Vì sao ít người Nhật bị béo phì?

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành Nhật Bản thấp nhất trong số các quốc gia có thu nhập cao, ở mức 3,3%.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Không chỉ tỷ lệ béo phì thấp, cân nặng trung bình của người dân Nhật Bản cũng ở mức thấp so với nhiều quốc gia khác với chỉ số BMI trung bình 22,6, đứng cuối bảng xếp hạng, ngang với Lào, Myanmar, Zambia.

Dù không béo phì nhưng chế độ ăn của người Nhật rất đa dạng. Nhật Bản là thiên đường cho những người yêu thích món tráng miệng, với đủ loại bánh ngọt, bánh pudding, chocolate. Bánh wagashi truyền thống của Nhật hầu như có nhân đậu đỏ và bọc đường, trong khi bất cứ loại bánh mì nào có nguồn gốc từ châu Âu sẽ được cải tiến để trở nên mềm và dẻo với nhiều bơ và đường được thêm vào. Vậy người Nhật có bí quyết gì để giữ dáng thon gọn?

Ảnh minh họa: Pexels
Ảnh minh họa: Pexels

Quản lý cân nặng bắt đầu từ phụ nữ mang thai

Việc quản lý cân nặng của người Nhật bắt đầu từ phụ nữ mang thai và thai nhi. Khác với quan niệm truyền thống của người Trung Quốc là bà bầu nên bổ sung dinh dưỡng càng nhiều càng tốt, các bác sĩ Nhật Bản sẽ khuyến khích các bà mẹ thực hiện quản lý cân nặng chặt chẽ khi mang thai và kiểm soát thai nhi ở cân nặng phù hợp, có lợi hơn cho quá trình phục hồi thể chất của thai nhi lẫn mẹ và sự phát triển khỏe mạnh của trẻ sơ sinh.

Theo số liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, năm 1975, cân nặng trung bình của một trẻ sơ sinh là 3,2 kg nhưng đến năm 2000, con số này là 3,05 kg. Khi nhận thức về sức khỏe tăng lên, cân nặng khi sinh của trẻ sơ sinh giảm dần qua từng năm. Đến năm 2021, cân nặng trung bình của trẻ sơ sinh Nhật Bản là 2,98 kg với bé trai và 2,91 kg với bé gái.

Thế hệ thanh niên Nhật Bản ngày nay "gầy" hơn những đứa trẻ sinh ra ở thế kỷ trước, điều này cho thấy các bà mẹ Nhật Bản nỗ lực kiểm soát cơ thể như thế nào.

Văn hóa thể dục thể thao luôn được đề cao

Học sinh Nhật Bản, giống như hầu hết trẻ em Đông Á, cũng phải đối mặt với áp lực học tập nặng nề nhưng phụ huynh không chỉ quan tâm đến giáo dục mà còn cả nghệ thuật, thể thao.

Khảo sát năm 2017 của Cơ quan Thể thao Nhật Bản cho thấy 70% học sinh trung học cơ sở và hơn 75% học sinh trung học phổ thông đã tham gia các câu lạc bộ thể thao. Các hoạt động của câu lạc bộ thể thao ở trường trung học cơ sở kéo dài 40-60 phút mỗi ngày từ thứ 2 đến thứ 6, thời gian tập luyện vào cuối tuần khoảng 3 giờ.

Sự phổ biến của văn hóa thể thao cũng liên quan đến môi trường tự nhiên của Nhật Bản. Địa thế đất dài và hẹp, có nhiều vùng núi liên tục, có nhiều ngọn núi phủ tuyết ở độ cao từ 2.000m đến 3.000m đã thôi thúc đam mê leo núi của nhiều người. Lượng tuyết rơi dồi dào và địa hình thuận lợi cũng đã sinh ra một số khu nghỉ dưỡng trượt tuyết chất lượng cao.

Mặt khác, Nhật Bản thường xuyên phải đối mặt với những rủi ro như động đất, sóng thần. Do đó, bơi lội đã trở thành môn học bắt buộc đối với mỗi người dân Nhật Bản. Nhật Bản còn có "Ngày miền núi", "Ngày biển" và "Ngày thể thao" là những ngày lễ theo luật định để khuyến khích người dân gần gũi với thiên nhiên và tập thể dục trong những ngày nghỉ lễ.

Chế độ ăn truyền thống ít calo

Trải qua nhiều thời đại, người Nhật đã thích nghi với môi trường tự nhiên và hình thành cơ cấu chế độ ăn uống dựa trên ba loại: cơm, hải sản và rau củ. So với các nước châu Âu và châu Mỹ, lượng thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu họ ăn vào ít hơn. Về phương pháp nấu ăn, họ sử dụng ít dầu hơn và lượng calo nạp vào tương đối thấp hơn so với nhiều quốc gia khác.

Món ăn Nhật Bản truyền thống cũng sử dụng một lượng lớn thực phẩm lên men, chẳng hạn như nước tương, giấm và miso. Theo các học giả Nhật Bản, việc tiêu thụ các sản phẩm lên men này có lợi cho việc duy trì sức khỏe đường tiêu hóa và thúc đẩy quá trình tiêu hóa.

Xu hướng xã hội theo đuổi ngoại hình đẹp

Việc duy trì vóc dáng thon gọn trong nhiều thập kỷ không phải là điều dễ dàng. Tuân thủ việc tập thể dục và ăn uống lành mạnh không chỉ là sự lựa chọn lối sống do mỗi cá nhân lựa chọn mà còn do xu hướng xã hội quyết định. Xã hội Nhật Bản tin rằng quần áo và ngoại hình của một người phải phù hợp với hình ảnh xã hội. Học sinh phải mặc đồng phục học sinh, nhân viên văn phòng phải mặc quần áo đi làm hàng ngày. Mái tóc tỉ mỉ, vẻ ngoài tinh tế, gọn gàng được coi là biểu tượng của tính tự giác, đúng mực và chuyên nghiệp. Trong nền văn hóa như vậy, cả đàn ông và phụ nữ sẽ luôn chú ý đến ngoại hình cá nhân và giữ gìn vóc dáng đẹp.

Theo Sohu

vnexpress.net

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast