“Biết em gian lận, sao cô vẫn cho em 9 điểm?”

“Cô nhìn thấy em ghi đáp án vào sách giáo khoa”, cô nói. Tôi tái mét: “Sao cô không nói gì ạ, sao vẫn cho em 9 điểm?”. “Cô không muốn em và 54 thành viên còn lại của lớp lưu lại một câu chuyện buồn”.

Minh họa: Đặng Hồng Quân

Với những ai từng bước qua tuổi học trò, kỷ niệm về thầy cô thường là những kỷ niệm vui. Còn với tôi, đó là một sự cố nhưng lại là khoảnh khắc thay đổi đời tôi và giúp tôi hiểu cái tâm của một cô giáo.

“Cô có nhớ em không ạ?”. Cô nhìn tôi lưỡng lự như đang cố dò lại ký ức. Cô chưa kịp nhớ ra tôi là đứa nào trong bao nhiêu thế hệ học trò của mình thì tôi đã vội nói: “Em là cái đứa ngày xưa chép đáp án vào sách giáo khoa và bị cô bắt tại trận đấy ạ”.

Có lẽ đã lâu lắm rồi, tôi mới có thể trò chuyện thoải mái với cô như thế, trong một cuộc gặp gỡ bất ngờ ngoài đường.

Cô Y dạy toán chúng tôi lớp 11 và lớp 12 tại mái trường THPT Hoằng Hóa 2 (Thanh Hóa). Hồi đó cô nổi tiếng khó tính và nghiêm khắc. Là đứa không giỏi toán nên thực sự đến tiết dạy của cô là một ác mộng đối với tôi.

Dù đã cố gắng nhồi nhét nhưng không hiểu sao tôi vẫn không thể tiếp thu bài được. Thú thật là tôi sợ môn toán và sợ cô. Mỗi khi đến giờ toán là tôi luôn căng thẳng, lo lắng.

Một lần, tôi dùng bút chì chép nguyên đáp án vào cuốn sách giáo khoa phòng trường hợp cô gọi lên bảng còn có “phao cứu”. Và đúng lần đó cô gọi tôi lên bảng thật. Tôi thậm thụt ghi ghi, chép chép đáp án và trộm nghĩ mình đã qua mặt được cô. Nhất là sau khi giải xong, xuống chỗ ngồi, cô cho tôi điểm 9.

Tôi thở phào nhẹ nhõm vì nghĩ mình đã gian lận thành công. Nào ngờ, cuối buổi đó cô nhắn tôi ở lại để “cô nhờ chút việc”.

Tôi cảm thấy gờn gợn và từ cảm giác vừa qua mặt được cô chuyển sang xấu hổ. Nhất là khi cô đi thẳng vào vấn đề: “Bài hôm nay có vẻ khó với em?”. Tôi ríu lưỡi lại không trả lời được. Cô nói tiếp: “Cô nhìn thấy em ghi đáp án vào sách giáo khoa”. Mặt tôi tái mét, nóng ran vì sợ.

Tôi ú ớ xin lỗi cô và hỏi: “Sao cô không nói gì ạ? Phát hiện em gian lận mà sao cô vẫn cho em 9 điểm ?”. "Vì cô không muốn bóc mẽ chuyện ấy trước lớp. Cô không muốn em và 54 thành viên còn lại của lớp lưu lại một câu chuyện buồn, một kỷ niệm không đẹp của tuổi học trò trong ký ức.

Cô nghĩ hành động của em chỉ là do bồng bột, thiếu suy nghĩ nhất thời. Cô sẽ chờ em cố gắng để xứng đáng với điểm 9 hôm nay và với niềm tin của cô. Cô muốn em sẽ sửa điểm, sửa cả những sai lầm".

Không hiểu sao, khoảnh khắc ấy, câu nói ấy khiến tôi cảm thấy vừa xấu hổ vừa biết ơn cô. Lẽ ra tôi đã bị điểm 0 tròn trĩnh, lẽ ra tôi đã bị bẽ mặt trước lớp, lẽ ra tôi đã bị cô phạt nặng. Nhưng cô đã không hành xử như vậy.

Cô đã cho tôi cơ hội sửa sai. Cô đã giúp tôi nhận ra bài học giáo dục từ sự tinh tế của cô. Bởi nếu như hôm ấy cô “bóc mẽ” tôi trước lớp, có lẽ tôi sẽ xấu hổ biết chừng nào, có lẽ tôi sẽ mặc cảm với bạn bè, thầy cô. Và có lẽ, tôi sẽ có một ký ức đáng xấu hổ đi theo suốt cả cuộc đời.

Trong giây phút đó, tôi hiểu bên trong vẻ nghiêm khắc của cô là một tấm lòng bao dung, độ lượng. Bản lĩnh sư phạm của cô đã giúp tôi nhìn thấy sự gian lận, sự gian dối nào cũng đều đáng xấu hổ và lên án.

Lòng bao dung của cô cũng giúp tôi nhận ra sai lầm không đáng sợ bằng việc biết sai mà không sửa, dù cho cái sai đó nhỏ hay lớn. Tôi nhớ như in lời cô dạy: “Việc làm của em hôm nay sẽ trở thành sai lầm lớn hơn trong tương lai nếu như em không nhìn nhận ra và không sửa chữa”.

Rồi tôi vào đại học, có lúc tôi bị cuốn vào những cuộc vui và đã suýt mắc sai lầm. Nhưng trong những giây phút đó, tôi chợt nhớ lại lời cô và tôi dừng lại đúng lúc.

Ra trường, tôi may mắn tìm được một công việc đúng chuyên môn, tạm gọi là thành đạt. Thời gian làm phôi phai đi nhiều thứ, nhưng có một điều tôi luôn khắc ghi, đó là lời dạy của cô năm nào.

Giờ cô đã nghỉ hưu và có lẽ câu chuyện của tôi chỉ là một câu chuyện nhỏ trong cuộc đời cầm phấn của cô. Nhưng đó lại là ô cửa sổ mở ra cho tôi nhiều giá trị nhân văn.

Tôi nhận ra, giáo dục là hướng cho người ta biết đi đúng hướng, trở thành một người tử tế chứ không hẳn giúp người ta trở nên thành đạt. Giáo dục là mở cho con người ta một lối đi, một cánh cửa chứ không phải trừng phạt khi mắc lỗi.

Đã 15 năm trôi qua, tôi luôn khắc ghi câu chuyện ấy. Tôi luôn tự dặn mình và dạy 2 con những bài học về sự trung thực từ câu chuyện của mình. Bởi tôi nghĩ, đối mặt với sự thật cũng là một cách giúp mình trưởng thành hơn và để giúp các con không đi vào vết xe đổ.

Cảm ơn cô - người thầy lớn của em!

Theo Nguyệt Anh/Tuoitre

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói