Thông báo được bệnh viện đưa ra sáng 24/2, trước bối cảnh cạn kiệt nguồn vật tư, hóa chất trong khi không thể đấu thầu mua sắm bởi có nhiều vướng mắc về thủ tục.
Hiện tại, bệnh viện còn hóa chất khí máu đủ dùng một tuần, hóa chất ghép tạng đủ dùng cho hai tuần. Hôm 23/2, giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết tình hình thiếu hóa chất, vật tư y tế là việc “cấp cứu của cấp cứu”, cần được tháo gỡ ngay, nếu không bệnh viện sẽ chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu hoặc không thể hoạt động.
Việt Đức là bệnh viện hạng đặc biệt, đầu ngành ngoại khoa. Năm 2022, bệnh viện thực hiện hơn 79.000 ca mổ. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân nội trú và khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám.
Nguyên nhân của tình trạng thiếu là đa số hóa chất do các công ty cung cấp, kèm theo máy đặt, mượn. Trước đây, cơ quan chức năng cho phép thanh toán bảo hiểm y tế với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy đặt, mượn do nhà thầu cung cấp. Như vậy, bệnh viện có nguồn thu cũng như cơ sở pháp lý để đấu thầu mua sắm hóa chất, triển khai các xét nghiệm phục vụ người bệnh.
Tuy nhiên, điểm mới trong Nghị quyết 144 quy định các hợp đồng ký sau tháng 11/2022 (thời hạn áp dụng đến tháng 11/2023) sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả. Do đó, từ tháng 12 năm ngoái, bệnh viện không thể kéo dài hình thức mượn máy, đặt theo kết quả đấu thầu hóa chất như trước, dẫn đến thiếu hụt. Đặc biệt, những hóa chất quan trọng và ảnh hưởng đến cấp cứu, khám, điều trị bệnh nhân như công thức máu, đông máu, Mg... đã hết số lượng thầu.
Mặt khác, hiện các vật tư tiêu hao phục vụ mổ chỉ đủ dùng trong một tháng, nhưng hầu hết giấy phép với những sản phẩm này vẫn chưa được gia hạn, nên không thể mua sắm.
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đề nghị Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan cần “vào cuộc hết sức cấp thiết” để xây dựng, ban hành các thông tư, nghị định, giúp bệnh viện có hành lang pháp lý giải quyết khó khăn.
Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Tất Định
Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Việt Đức mà còn ở một số bệnh viện tuyến cuối khác. Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai không mua được máy móc và hóa chất xét nghiệm, phải gửi bệnh nhân đến cơ sở khác chụp chiếu. Hiện Chợ Rẫy thiếu hoặc phải dừng hoạt động nhiều trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như: Máy chụp cắt lớp vi tính (CT), máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy siêu âm doppler màu...
Nhiều mặt hàng được Bệnh viện Bạch Mai ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu. Tuy nhiên đến nay hàng vẫn không được giao do giấy phép nhập khẩu hết hạn, ví dụ vật tư ECMO, ống trợ giúp can thiệp động mạch vành, bóng nong động mạch vành...
Chiều 23/2, Bộ Y tế làm việc với đơn vị liên quan và các bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy... nhằm tháo gỡ những khó khăn này. Song, theo một giám đốc bệnh viện, “vẫn rất khó”.