Người Nga đắc thắng trước Thổ Nhĩ Kỳ?

Giới phân tích Nga chỉ rõ hàng loạt khó khăn khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải xuống nước xin lỗi về vụ bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24.

Lời xin lỗi muộn màng

Đài Sputnik của Nga dẫn ý kiến chuyên gia trong nước Oleg Matveychev nhận định Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan chấp nhận xin lỗi Nga vì những khó khăn kinh tế, đặc biệt tổn thất trầm trọng trong ngành du lịch.

Ông Matveychev được dẫn lời nói: "Tất nhiên, đây là lời xin lỗi quá muộn màng. Có vẻ như người ta xin lỗi dưới áp lực của hoàn cảnh kinh tế. Điều đang diễn ra trên các bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ lúc này không thể gọi như một thảm họa mà phải dùng từ địa ngục".

Theo nhà phân tích này, sự vắng bóng khách du lịch là điều khủng khiếp đối với nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Matveychev không loại trừ rằng Chính quyền Nga có thể hủy một số hạn chế đã được áp đặt sau vụ Su-24.

nguoi nga dac thang truoc tho nhi ky

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Ông Matveychev nhận định: "Với mỗi bước đi của Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ có phản ứng thích hợp. Chẳng hạn, một số biện pháp trừng phạt đã được áp đặt đối với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được gỡ bỏ. Điều này có thể diễn ra trong vòng một, hai hoặc ba năm".

Sputnik dẫn lời nhà phân tích chính trị Anton Khashenko thì cho rằng Tổng thống Erdogan đã "bất hòa với cả thế giới" và bây giờ tìm cách khôi phục mối quan hệ với Nga.

Chuyên gia Khashenko nói: “Ông Erdogan đã bất hòa với cả thế giới, đầu tiên là xích mích với Nga. Ông ấy nghĩ rằng khi mình qua lại với Mỹ và châu Âu thì chẳng việc gì phải xin lỗi Nga. Nhưng Washington lạnh nhạt với ông Erdogan, ông ấy tìm cách dọa dẫm châu Âu bằng vấn đề người di cư, quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) giờ đây cũng tổn hại.

Tất cả các đối thủ thế giới đều không muốn làm việc với ông ấy. Tuy nhiên, là người có lý trí, ông Erdogan hiểu rằng cần bắt đầu gây dựng lại quan hệ với ai đó. Ngay từ đầu, Nga đã nêu ra những điều kiện mở lại cuộc đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ".

Ông Khashenko nhấn mạnh rằng các biện pháp hạn chế của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ gây thiệt hại khó có thể khắc phục cho các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là đòn kinh tế rất nghiêm trọng đối với Ankara.

nguoi nga dac thang truoc tho nhi ky

Chiếc Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi ngày 24/11/2015

Trong khi đó, chuyên gia Pavel Svyatenkov nhận định rằng chính sách của Ankara đã khiến Brussels bực tức. Chuyên gia này nói: "Bằng sự dọa dẫm châu Âu, ông ấy đã làm cả EU và Đức chán nản. Tôi muốn nhắc là mới đây, Quốc hội Đức đã thông qua nghị quyết công nhận nạn diệt chủng người Armenia, điều tất nhiên làm Ankara giận dữ.

Động thái của các nghị sĩ Đức rõ ràng nhằm chứng tỏ Berlin vô cùng bất mãn với chính sách của ông Erdogan. Ông Erdogan bất hòa với chúng ta vì vụ tấn công máy bay, còn với Mỹ thì ông đã có mối quan hệ xấu từ khá lâu. Trong khoảng 6 tháng hay một năm trở lại đây, ông Erdogan ở trong thế cô lập ngoại giao, cùng với những vấn đề nội bộ đang tồn tại thì đây là tình trạng bất lợi cho ông ta. Có lẽ vì vậy mà ông Erdogan đang cố gắng cải thiện quan hệ với Nga, xin lỗi phía Nga, tất nhiên đây là một thắng lợi lớn cho ngành ngoại giao của chúng ta".

Nga thể hiện uy quyền

Hai ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ xin lỗi, ngày 29/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố quyết định bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ với Ankara.

Ông Putin yêu cầu Chính phủ Nga bắt đầu tiến trình này và cho biết Nga sẽ giảm các hạn chế hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuyên bố được đưa ra sau khi ông Putin có cuộc điện đàm cùng ngày với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Trong cuộc điện đàm, nhà lãnh đạo Nga đã gửi lời chia buồn với người đứng đầu nhà nước và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ sau các vụ tấn công khủng bố làm nhiều người thương vong vừa xảy ra ở thành phố Istanbul.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế chống khủng bố. Theo Tổng thống Putin, người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sẽ làm tất cả để đảm bảo an toàn cho công dân Nga trên lãnh thổ nước này, đồng thời nhất trí tổ chức một cuộc gặp trực tiếp trong thời gian sớm nhất có thể.

Đối với người Nga, vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 đang làm nhiệm vụ chống khủng bố gần biên giới Syria là hành động "đâm sau lưng" và “đồng lõa với khủng bố”.

nguoi nga dac thang truoc tho nhi ky

Tổng thống Nga Putin đã thể hiện thiện chí sau lời xin lỗi từ Ankara

Ngay sau vụ việc, Nga đã yêu cầu Ankara phải xin lỗi và bồi thường những thiệt hại vì vụ việc trên.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan khi đó bảo lưu quan điểm cho rằng vụ bắn rơi máy bay Nga là một hành động tự vệ nhằm đáp trả hành vi vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ, dù Nga nhiều lần khẳng định chiếc Su-24 thời điểm đó đang ở không phận Syria.

Bước đường cùng của Erdogan

Những biện pháp trừng phạt mà Moskva áp đặt với Ankara đã phát huy tác dụng và gây thiệt hại cho Thổ Nhĩ Kỳ trên nhiều lĩnh vực. Chỉ tính riêng trong tháng 1/2016, kim ngạch xuất khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga chỉ còn 108 triệu USD, giảm 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu từ Moskva sang Ankara, chủ yếu là năng lượng, giảm 30% xuống còn 1,3 tỷ USD.

Ngân hàng Phát triển và Tái thiết châu Âu ước tính, cấm vận của Nga đã khiến tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 0,3% trong năm 2016 với thiệt hại kinh tế lên tới 9 tỷ USD.

nguoi nga dac thang truoc tho nhi ky

Bãi biển vắng lặng của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 5 khi lượng du khách Nga giảm tới 92%

Trước thời điểm căng thẳng, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ khá mật thiết và phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Nga với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt gần 40 tỷ USD/năm, còn Nga là thị trường lớn nhất đối với hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thậm chí, hai nước đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020 và đang thảo luận thỏa thuận hình thành một khu vực thương mại tự do đối với hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.

Hai bên cũng đang xúc tiến một loạt thỏa thuận năng lượng chiến lược quan trọng, trong đó có dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Thổ Nhĩ Kỳ còn là khách hàng mua khí đốt lớn thứ hai của Nga.

Về du lịch, hàng năm, gần 5 triệu du khách Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm 12% tổng du khách nước ngoài của nước này.

Ngoài kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ về an ninh và bất ổn chính trị... Chỉ riêng nửa đầu năm nay, 7 vụ đánh bom khủng bố lớn tại Ankara và Istanbul đã khiến hơn 200 người thiệt mạng.

Bên cạnh đó, cuộc xung đột kéo dài hơn 2 thập kỷ qua giữa chính quyền Ankara với cộng đồng người Kurd, vốn đã cướp đi sinh mạng của khoảng 40.000 người, đang có dấu hiệu leo thang nghiêm trọng.

nguoi nga dac thang truoc tho nhi ky

Ông Erdogan xuống thang trong tình hình khó khăn?

Xung đột chính trị nội bộ dai dẳng cùng những cuộc tranh giành quyền lực trong nước dẫn tới việc thay đổi chính phủ ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 5 vừa qua, càng làm trầm trọng thêm sự chia rẽ sâu sắc và rạn nứt trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ.

Quan hệ giữa Ankara với các nước láng giềng như Iraq, Syria, Ai Cập cũng không mấy tốt đẹp, thậm chí có lúc rơi vào đối đầu khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai các chiến dịch tấn công nhằm vào các tay súng người Kurd trên lãnh thổ Syria và Iraq.

Quan hệ giữa Ankara và EU cũng trong tình trạng "dè chừng lẫn nhau" dù hai bên phải dựa vào nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư.

Trong cuộc đối đầu với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ không nhận được sự hậu thuẫn của đồng minh Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Washington ngay từ đầu đã tuyên bố "đứng ngoài" tranh cãi giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tất cả những diễn biến trên khiến hình ảnh của Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vai trò và vị thế của Ankara cũng bị giàm sút. Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ lâm vào tình trạng bị cô lập trên trường quốc tế.

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast