Biến thể Omicron có thể là “vaccine tự nhiên” giúp chấm dứt COVID-19

Trang dnaindia.com (Ấn Độ) dẫn một kết quả nghiên cứu tại Mỹ cho rằng Omicron có thể là một loại vaccine tự nhiên, giúp đưa đại dịch COVID-19 đến hồi kết vào cuối năm 2022.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bhopal, Ấn Độ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Những ngày cuối năm 2021 và đầu năm 2022, nhiều nước trên thế giới ghi nhận ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh do sự xuất hiện của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Nhiều nghiên cứu đang được thực hiện để hiểu rõ hơn về biến thể này và đến nay, hầu hết đều nhất trí rằng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn mọi biến thể khác.

Về mức độ nguy hiểm, những dữ liệu ban đầu ghi nhận tại Nam Phi và một số nước đang chứng kiến Omicron trở thành biến thể chủ đạo như Mỹ, Anh hay Đan Mạch cho thấy biến thể này không gây hậu quả nặng nề như biến thể Delta.

Trang dnaindia.com (Ấn Độ) mới đây còn “mang đến tin vui” cho độc giả khi dẫn một kết quả nghiên cứu tại Mỹ cho rằng Omicron có thể là một loại vaccine tự nhiên, giúp đưa đại dịch COVID-19 đến hồi kết vào cuối năm 2022.

Theo dnaindia.com, khi bùng phát năm 1918, đại dịch cúm Tây Ban Nha cũng đã để lại những hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, khi đại dịch này chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu vào năm 1922 thì dịch cũng gần như chấm dứt sau khi suy yếu.

Trang mạng cũng dẫn nghiên cứu của Đại học Yale (Mỹ) để củng cố lập luận trên. Theo nghiên cứu này, biến thể Omicron có nhiều đột biến so với biến thể gốc hơn biến thể Delta. Nói một cách đơn giản, đột biến là bản chất của virus hay mọi virus đều không ngừng thay đổi bản chất. Và đôi khi, những đột biến này khiến virus trở nên yếu hơn hoặc cũng có thể nguy hiểm hơn.

Hầu hết các đột biến của virus SARS-CoV-2 trong năm 2020 và 2021 khiến virus trở nên nguy hiểm hơn với con người. Tuy nhiên, Omicron có thể sẽ là yếu tố loại bỏ virus nếu hiểu theo cách sau.

Omicorn có thể lây lan nhanh hơn Delta. Tuy nhiên, nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra tốc độ lây lan của biến thể này có thể giúp chấm dứt đại dịch COVID-19. Omicron càng lây lan nhanh thì càng nhanh thay thế biến thể Delta trở thành biến thể chủ đạo, tức là thay thế biến thể độc hơn.

Thứ hai, dù Omircon lây lan nhanh hơn nhưng lại gây ra ít ca nhập viện hơn. Hơn nữa, các triệu chứng khi nhiễm biến thể Omicron cũng không khác nhiều so với nhiễm cúm và cũng kéo dài trong 4-5 ngày.

Trên thực tế, giới chức Mỹ cũng đã giảm thời gian cách ly tại nhà đối với bệnh nhân COVID-19 nhiễm biến thể Omicron xuống còn 5 ngày. Ở Mỹ, những người nhiễm Omciron có thể ra ngoài sau 5 ngày được phát hiện mắc bệnh nếu không có triệu chứng. Tuy nhiên, trong thời gian này, họ vẫn phải đeo khẩu trang.

Và quan trọng nhất, biến thể Omicron dường như đang hoạt động như một loại vaccine tự nhiên. Tại Anh, những người khỏi bệnh sau khi nhiễm Omicron đều có lượng kháng thể cao hơn. Kháng thể là khiên bảo vệ cơ thể, giúp nâng cao sức chiến đấu với virus và những bệnh khác giống như COVID-19. Việc tiêm vaccine phòng bệnh chính là để kích thích cơ thể sản sinh kháng thể chống lại virus.

Nhân viên y tế tại Bangalore, Ấn Độ đón chào Năm mới 2022 với hy vọng bình an. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nghiên cứu của Mỹ chỉ ra kháng thể sản sinh sau khi nhiễm Omicron mạnh hơn bất kỳ kháng thể nào khác có được từ việc tiêm phòng. Và có lẽ, đây chính là lý do mà kể cả khi số ca mắc mới dâng “như sóng thần” tại các quốc gia như Mỹ và Anh thì tình trạng vẫn chưa bị coi là nghiêm trọng.

Hiện nay, dù số ca mắc mới trong ngày có thể lên đến 250.000 ca tại Mỹ hay 150.000 ca tại Anh nhưng số ca tử vong tại các nước này lại ít hơn nhiều.

Điều này chỉ ra rằng ngày càng nhiều người nhiễm biến thể Omicron nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.

Các số liệu về các ca nhập viện vì Omicron cũng mang đến những thông tin tương tự. Với biến thể Delta, cứ 100 người nhiễm thì 30 người nhập viện trong vòng 3-4 ngày sau khi nhiễm.

Với Omicron, tỷ lệ nhập viện là từ 10-13 ca/100 ca và trong số những người nhập viện thì có 50% không cần trợ thở ôxy./.

Theo Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói