Mỹ nỗ lực phát triển tên lửa tầm trung
Từ đầu năm đến nay, các phương tiện truyền thông Mỹ đưa tin rằng, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc có kế hoạch chế tạo ra loại tên lửa tầm trung tấn công vào các mục tiêu trên mặt đất và trên biển.
Hôm 04/9, tạp chí “Tin tức Quốc phòng” (Defense News) của Mỹ dẫn lời phát ngôn viên của Quân đội Hoa Kỳ cho biết rằng, Lầu Năm Góc đang phát triển mẫu tên lửa tầm trung có khả năng bắn trúng các mục tiêu di động trên mặt nước và trên mặt đất.
Tạp chí Mỹ lưu ý, phát triển này sẽ “lấp đầy khoảng trống” trong kho vũ khí độ chính xác cao có tầm bắn xa hơn của Hoa Kỳ, giúp quân đội nước này bắt kịp các đối thủ cạnh tranh.
Người phát ngôn Quân đội Mỹ Robyn Mack cho biết, quyết định phát triển một loại tên lửa mới được đưa ra dựa trên kết quả nghiên cứu các loại vũ khí chiến lược được tiến hành bởi Trung tâm nghiên cứu thuộc Bộ Tư lệnh Tương lai của Quân đội Mỹ (AFC) ở New Mexico.
Theo kết quả của cuộc nghiên cứu, quân đội đã được khuyến nghị thực hiện cả hai chiến lược ngắn hạn và dài hạn đầu tư vào việc phát triển đồng đều cả vũ khí tầm ngắn lẫn tầm trung, tầm xa để “bắt kịp các đối thủ cạnh tranh ngang tầm” với Mỹ, tờ báo viết.
Trước đó, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí, Marshall Billingsley cho biết rằng, Hoa Kỳ có kế hoạch thảo luận với một số quốc gia châu Á về cách thức tăng cường các biện pháp bảo vệ đồng minh trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, bao gồm khả năng triển khai tên lửa đất đối không tầm trung và tầm ngắn.
Ba tên lửa MGM-31 Pershing II chuẩn bị phóng tại Dãy McGregor (McGregor Range) - New Mexico, ngày 1 tháng 12 năm 1987 |
Mỹ muốn khai tử INF
Như vậy là Mỹ không hề giấu diếm ý định phát triển các loại tên lửa tầm trung, nằm trong danh mục bị cấm. Bình luận về vấn đề này, nhà phân tích chính trị quân sự Alexander Perendzhiev rằng, với kế hoạch này, Mỹ đang răn đe Nga và Trung Quốc, những nước mà Mỹ muốn cột chặt vào một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới theo định hướng của Washington.
Ông Alexander Perendzhiev là Phó giáo sư ngành Khoa học Chính trị và Xã hội học thuộc Đại học Kinh tế Nga Plekhanov, thành viên hội đồng chuyên gia “Sĩ quan Nga”. Vị chuyên gia này bình luận rằng, việc Mỹ phát triển mẫu tên lửa tầm trung mới cho thấy rõ sự sụp đổ của Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF), chính quyền Donald Trump sẽ không bao giờ quay lại với hiệp ước này.
Ông nhận xét rằng, theo thông lệ, trong quá trình phát triển các loại vũ khí mới, bất cứ quốc gia nào cũng sẽ không quảng cáo điều đó, mà tìm mọi cách giữ bí mật. Việc Nhà Trắng công bố rùm beng về điều đó cho thấy rằng họ không có ý định khôi phục Hiệp ước INF.
Được biết, Hiệp ước tên lửa tầm trung (INF) giữa Mỹ và Liên Xô (sau này được Nga kế thừa), là một trong những trụ cột của hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu, đã tan vỡ sau khi Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp ước vào tháng 8 năm 2019, và cáo buộc Nga về việc phá vỡ các điều khoản của nó.
Chính quyền Moscow đã bác bỏ mọi cáo buộc này và nhận xét rằng, việc Washington giải thích rằng, Nga đã vi phạm thỏa thuận và Trung Quốc cũng là lý do khiến Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF, là hoàn toàn vô lý. Nga luôn tuân thủ đầy đủ các điều khoản của INF, còn Trung Quốc không phải là một bên tham gia Hiệp ước này.
Theo Nhật Nam/Baodatviet