Mỹ bí mật rút vũ khí hạt nhân khỏi châu Âu?

Có thông tin Mỹ đã bí mật rút một số vũ khí hạt nhân khỏi Châu Âu và không loại trừ khả năng Mỹ cắt giảm vĩnh viễn kho vũ khí hạt nhân ở Châu Âu vì hiểu rõ những rủi ro liên quan đến việc lưu giữ vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước ngoài.

Vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Châu Âu

Năm 1971, số vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu đạt đỉnh với khoảng 7.300 đơn vị; sau đó, hơn 7.000 đã được dời chuyển về Mỹ. Tại Hội nghị thượng đỉnh Brussels 2018, NATO tái khẳng định mục đích cơ bản của các lực lượng hạt nhân NATO là răn đe và chừng nào còn tồn tại vũ khí hạt nhân, NATO sẽ vẫn là một liên minh hạt nhân. Cùng năm, Chính quyền Trump đã tái khẳng định cam kết “chuyển tiếp vũ khí hạt nhân tới châu Âu, để bảo vệ NATO”.

Trong một thời gian, khoảng 150 đơn vị vũ khí hạt nhân của Mỹ được tàng trữ tại 6 cơ sở thuộc 5 quốc gia NATO: Bỉ (10-20), Đức (10-20), Ý (60-70), Hà Lan (10-20) và Thổ Nhĩ Kỳ (60-70). Các hệ thống vũ khí bao gồm bom trọng lực chiến thuật (B61-3, B61-4), các hệ thống mang: máy bay F-15 E, F16C/D của Mỹ, F-16 của Bỉ, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng PA-200 Tornado của Đức và Ý.

Các nguồn tin cho biết, ước tính có khoảng 130 vũ khí hạt nhân của Mỹ tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức đã được rút về Mỹ vào tháng 7/2007. Các nguồn tin cũng cho biết, tháng 6/2008 Mỹ đã rút vũ khí hạt nhân khỏi căn cứ không quân RAF Lankenheath, nơi được cho có 110 vũ khí hạt nhân của Mỹ được triển khai, chấm dứt 50 năm hiện diện của vũ khí hạt nhân Mỹ ở Anh. Số vũ khí tại căn cứ Không quân Mỹ ở Aviano đã giảm xuống còn 25-35 quả bom.

Năm 2013, chính quyền Mỹ đã khởi xướng chương trình (với kinh phí trên 8 tỷ USD) kéo dài tuổi thọ cho các mẫu B61 được triển khai ở Châu Âu lên đến 30 năm và nâng cao đáng kể tính năng - B-61-3 (công suất tối đa 170 kt) và B-61-4 (45 kt) đã cũ, nâng cấp thành chuẩn B61-12 (50 kt), có thể được điều khiển, có khả năng đâm xuyên cao, sẽ được hoàn chỉnh vào năm 2020 và được triển khai vào năm 2024.

Vũ khí hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ

Thỏa thuận chia sẻ hạt nhân là một phần trong chính sách quốc phòng của NATO. Số lượng bom tại Incirlik (cách Syria chưa đến 120 km) đã giảm trong hai thập kỷ qua - 40 trong số 90 quả bom đã được đưa về Mỹ như một phần đơn phương cắt giảm hạt nhân ở châu Âu của chính quyền Bush. 50 quả còn lại, trong trường hợp chiến sự, sẽ được sử dụng bởi các máy bay của Mỹ, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ cho phép Không quân Mỹ đặt căn cứ các phi đội máy bay chiến đấu thường trực tại Incirlik. Trong thời bình, vũ khí hạt nhân được lưu trữ tại các quốc gia phi hạt nhân được bảo vệ bởi lực lượng Mỹ, với hệ thống mã kép được kích hoạt trong thời kỳ chiến tranh.

Mỹ bí mật rút vũ khí hạt nhân khỏi châu Âu?

Vũ khí hạt nhân Mỹ ở Châu Âu năm 2019; Nguồn: fas.org

Trong trường hợp khủng hoảng, máy bay sẽ phải bay đến đây để nhận vũ khí hoặc bom sẽ phải được chuyển đến các địa điểm khác trước khi sử dụng. Sau đó, cả nước chủ nhà và Mỹ sẽ cần phải chấp thuận việc sử dụng vũ khí, loại vũ khí này sẽ được sử dụng từ các máy bay của nước chủ nhà. Năm 2010, Không quân đã thông báo với Quốc hội Mỹ rằng “Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng F-16 của họ để thực hiện sứ mệnh hạt nhân” và một số F-16 sẽ được nâng cấp để có thể sử dụng bom B61-12 mới cho đến khi F-35A có thể đảm nhận sứ mệnh tấn công hạt nhân vào những năm 2020 - điều không trở thành hiện thực do chính quyền Trump hủy bỏ thương vụ bán F-35 cho Ankara.

Cuối năm 2019, Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng Mỹ đã âm thầm xem xét các kế hoạch sơ tán vũ khí hạt nhân được coi là “con tin” khỏi Incirlik nhằm loại bỏ “một lỗ hổng hạt nhân mà lẽ ra đã được loại bỏ từ nhiều năm trước”, đánh dấu sự kết thúc trên thực tế liên minh Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ. Vì chờ đợi quá lâu để hành động, Mỹ đã tự đưa mình vào thế mà sự lựa chọn giữa an ninh hạt nhân và từ bỏ Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên khắc nghiệt và cấp bách một cách không cần thiết.

Tại sao Mỹ nên rút vũ khí hạt nhân khỏi Châu Âu?

Theo các nhà quan sát, vũ khí hạt nhân chiến thuật dễ bị tấn công hơn so với vũ khí hạt nhân chiến lược vì kích thước thường nhỏ hơn, số lượng nhiều hơn, phân bố rộng và công nghệ khóa và bảo vệ kém phức tạp hơn. Việc Mỹ rút tất cả vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi châu Âu sẽ đảm bảo tuân thủ Điều I và II Hiệp ước không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT). Hơn nữa, sự hiện diện của vũ khí này tạo ra mối nguy hiểm là các nước phi hạt nhân có thể sử dụng chúng thay mặt cho các cường quốc hạt nhân.

Việc Mỹ rút tất cả vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi châu Âu cũng có thể mở đường cho các cuộc đàm phán tiếp theo về cắt giảm vũ khí hạt nhân với Nga và do đó, có khả năng tác động đến các cuộc đàm phán đa phương, mang tính xây dựng đối với việc giải trừ quân bị quốc tế. Việc rút lui sẽ loại bỏ rủi ro tai nạn hoặc tấn công thù địch đối với các khu vực xung quanh các căn cứ - nơi bom Mỹ được tàng trữ.

Mỹ bí mật rút vũ khí hạt nhân khỏi châu Âu?

Có thông tin Mỹ đã bí mật di chuyển một số vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Châu Âu; Nguồn: voennoedelo.com

Theo nhiều chuyên gia, NATO nên xem xét lại vai trò của các lực lượng hạt nhân chiến thuật trong kế hoạch phòng thủ của mình. Trong trường hợp cụ thể của một cuộc chiến tranh Baltic có thể xảy ra, việc sử dụng hiệu quả những quả bom B61 sẽ phải đối mặt với hai trở ngại cụ thể. Đầu tiên, các máy bay NATO duy nhất hiện có thể mang B61 là F-16 và Tornado không tàng hình, khó có cơ hội lọt qua mạng lưới phòng không tiên tiến của Nga ở đông bắc Châu Âu để tiếp cận mục tiêu. Mặc dù là bom hạt nhân nhưng B61 ​​vẫn là một quả bom rơi tự do, máy bay mang phải bay qua mục tiêu để thả, không khác gì máy bay ném bom thời Thế chiến II.

