Bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh đảm bảo chất lượng, đáp ứng mục tiêu phát triển

(Baohatinh.vn) - Hội đồng thẩm định và các ý kiến chuyên gia phản biện cũng đề nghị Hà Tĩnh cần quan tâm hơn các giải pháp cụ thể phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo, quản lý số và khả năng thu hút, nuôi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với công nghệ.

Sáng 23/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự họp có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương - Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định cùng các thành viên Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 708/QĐ-BKHĐT, ngày 11/5/2020).

Về phía tỉnh Hà Tĩnh có các đồng chí: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Quy hoạch phải chú trọng liên kết vùng

Bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh đảm bảo chất lượng, đáp ứng mục tiêu phát triển

Gợi mở nội dung phản biện Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, phải xác định rõ thời gian qua Hà Tĩnh phát triển dựa vào cái gì? có phải nhờ dự án Formosa không? Việc tăng công suất luyện thép sẽ ảnh hưởng đến môi trường thế nào?

“Nếu vẫn lấy công nghiệp mà luyện thép làm động lực, nhưng nếu họ không tăng sản lượng hoặc hiệu quả không cao thì sao? Vì vậy, phải có hướng đi tự chủ, độc lập cao hơn. Nếu phụ thuộc thì cần phải tính toán lại” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT lưu ý.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, Hà Tĩnh khi xác định các đô thị Hồng Lĩnh, Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh làm động lực phải tính toán kết hợp với đô thị Vinh - Nghệ An (phía Bắc) và Quảng Bình (phía Nam). Phải liên kết vùng, phân vùng kinh tế rõ ràng, cái này tạo động lực bổ trợ cho cái kia không tách rời được.

Hà Tĩnh đặc biệt hiểu rõ tầm quan trọng của phát triển bền vững bởi địa phương từng chứng kiến hậu quả nghiêm trọng từ sự cố môi trường. Do đó, quy hoạch được xây dựng theo hướng biến kinh nghiệm này thành yếu tố tích cực và xem đó như là lợi thế cạnh tranh thực sự của tỉnh. Bối cảnh hiện tại đòi hỏi một quy hoạch xác định hướng phát triển dài hạn và phù hợp với các điều kiện mới.

Tỉnh ưu tiên phát triển 4 lĩnh vực kinh tế trọng điểm gồm công nghiệp luyện thép, chế biến và chế tạo năng lượng; nông, lâm, thủy, sản; thương mại, dịch vụ, logistics; du lịch. Quy hoạch cũng xác định 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế và 1 trung tâm động lực là Khu kinh tế Vũng Áng.

Tỉnh đặt mục tiêu năm 2025, GRDP bình quân đầu người cao hơn các tỉnh Bắc Trung Bộ và năm 2030, trở thành tỉnh khá của cả nước với GRDP bình quân gần 7.000 USD, nâng lên 17.700 USD vào năm 2045 và 26.000 USD vào năm 2050. Cũng theo tầm nhìn 2050, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70%.

Bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh đảm bảo chất lượng, đáp ứng mục tiêu phát triển

Phải xác định rõ nội dung quy hoạch cần phát triển quy luật “thuận thiên” không đi ngược lại quy luật thiên nhiên. Vì vậy, quy hoạch cần bổ sung, làm rõ thực trạng công tác bảo vệ môi trường và tình hình thực hiện kế hoạch tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Về công nghiệp là không thể phụ thuộc vào Formosa mà phải phát huy hệ thống cảng biển Vũng Áng, trung tâm logicstics, năng lượng sạch…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà

Theo báo cáo của Hội đồng thẩm định, đến thời điểm này, cơ quan thường trực của hội đồng thẩm định đã nhận được ý kiến tham gia của 17/20 bộ, cơ quan ngang bộ và 3/3 ý kiến của chuyên gia.

Có 25 ý kiến đồng ý với bản Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có 1 ý kiến đồng ý hoàn toàn, không bổ sung, 24 ý kiến đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số điểm phù hợp hơn.

Các ý kiến phản biện cho rằng, nhìn chung kết cấu báo cáo quy hoạch phù hợp với yêu cầu; đã đánh giá toàn diện thực trạng các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh, và đưa ra được những định hướng phát triển theo từng giai đoạn.

