán nhậu tại TP Hà Tĩnh còn trưng bày các loại rượu ngâm động thực vật quý hiếm, được cho là rất “bổ” để phục vụ những thực khách sành điệu. Một chủ quán nhậu ở TP Hà Tĩnh cho biết: “Quán tôi mỗi ngày bán cả chục lít, thậm chí có ngày bán hơn 20 lít rượu “quê”. Rượu được nhập từ cơ sở nấu rượu uy tín nên chất lượng đảm bảo. Mặc dù rượu không có nhãn mác nhưng chưa thấy khách phàn nàn về chất lượng nên tôi vẫn nhập về bán”.

Xã Đức Thanh (Đức Thọ) - một trong những địa phương có nghề nấu rượu từ lâu đời. Ông Nguyễn Trọng Thiều - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thanh cho biết: “Hiện toàn xã có 220 hộ nấu rượu, mỗi năm sản xuất gần 100 nghìn lít. Trong đó có 120 hộ chuyên xuất rượu cho 2 HTX kinh doanh rượu Thanh Lạng 1 và Thanh Lạng 2. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, các hộ dân đã sản xuất 50 nghìn lít rượu cho HTX Thanh Lạng 2. Ngoài ra, hàng năm có khoảng 20 nghìn lít rượu được các hộ nấu và tự bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngoài nghề nông thì nghề nấu rượu ở Đức Thanh đã đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân. Đến nay, Đức Thanh vẫn chưa nhận được hướng dẫn của cấp trên về việc triển khai thực hiện Nghị định 94 của Chính phủ.

Còn theo ông Mai Khắc Tám - Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc (Can Lộc) thì lượng rượu được sản xuất trong dân là rất lớn. Tuy nhiên, xã cũng chưa thống kê được số lượng là bao nhiêu. Bởi chủ yếu là người dân tự nấu và tự tiêu thụ. Hiện xã có 30 hộ xã viên chuyên nấu rượu để cung cấp cho HTX Rượu Khánh Lộc.

Hành nghề nấu rượu đã nhiều năm và có thu nhập ổn định, ông Phan Đình Phú (xóm Đại Lợi, xã Đức Thanh) cho biết: bình quân mỗi ngày, ông nấu được 60 lít rượu gạo nếp để bán, sau khi trừ chi phí, lãi gần 200 ngàn đồng. Phần bã rượu, ông dùng nuôi lợn. Khi được hỏi về quy định mới dành cho người nấu rượu, ông Phú cho biết: “Nghe nói, sản phẩm rượu thủ công cũng phải dán nhãn, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng… Nếu thực hiện được thì sản phẩm của chúng tôi sản xuất ra có thương hiệu, không bị tiếng là nấu rượu lậu và tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn”.

Chính quyền và cơ quan chức năng còn lúng túng

Sở Công thương đã có công văn gửi phòng công thương các huyện hướng dẫn triển khai những nội dung chính Nghị định 94 của Chính phủ. Tuy nhiên, để thực hiện đúng nghị định là rất khó cho các nhà quản lý và cả những người SXKD rượu.

Ông Trần Sỹ Hải - cán bộ phụ trách công thương (Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Can Lộc) cho biết: “23 xã trên địa bàn huyện Can Lộc đều có gia đình nấu rượu, tập trung chủ yếu ở các xã: Khánh Lộc, Đồng Lộc, Nga Lộc… Nhưng sản lượng rượu sản xuất trên địa bàn và số gia đình nấu rượu thì Phòng không nắm được cụ thể. Việc quản lý hoạt động nấu rượu, kinh doanh rượu trong dân rất khó. Các hộ nấu rượu có thể cung cấp rượu bất cứ giờ nào theo yêu cầu của khách. Toàn huyện mới cấp phép cho khoảng 50 hộ kinh doanh rượu”.

Theo Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc Mai Khắc Tám, Nghị định 94 quy định là vậy nhưng đến nay, ở xã cũng chưa có cơ quan chức năng nào triển khai, kiểm tra, hướng dẫn việc cấp phép cho các hộ nấu rượu. Vì vậy, phần lớn các hộ dân nấu rượu trong xã chưa được cấp phép theo quy định.

Những năm qua, trong cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh đã xảy ra những ca ngộ độc rượu, chủ yếu do rượu nấu thủ công, không nhãn mác, xuất xứ… làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Vì vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định 94 là hết sức cần thiết nhằm thắt chặt hoạt động SXKD rượu thủ công. Tuy nhiên, để nghị định đi vào cuộc sống cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành chức năng, chính quyền địa phương và ý thức của người nấu rượu.

Theo bác sỹ Hoàng Quang Trung - Trưởng khoa Cấp cứu chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận 2 ca ngộ độc rượu. Ngộ độc rượu cấp gây ra những hậu quả nghiêm trọng có thể gây tử vong do hôn mê, suy hô hấp, hạ đường máu, toan chuyển hóa. Theo WHO, mỗi năm có 2,5 triệu người chết vì rượu và rượu liên quan đến 60 loại bệnh khác nhau.

Đọc thêm

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Với tâm huyết, nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giáo viên, 20 năm qua, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã vượt qua khó khăn, từng bước khẳng định chất lượng trong sự nghiệp GD&ĐT.
Gieo "hạt giống" yêu thương

Gieo "hạt giống" yêu thương

Khi gieo vào lòng trẻ thơ những “hạt giống” yêu thương sẽ góp phần hình thành nên những con người tử tế, biết sẻ chia và có trách nhiệm với cộng đồng.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.