Bố trí sớm kinh phí, triển khai hiệu quả các chương trình dân số ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Hiện tại, Hà Tĩnh đã có 12/13 huyện, thành phố, thị xã thực hiện phân khai kinh phí cho công tác dân số theo tinh thần Nghị quyết 221/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Đây là căn cứ để các địa phương mạnh dạn triển khai các hoạt động thực hiện mục tiêu giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số.

Với sự chủ động trong công tác tham mưu và xây dựng kế hoạch, trong những tháng đầu năm nay, thành phố Hà Tĩnh đã bố trí nguồn kinh phí 147 triệu đồng cho các hoạt động về công tác dân số. Theo đó, địa phương đã triển khai sớm việc tổ chức chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)/KHHGĐ tại tất cả các xã, phường trên địa bàn.

Bố trí sớm kinh phí, triển khai hiệu quả các chương trình dân số ở Hà Tĩnh

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở phường Nam Hà (thành phố Hà Tĩnh) tìm hiểu kiến thức về SKSS/KHHGĐ tại Trạm Y tế phường.

Chị Nguyễn Thị Thương - cán bộ phụ trách Phòng Dân số truyền thông, Trung tâm Y tế thành phố Hà Tĩnh thông tin: “Ngay sau khi có kinh phí, chúng tôi đã sớm xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai chiến dịch. Theo đó, từ ngày 22/4 đến nay, đã có 6 đơn vị thực hiện gồm: Thạch Hưng, Thạch Bình, Thạch Hạ, Hà Huy Tập, Bắc Hà, Nam Hà; các xã, phường còn lại sẽ tiếp tục chiến dịch từ 12/4”.

Việc triển khai sớm chiến dịch trên địa bàn 15 xã, phường đặc biệt có ý nghĩa trong việc tạo động lực, khí thế cho đội ngũ những người làm công tác dân số ở thành phố trong các hoạt động thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch. Bởi trong năm 2022, công tác dân số nơi đây gặp nhiều khó khăn nên thành phố không thực hiện được chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Bố trí sớm kinh phí, triển khai hiệu quả các chương trình dân số ở Hà Tĩnh

Thành phố Hà Tĩnh cũng đang triển khai thực hiện công tác điều tra, thu thập số liệu biến động dân số tại các khu chung cư trên địa bàn.

Cũng từ nguồn kinh phí được cấp, trong những tháng đầu năm, đội ngũ cán bộ dân số thành phố Hà Tĩnh đã triển khai công tác điều tra, thu thập số liệu biến động dân cư trên địa bàn. Ngoài ra, ngành còn phối hợp với các trường học triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên và phòng chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử cho học sinh ở các nhà trường.

Tại Hương Khê, đến thời điểm hiện tại đã có 16/21 xã, thị trấn hoàn thành chiến dịch. Cùng với nguồn kinh phí của huyện, sự quan tâm của các xã, thị trấn về tinh thần, nguồn lực cũng là yếu tố góp phần làm nên thành công trong khâu tổ chức thực hiện chiến dịch tại các địa phương.

Bố trí sớm kinh phí, triển khai hiệu quả các chương trình dân số ở Hà Tĩnh

Cán bộ dân số xã Điền Mỹ (Hương Khê) tăng cường công tác truyền thông vận động người dân tham gia chiến dịch chăm sóc SKSS/ KHHGĐ.

Chị Nguyễn Thị Thắm - viên chức dân số xã Điền Mỹ (Hương Khê) chia sẻ: “Ngoài nguồn kinh phí của huyện, trong đợt 1 của chiến dịch, xã cũng đã bố trí thêm 3 triệu đồng. Sự quan tâm đó đã góp phần để chiến dịch trên địa bàn thành công ngoài mong đợi với kết quả các gói dịch vụ đều đạt trên 50% chỉ tiêu kế hoạch năm”.

Những tháng đầu năm nay, với sự quan tâm của huyện trong việc phân khai nguồn kinh phí 150 triệu đồng cho hoạt động dân số (tăng so với năm trước gần 60 triệu đồng), Trung tâm Y tế huyện Can Lộc cũng đã chủ động xây dựng sớm kế hoạch thực hiện chiến dịch.

Bố trí sớm kinh phí, triển khai hiệu quả các chương trình dân số ở Hà Tĩnh

Được hỗ trợ kinh phí, cán bộ dân số ở các địa phương có điều kiện thực hiện có hiệu quả chiến dịch CSSK/KHHGĐ.

Chị Phạm Thị Thùy Dương - Trưởng phòng Dân số truyền thông, Trung tâm Y tế huyện Can Lộc cho biết: “Năm trước, nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc tổ chức chiến dịch được thực hiện theo cụm nhưng năm nay, chúng tôi mạnh dạn mở rộng chiến dịch trên địa bàn 18 xã, thị trấn. Hiện tại, mọi công tác chuẩn bị từ vật tư y tế, nhân lực đến các hoạt động tuyên truyền đã và đang được triển khai. Dự kiến, từ 10/4, chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ trên địa bàn Can Lộc sẽ bắt đầu ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trước.

Chúng tôi cũng đang xây dựng kế hoạch thực hiện đề án sàng lọc trước sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi”.

Theo thống kê sơ bộ của ngành dân số, đến thời điểm hiện tại, các huyện, thành phố, thị xã ở Hà Tĩnh đã phân khai tổng nguồn kinh phí cho hoạt động dân số năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết 221 gần 1,8 tỷ đồng. Đây sẽ là cơ sở để các địa phương mạnh dạn triển khai các chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ và các chương trình hoạt động nâng cao chất lượng dân số.

Từ năm 2021, chương trình mục tiêu y tế - dân số kết thúc, công tác dân số từ hoạt động có mục tiêu chuyển sang hoạt động thường xuyên nên kinh phí của cấp nào do chính quyền cấp đó bố trí từ nguồn dự toán chi thường xuyên. Để giải quyết vấn đề này, tại Kỳ họp lần thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII (ngày 10/7/2020) đã ban hành Nghị quyết 221/2020/NQ-HĐND quy định một số chính sách về công tác dân số và phát triển trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2030.

Sự ra đời của Nghị quyết 221 được xem là động lực để thực hiện mục tiêu giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số.

Ông Bùi Quốc Hùng - Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast