Trong trận mưa lũ lịch sử vừa qua, biển đã ăn sâu vào bờ, “nuốt trọn” hơn 8m đất liền dọc bờ biển dài khoảng 4km của 3 thôn Hải Phong 1, Hải Phong 2 và thôn Hải Thanh (xã Kỳ Lợi).
Tính mạng và tài sản của gần 1.000 hộ dân với gần 3.400 nhân khẩu của 3 thôn: Hải Thanh, Hải Phong 1 và Hải Phong đang bị đe dọa. (Trong ảnh: Khu vực nhà ở của các hộ dân ở thôn Hải Phong 1).
Cách khu vực sạt lở chỉ còn khoảng 15 - 20 m, ngôi nhà của ông Thông Văn Cường (SN 1958, thôn Hải Thanh) đang nằm trong tình trạng hết sức nguy cấp. Mùa mưa bão, ông không dám ở trong nhà.
Ông Cường chia sẻ: “Tôi sống ở đây đã hơn 20 năm mà chưa khi nào thấy tình trạng biển ăn sâu vào đất liền nhiều như thời gian gần đây. Nhất là mấy ngày mưa bão này, mỗi ngày mở mắt dậy là thấy một khác, khi biển cuốn trôi từng mét đất. Chắc tầm này sang năm, nhà tôi... Rất mong các cấp chính quyền sớm có phương án khắc phục hoặc sớm di dời các hộ dân tới nơi an toàn…”.
Khu vực đất liền chỉ còn lại bờ cát mỏng manh, sạt lở thấy rõ từng ngày
Cùng chung nỗi lo thường trực, anh Dương Văn Tình (SN 1979, thôn Hải Thanh) cho hay: “Mấy ngày mưa lũ vừa qua, tôi tận mắt chứng kiến biển xâm thực cả vào khu nghĩa địa, rất lo lắng và đau lòng. Nhiều lần chúng tôi đã kiến nghị các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa có phương án thỏa đáng…”.
Chỉ trong vài ngày mưa lũ, biển đã ăn sâu vào đất liền gần 8m (trong ảnh: khu vực sạt lở thuộc thôn Hải Phong 1).
Xã Kỳ Lợi có hơn 12km bờ biển, trong đó có hơn 4km thuộc 3 thôn Hải Thanh, Hải Phong 1 và Hải Phong 2 với gần 1.000 hộ dân (3.400 nhân khẩu). Nhiều năm trở lại đây, biển xâm thực đã ăn sâu vào đất liền gần 150m. Nhiều nhà cửa, tài sản của người dân đang đứng trước nguy cơ bị cuốn trôi ra biển. Đặc biệt, sau trận mưa lũ vừa qua, tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng.
Ông Lê Xuân Vượng chỉ cho PV các khu vực sạt lở sau trận mưa lũ vừa qua (trong ảnh: khu vực sạt lở tại bờ biển thuộc thôn Hải Thanh).
Ông Lê Xuân Vượng - Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi cho hay: “Trước tình trạng sạt lở đất ngày một nghiêm trọng, địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, ngành. Trước đây, cấp trên từng đưa ra 2 phương án là làm kè chắn sóng hoặc di dời các hộ dân, nhưng đến nay vẫn chưa có sự thống nhất lựa chọn phương án nào.
Càng kéo dài thời gian ngày nào thì đất liền sẽ mất dần, bà con nhân dân chúng tôi càng sống trong nguy hiểm ngày đó. Rất mong trung ương, tỉnh và thị xã sớm có giải pháp giúp gần 1.000 hộ dân của 3 thôn xã Kỳ Lợi yên tâm sinh sống, sản xuất…”.
Những ngôi mộ mấp mé bên bờ cát sắp bị sạt lở.
Trong trận mưa lũ vừa qua, ở thôn Hải Phong 1 đã có 3 ngôi mộ bị nước biển bị cuốn trôi; 2/84 ngôi mộ thuộc thôn Hải Thanh và Đông Yên cũ đang “tiến sát” bờ biển. Hiện 3 thôn còn gần 1.200 ngôi mộ đang cần được di dời. |
Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Thế Anh cho biết: “Tình trạng sạt lở bờ biển tại xã Kỳ Lợi đang hết sức nguy cấp. UBND thị xã đã có nhiều cuộc làm việc với các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến tỉnh để đưa ra hướng giải quyết nhưng nay vẫn chưa đi đến thống nhất”.
Cả 3 thôn đều nằm trong vùng quy hoạch KKT Vũng Áng để xây dựng trung tâm logistic, vì vậy, UBND TX Kỳ Anh tiếp tục đề xuất phương án di dời hơn 1.000 hộ dân ở đây. Trước mắt, thị xã kiến nghị với UBND tỉnh sớm có phương án di dời khoảng 300 ngôi mộ và 16 hộ dân nằm sát bờ biển để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho bà con”.