Tuy nhiên, cần bổ sung, làm rõ một số vấn đề: Đánh giá tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu đối với phát triển KT-XH; cần phân tích, đánh giá rõ luận chứng lựa chọn ngành mũi nhọn, then chốt; bổ sung kết nối hạ tầng tỉnh với hệ thống hạ tầng quốc gia; đề nghị dự báo cho ngành công nghiệp luyện thép trong bối cảnh nguồn cung có xu hướng thừa làm căn cứ cho việc phát triển quy hoạch đảm bảo tính khả thi…

Bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh đảm bảo chất lượng, đáp ứng mục tiêu phát triển

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Trọng Hanh: Hồ sơ trình thẩm định quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh tuy còn một số tồn tại nhưng về cơ bản đã đạt yêu cầu của pháp luật về quy hoạch và nhiệm vụ lập quy hoạch. Kết quả nghiên cứu có giá trị về khoa học và thực tiễn.

Ngoài ra, Hội đồng thẩm định và các ý kiến chuyên gia phản biện cũng đề nghị tỉnh cần quan tâm hơn các giải pháp cụ thể phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo, quản lý số và khả năng thu hút, nuôi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với công nghệ.

Không vì tiến độ mà quy hoạch kém chất lượng

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo và sự vào cuộc của các sở, ngành đối với công tác lập quy hoạch. Hà Tĩnh là một trong 2 tỉnh đi đầu trong việc thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch phát triển KT-XH.

Bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh đảm bảo chất lượng, đáp ứng mục tiêu phát triển

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng kết luận cuộc họp

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc lập quy hoạch thời kỳ này tiếp cận theo phương pháp mới mà Luật Quy hoạch đã quy định. Tất cả các ngành, lĩnh vực và lãnh thổ phải được tích hợp trong một bản quy hoạch tổng thể có tính đa ngành trên không gian phát triển của toàn tỉnh.

Tuy nhiên, để thể hiện tất cả các nội dung tích hợp của các ngành trong đó là rất khó, phải đảm bảo quản lý quy hoạch chặt chẽ, không tùy tiện nhưng không bó cứng, nhất là phải đòi hỏi tính linh hoạt, chặt chẽ cao. Trong khi đó, quy hoạch tỉnh nằm trong hệ thống quy hoạch cả nước, cấp dưới của quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng nhưng các quy hoạch này lại chưa được làm, trừ quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đề nghị cơ quan lập quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia của các bộ, ngành; hoàn thiện hồ sơ sau khi đã tiếp thu, chỉnh sửa để trình phê duyệt. Đồng thời gửi hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh đến cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định xem xét, rà soát theo quy định; hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Tuy nhiên, không vì thời gian tiến độ mà quy hoạch kém chất lượng, quan điểm xuyên suốt, nhất quán là phát triển nhanh nhưng phải bền vững” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh đảm bảo chất lượng, đáp ứng mục tiêu phát triển

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cảm ơn, ghi nhận, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng và những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các thành viên Hội đồng thẩm định.

Tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch đảm bảo chất lượng, đáp ứng mục tiêu phát triển của tỉnh.

Hà Tĩnh ưu tiên phát triển 4 lĩnh vực kinh tế trọng điểm gồm công nghiệp luyện thép, chế biến và chế tạo năng lượng; nông, lâm, thủy, sản; thương mại, dịch vụ, logistics; du lịch. Quy hoạch cũng xác định 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế và 1 trung tâm động lực là khu kinh tế Vũng Áng.

Tỉnh đặt mục tiêu năm 2025, GRDP bình quân đầu người cao hơn các tỉnh Bắc Trung Bộ và năm 2030, trở thành tỉnh khá của cả nước với GRDP bình quân gần 7.000 USD, nâng lên 17.700 USD vào năm 2045 và 26.000 USD vào năm 2050. Cũng theo tầm nhìn 2050, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70%.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Chủ đề QUY HOẠCH TỈNH HÀ TĨNH THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Đọc thêm

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, các loại khí, chất gây nghiện từ năm 2025.