Cán bộ Đồn Biên phòng Đèo Ngang xuống âu thuyền Kỳ Phương nhắc nhở ngư dân, tiểu thương nâng cao ý thức phòng dịch.
Thiếu tá Trần Đình Sơn - Chính trị viên Đồn Biên phòng Đèo Ngang (TX Kỳ Anh) cho biết: “Khi Quảng Bình mới có dịch (cách đây 1 tuần), mỗi ngày có 25-30 tàu thuyền từ bên đó (mỗi thuyền có 6-10 thuyền viên) vào neo đậu, bán hàng tại các âu thuyền Kỳ Phương và Kỳ Nam, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn.
Do đó, chúng tôi đã siết chặt kiểm tra, kiểm soát, triển khai kịp thời các biện pháp như: nhắc nhở tàu thuyền Quảng Bình không tiếp tục vào địa bàn, không đánh bắt trên vùng biển Hà Tĩnh; tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu ngư dân Hà Tĩnh không đi vào vùng biển bạn và hạn chế trao đổi hàng hóa với tàu ngoại tỉnh trên biển; phối hợp với Đồn Biên phòng Roòn (Quảng Bình) để thực hiện đồng bộ các biện pháp ngăn dịch khác… Nhờ vậy, mấy ngày nay không còn tàu cá Quảng Bình vào địa bàn, các dấu hiệu mất an toàn đã dần được loại bỏ”.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa Sót (Lộc Hà) và các lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở tàu cá của ngư dân phải tuyệt đối chấp hành các biện pháp chống dịch, thuyền viên từ vùng dịch vào địa bàn phải được cách ly tập trung theo quy định.
Tại huyện Lộc Hà, nơi có cảng cá lớn nhất tỉnh, lực lượng BĐBP cũng đang đóng vai trò chủ công trong việc ngăn dịch xâm nhập qua đường biển. Trung tá Nguyễn Vũ Phong - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Sót thông tin: “Ngoài việc nhắc nhở ngư dân địa phương chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch khi đánh bắt trên biển, hạn chế tiếp xúc với ngư dân ngoại tỉnh, không vào vùng biển các tỉnh có dịch... chúng tôi cũng kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ngoại tỉnh ra vào địa bàn.
Đặc biệt, tất cả tàu ngoại tỉnh muốn cập cảng thì phải thông báo trước cho Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Sót để nắm bắt tình hình. Mọi thuyền viên đều phải có giấy xét nghiệm COVID-19 đang có hiệu lực mới được vào, thuyền viên đến cảng cũng yêu cầu không được đi lại nhiều nơi…”.
Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu Vũng Áng - Sơn Dương kiểm tra thủ tục hành chính và công tác phòng dịch tàu hàng cập cảng Vũng Áng. Ảnh tư liệu
Tại Khu kinh tế Vũng Áng, công tác đấu tranh, phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 cũng đang được lực lượng BĐBP đề cao. Trung tá Hồ Sỹ Thắng - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu Cảng Vũng Áng - Sơn Dương khẳng định: “Ngoài việc tất cả tàu, thủy thủ nhập cảnh vào Cảng Vũng Áng (mỗi tháng 75 tàu, khoảng 1.300 thủy thủ) được kiểm tra chặt chẽ, yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng dịch, chúng tôi cũng đã siết chặt quản lý công nhân đang làm việc trong khu kinh tế.
Đơn vị cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương rà soát các công dân ở Quảng Bình và các vùng có dịch khác đang làm việc trên địa bàn để quản lý tốt hơn. Chúng tôi cũng đã thành lập 2 tổ tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn tàu thuyền các tỉnh có dịch đánh bắt, mua bán hải sản trên biển và yêu cầu không vào các cảng cá trên địa bàn”.
Tất cả người ra vào Cảng cá Xuân Hội đều được kiểm tra, kiểm soát, yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.
Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan qua đường biển, hàng trăm CBCS ở 6 đồn biên phòng tuyến biển ở Hà Tĩnh đều đang vào cuộc tích cực, đồng bộ và quyết liệt nhất. Hiện, tất cả âu thuyền, cảng cá, cầu cảng, chợ cá… trên đường bờ biển dài 137 km từ Nghi Xuân đến T.X Kỳ Anh đều đang được kiểm soát chặt chẽ, liên tục.
Các trạm kiểm soát biên phòng đều đang phát huy vai trò “tiền tiêu” trong phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biển.
Thượng tá Bùi Việt Dũng - Phó Tham mưu trưởng BĐBP Hà Tĩnh cho biết: “Trước diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị trên tuyến biển nâng cao tinh thần cảnh giác, tăng cấp độ phòng chống dịch qua việc tăng cường tuần tra, kiểm soát liên tục, khép kín địa bàn, trọng tâm là các cửa sông, cửa lạch, cảng cá, âu thuyền, bến cảng...
BĐBP Hà Tĩnh cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh; kiểm soát tàu thuyền, ngư dân chặt chẽ khi ra vào địa bàn, nhất là tàu ngoại tỉnh; làm việc với các chủ cơ sở thu mua thủy sản và ngư dân không trao đổi hàng hóa trên biển với những tàu thuyền ở vùng có dịch...”