Thứ hai, hầu như không có mục tiêu khả dĩ nào cho vũ khí hạt nhân chiến thuật trong một cuộc chiến tranh vùng Baltic. Việc sử dụng chúng trên lãnh thổ Estonia, Latvia hoặc Lithuania về cơ bản sẽ liên quan đến việc giết công dân của các quốc gia đó để “cứu” họ. Không có quốc gia nào trong số ba quốc gia này là các quốc gia lớn và thậm chí việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ mang lại những hậu quả nhân đạo và môi trường đáng kể.

Việc sử dụng trực tiếp chống lại Nga cũng phải bị loại trừ, vì nước này có thể ngay lập tức thực hiện một cuộc phản đòn chiến lược - kết quả tồi tệ khôn lường. Nhắm mục tiêu vào các đơn vị Nga đang quá cảnh Belarus có thể là một lựa chọn khác, nhưng không rõ liệu điều này có cản được bước tiến của Nga hay không và cũng kéo theo thương vong dân sự đối với khối dân chúng không sẵn sàng tham gia chiến tranh.

Mỹ bí mật rút vũ khí hạt nhân khỏi châu Âu?

Việc di chuyển vũ khí hạt nhân rất phức tạp, tốn kém và có độ rủi ro cao; Nguồn: fas.org

Tóm lại, không có phương tiện đáng tin cậy nào để sử dụng B61 trong tình huống bất ngờ ở Baltic và thực tế không có nơi nào để sử dụng chúng một cách hiệu quả, hữu ích. Việc đơn phương rút bỏ những quả bom B61 hiện nay sẽ ít rủi ro hơn nhiều so với Tổng thống Bush đưa ra vào năm 1991 vì nó không làm thay đổi khả năng phòng thủ của NATO và trên thực tế, vũ khí này vô dụng về mặt chức năng.

Mỹ bí mật rút vũ khí hạt nhân khỏi châu Âu

Hôm 20/3/2021, tờ Kommersant, các trang voennoedelo.com, topcor.ru và topwar.ru của Nga đưa tin, theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, trong những năm gần đây, Mỹ đã cắt giảm đáng kể kho vũ khí hạt nhân chiến thuật bố trí ở châu Âu. Có thông tin rằng, Không quân Mỹ được cho là đã rút khỏi châu Âu ít nhất 50 bom hạt nhân chiến thuật, hiện số lượng chúng ở châu Âu không vượt quá 100 đơn vị. Số đã dời đi là những quả bom B61, theo các chuyên gia Mỹ Hans Christensen và Matt Korda, đã được đưa ra khỏi căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ.

Có đồn đoán cho rằng, việc loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi lãnh thổ châu Âu được thực hiện trong bí mật, và đã không được đề cập ở bất cứ đâu. Không có xác nhận chính thức về thông tin này, nhưng Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ tin rằng, Washington đã đi nước cờ như vậy sau khi mối quan hệ với Ankara xấu đi, bắt đầu 5 năm trước, sau nỗ lực nhằm lật đổ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan bất thành. Đồng thời, có thể một phần kho vũ khí hạt nhân của Mỹ được cất giữ tại 6 căn cứ quân sự thuộc 5 nước NATO (Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ), đã được tạm thời chuyển đến Mỹ để tiến hành hiện đại hóa.

Sau khi công việc hoàn thành, vũ khí sẽ được đưa trở lại các địa điểm cất giữ ở châu Âu, như Mỹ tiến hành hiện đại hóa bom hạt nhân ở Büchel (Đức) mà không thông báo cho ai. Năm 2020, họ chỉ đơn giản là bí mật chuyển bom về Mỹ, hiện đại hóa chúng và trả nó về vị trí cũ. Đồng thời, các chuyên gia cũng không loại trừ khả năng Mỹ cắt giảm vĩnh viễn kho vũ khí hạt nhân ở Châu Âu. Theo họ, Lầu Năm Góc hiểu rõ những rủi ro liên quan đến việc lưu giữ vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước ngoài - điều đặc biệt đúng với trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast