Năm 2022, ngành dân số tiếp tục duy trì nhiều hoạt động đẩy mạnh công tác tuyên truyền (trong ảnh: Hội thi tìm hiểu kiến thức sức khỏe sinh sản vị thành niên được tổ chức tại huyện Hương Khê).
Mức sinh cao, tốc độ già hóa dân số nhanh
Với việc duy trì trở lại các chương trình hoạt động sau dịch bệnh và nỗ lực của đội ngũ cán bộ dân số các cấp, kết thúc năm 2022, công tác DS/KHHGĐ ở Hà Tĩnh đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Trong đó, số trẻ được sinh ra trong năm 2022 là 13.350 cháu, giảm 2.182 cháu so với cùng kỳ năm 2021; số trẻ được sinh ra là con thứ 3 năm 2022 giảm 0,39% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ số giới tính khi sinh là 110,14 bé trai/100 bé gái, giảm 5,22 điểm phần trăm. Số trẻ em sinh ra được sàng lọc sơ sinh và số bà mẹ mang thai được siêu âm sàng lọc trước sinh vượt chỉ tiêu Bộ Y tế giao năm 2022. Tổng số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) mới sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 37.274 người, đạt 98,09% chỉ tiêu được giao năm 2022.
Tuy nhiên, để thực hiện việc chuyển hướng mục tiêu từ DS/KHHGĐ sang dân số và phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, ngành Dân số Hà Tĩnh vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.
Ông Bùi Quốc Hùng - Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ thông tin: “Hà Tĩnh vẫn đang là một trong những tỉnh có mức sinh cao của cả nước; tỷ lệ sinh trên 2 con là 34,19%. Theo số liệu nghiên cứu của Quỹ Liên hợp quốc, với mức sinh như hiện tại, dự báo đến năm 2030, Hà Tĩnh vẫn chưa thể đạt mức sinh thay thế”.
Ngành dân số tăng cường công tác tập huấn kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ cơ sở.
Khó khăn trong việc chuyển hướng mục tiêu dân số ở Hà Tĩnh còn bắt nguồn từ thực trạng về di dân tự do và già hóa dân số. Theo số liệu từ Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỷ lệ già hóa số người 65 tuổi trở lên là trên 7% (số người 65 tuổi trở lên chiếm trên 7% được gọi là bước vào thời kỳ già hóa dân số). Hà Tĩnh đang bước vào giai đoạn già hóa một cách nhanh chóng với tỷ lệ 11%. Điều đó cũng đồng nghĩa với những gánh nặng về an sinh xã hội, ảnh hưởng lớn đến hoạt động nâng cao chất lượng dân số.
Cùng với đó, nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia y tế - dân số bị cắt giảm, chuyển nhiệm vụ chi thành chi thường xuyên của các địa phương. Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho hoạt động của cấp huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường còn thấp.
Dân số Hà Tĩnh đang bước vào giai đoạn già hóa nhanh chóng.
Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa hiểu hết tầm quan trọng của công tác dân số; đội ngũ cán bộ, CTV dân số cơ sở được kiện toàn lại, chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong hoạt động truyền thông… Vì thế, hoạt động của ngành dân số càng thêm khó.
Nỗ lực ổn định mức sinh, nâng cao chất lượng dân số
Để tiếp tục thực hiện song song các nhiệm vụ vừa ổn định mức sinh đồng thời nâng cao chất lượng dân số trước những thách thức lớn, năm 2023, ngành Dân số Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo các trung tâm y tế chủ động tham mưu, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Theo đó, ngay từ đầu năm, các địa phương trên toàn tỉnh đã chủ động tham mưu kế hoạch, nguồn kinh phí để triển khai thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với địa bàn.
Năm 2023, Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, đề án nâng cao chất lượng dân số (trong ảnh: cán bộ y tế tại Bệnh viện TTH tuyên truyền cho các bà mẹ mang thai thực hiện sàng lọc sơ sinh).
Anh Trần Văn Định - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Hương Khê cho biết: “Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã chủ động tham mưu địa phương các văn bản về lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân số, đặc biệt là việc bố trí nguồn để thực hiện các chương trình hoạt động trong năm 2023. Đến nay, huyện đã ban hành kế hoạch đẩy mạnh công tác truyền thông dân số và phát triển trên địa bàn. HĐND huyện cũng đã phân khai kinh phí hoạt động năm. Dự kiến cuối tháng 2 đầu tháng 3, chúng tôi sẽ tiến hành triển khai chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ trên địa bàn”.
Bên cạnh công tác tham mưu, việc đẩy mạnh tuyên truyền, đổi mới tư duy về chính sách dân số cũng được xem là một trong những giải pháp quan trọng của ngành. Theo đó, thông điệp truyền thông ngày nay không chỉ xoay quanh KHHGĐ mà còn phải đa dạng hóa kênh truyền thông, truyền tải những thông điệp phù hợp tới từng nhóm đối tượng, từng địa phương.
Nhiều trẻ sơ sinh được thực hiện lấy mẫu máu gót chân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh để phát hiện sớm các bệnh lý nội tiết và rối loạn chuyển hóa.
Chị Đỗ Thị Bích Ngọc - cán bộ dân số xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn) chia sẻ: "Việc tuyên truyền được chúng tôi đổi mới và thực hiện linh hoạt nội dung, hình thức theo từng nhóm đối tượng một cách phù hợp. Ngành cũng đã lồng ghép với các tổ hội thực hiện tuyên truyền cho hội viên trong các buổi sinh hoạt... Từ đó mang đến sự thay đổi trong nhận thức, hành động của người dân về trách nhiệm của bản thân đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách về công tác dân số và nâng cao chất lượng dân số”.
Cán bộ dân số xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn) từng bước đổi mới phương pháp tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, giải pháp quan trọng giải quyết mối quan hệ dân số và phát triển ở Hà Tĩnh còn là việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân số; thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Từ đó tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc bố trí ngân sách tương ứng theo mức mà Nghị quyết 221/2020/NQ-HĐND đã quy định và đẩy mạnh xã hội hóa công tác dân số để tiếp tục triển khai các chương trình hoạt động… sẽ là những giải pháp hữu hiệu góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành dân số. Qua đó, giúp ngành thực hiện tốt 2 nhiệm vụ: ổn định mức sinh và nâng cao chất lượng dân số.