Biểu tình bạo lực “nhấn chìm” nền kinh tế Myanmar

Ngân hàng Thế giới đã đưa ra dự báo đáng lo ngại về nền kinh tế Myanmar trong bối cảnh tình hình bạo lực tại nước này vẫn chưa hạ nhiệt.

Biểu tình bạo lực “nhấn chìm” nền kinh tế Myanmar

Biểu tình phản đối đảo chính ở thành phố Mandalay, Myanmar ngày 22/3 (Ảnh: Reuters).

Ngân hàng Thế giới (World Bank) ngày 26/3 dự báo nền kinh tế Myanmar sẽ sụt giảm 10% trong năm nay. Con số này đảo ngược hoàn toàn so với con số trước đó của World Bank vào tháng 10 năm ngoái. Khi đó, nền kinh tế Myanmar được dự báo sẽ tăng trưởng 5,9% - một trong những tỷ lệ tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực.

“Myanmar bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc biểu tình, các cuộc đình công của người lao động, các động thái quân sự, sự gián đoạn các dịch vụ công thiết yếu, bên cạnh sự gián đoạn của dịch vụ ngân hàng, hậu cần và Internet”, Ngân hàng Thế giới nhận định.

Theo Reuters , người biểu tình tại Myanmar coi nền kinh tế như một mục tiêu tấn công trong chiến dịch phản đối đảo chính và chính quyền quân sự. Các cuộc biểu tình làm tê liệt hệ thống ngân hàng của Myanmar, khiến các giao dịch trong nước và quốc tế gặp khó khăn.

Người biểu tình đốt phá các nhà máy, phá hoại tài sản, buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải tính cách rút khỏi Myanmar, đặc biệt là các nhà đầu tư Trung Quốc. Trong khi đó, chính quyền quân sự cũng thường xuyên cắt Internet để dập tắt biểu tình, khiến cho nền kinh tế càng hoạt động khó khăn hơn.

Biểu tình xuyên đêm

Người dân tại nhiều khu vực ở Myanmar đã cầm theo nến khi xuống đường biểu tình trong đêm 25/3. Tại thành phố Mandalay lớn thứ 2 của Myanmar, các cuộc biểu tình vẫn nổ ra vào sáng nay 26/3.

Theo số liệu của Hiệp Hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), ít nhất 320 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình tại Myanmar kể từ khi đảo chính xảy ra hồi tháng 2.

Tuy nhiên, người phát ngôn của chính quyền quân sự cho biết chỉ có 164 người biểu tình và 9 thành viên của lực lượng an ninh thiệt mạng tính đến ngày 23/3.

Nạn nhân trẻ nhất là Khin Myo Chit, 7 tuổi. Khin thiệt mạng hôm 23/3 khi đang ở trong nhà cùng cha của mình ở thành phố Mandalay.

Nạn nhân lớn tuổi nhất là Win Kyi. Nạn nhân 78 tuổi này là một trong số 50 người thiệt mạng tại quận Hlaing Thayar, thành phố Yangon vào ngày 14/3 - ngày biểu tình đẫm máu nhất từ sau đảo chính tại Myanmar.

AAPP cho biết 9 người biểu tình đã thiệt mạng trong ngày 25/3. Các hãng truyền thông đưa tin ít nhất 7 người biểu tình đã bị thương khi lực lượng an ninh nổ súng tại nhiều khu vực khác nhau.

Theo AAPP, quân đội đang tìm cách trấn áp các cuộc biểu tình trước Ngày Lực lượng Vũ trang Myanmar 27/3.

Trụ sở đảng bị ném bom xăng

Trụ sở đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi tại thành phố Yangon hôm nay 26/3 đã bị ném bom xăng.

Theo Soe Win, một thành viên của đảng NLD, người dân xung quanh đã gọi lực lượng cứu hỏa để dập lửa khi phát hiện đám cháy. Vụ việc được kiểm soát vào khoảng 5 giờ sáng.

Trụ sở của NLD tại Yangon từng là nơi diễn ra nhiều cuộc biểu tình trong những tuần đầu tiên sau đảo chính, khi quân đội Myanmar bắt giữ bà Suu Kyi cùng các quan chức cấp cao trong chính quyền dân sự.

Theo Reuters/AFP/Dantri

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.