Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm rõ mục tiêu tăng trưởng

Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các giải pháp ngắn hạn, dài hạn để hướng vào chất lượng tăng trưởng chứ không phải chỉ chạy theo con số tăng trưởng.

bo truong nguyen chi dung lam ro muc tieu tang truong

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về triển vọng và các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2017.

-Một số ý kiến băn khoăn việc Chính phủ theo đuổi mục tiêu 6,7% trong năm 2017 trong khi cần giải quyết nhiều vấn đề về cơ cấu kinh tế. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nhìn vào thực tế, năm 2017 là năm thứ 2 thực hiện kế hoạch 5 năm. Năm đầu đã thực hiện tương đối thấp, chỉ đạt 6,21%, nên nếu năm nay không đạt tăng trưởng cao hơn thì mục tiêu đặt ra trong 5 năm sẽ rất khó đạt.

Cần phải nhìn nhận thận trọng, hiện tại nếu so với các nước trong khu vực và quốc tế, Việt Nam đã thua kém, nếu không tăng tốc phát triển nhanh hơn thì sẽ tụt hậu. Tuy nhiên, tôi lưu ý là muốn phát triển nhanh cũng phải ổn định để phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII cũng đã đề cập vấn đề phát triển duy trì ổn định, khi đã ổn định thì đòi hỏi tiếp tục song hành với việc tăng tốc quyết liệt hơn.

Đối với Việt Nam, việc tăng trưởng GDP có nhiều ý nghĩa như tạo việc làm cho xã hội, có nguồn lực chi tiêu ngân sách an sinh xã hội, góp phần ổn định chính trị-xã hội.

Tái cơ cấu nền kinh tế là mục tiêu quan trọng của Chính phủ, đó mới là gốc vấn đề. Thực tế cùng với nỗ lực tăng trưởng, Chính phủ vẫn đang nỗ lực thực hiện chủ trương chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng vào chất lượng tăng trưởng chứ không phải chỉ chạy theo con số tăng trưởng. Chính phủ đã có chương trình hành động, các nghị quyết đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực trong toàn nền kinh tế để phát triển nhanh và bền vững.

-Xin Bộ trưởng giải thích cụ thể hơn cơ sở để tiếp tục giữ nguyên mục tiêu đạt con số tăng trưởng 6,7%!

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Có không ít ý kiến cho rằng đạt được mục tiêu đề ra là khó, nhưng theo nhận định của chúng tôi, tình hình quốc tế gần đây có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực. Các yếu tố dự báo tình hình kinh tế thế giới trong ngắn hạn tốt, có tác động đến kinh tế Việt Nam bởi nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Tình hình trong nước không còn khó khăn như năm ngoái như dịch bệnh, xâm nhập mặn, lũ lụt… Cùng với đó, nông nghiệp phục hồi tốt kèm theo chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với thị trường tiêu thụ.

Các dòng đầu tư gồm cả đầu tư nước ngoài, trong nước tăng tốt, thu ngân sách các địa phương, xuất khẩu tăng trưởng khả quan, du lịch phát triển. Còn về công nghiệp, các ngành chế biến, chế tạo có nhiều dấu hiệu tăng trưởng tốt. Đó là những cơ sở thuận lợi để đạt được mục tiêu đề ra, dù cũng không dễ dàng và cần có giải pháp đồng bộ. Chính phủ đã lưu ý tuy có cơ hội thuận lợi nhưng không được chủ quan, mà cần phải vào cuộc quyết liệt, đồng hành, đồng bộ từ các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp.

-Vậy các giải pháp cụ thể là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Giải pháp cơ bản mang tính dài hạn là phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, gắn với tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với sức cạnh tranh của nền kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời tận dụng tốt hơn thị trường hiện đang có, bao gồm cả thị trường trong nước.

Dù Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, nhưng thế giới đã cấu trúc lại thị trường, hệ thống cung ứng. Nếu Việt Nam nâng cao năng lực, năng suất lao động thì có thể hội nhập sâu rộng hơn, tận dụng chiếm lĩnh thị trường mới. Điểm cần lưu ý là lãnh đạo Hoa Kỳ hiện tại có xu hướng bảo hộ nhiều hơn, hướng dòng tiền vào trong nước, trong khi đây là thị trường quan trọng của nhiều nước trong đó có Việt Nam. Trong chuyến công du sắp tới của Thủ tướng Chính phủ sang Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ trao đổi để các bên hiểu nhau hơn, thúc đẩy mở rộng hợp tác đầu tư, thương mại.

Cùng với đó, thị trường trong nước phải phát triển mạnh mẽ. Tôi cho rằng với số dân hơn 90 triệu, với đời sống, sức mua tăng lên thì Việt Nam là thị trường rất đáng quan tâm.

Về giải pháp ngắn hạn, trước hết, đó là tháo gỡ khó khăn cho các DN để làm sao chuyển hoá số lượng thành chất lượng, số DN đăng ký phải đi đôi với vốn thực hiện, đầu tư. Muốn vậy, chúng ta phải hấp thụ được vốn, cải cách thể chế, hạ tầng, nhân lực, quản lý đất đai…

Vì vậy, Chính phủ đặc biệt quan tâm giảm chi phí cho DN hiện nay. Tại cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với DN vừa qua, Thủ tướng đã rất quan tâm chỉ đạo quyết liệt để làm sao giảm hơn nữa chi phí đầu vào trong sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị hiệu quả hơn khi hội nhập. Năng suất lao động thấp, giá thành cao, các chi phí logistics cao sẽ là rào cản cho việc nâng cao sức cạnh tranh. Chính phủ khuyến khích tăng trưởng nhưng phải bền vững, ví dụ như tín dụng tăng nhưng phải tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, nông nghiệp, xuất khẩu… không để xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản.

Một vấn đề nữa là giải ngân nhanh các nguồn vốn. Bộ KH&ĐT đã nỗ lực giao sớm các nguồn vốn, trong đó có vốn trung hạn 2017, nhưng các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực, triển khai giải ngân hiệu quả hơn.

-Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.