Bộ trưởng Nội vụ: Tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng là hợp lý

Chính phủ đề xuất Quốc hội tăng lương cơ sở từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng nhằm tạo động lực, giảm số lượng công chức, viên chức thôi việc, theo Bộ trưởng Nội vụ.

Sáng 22/10, thảo luận tại tổ ở Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương là từ năm 2021 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định lùi thời điểm cải cách tiền lương. Việc tăng lương cơ sở cũng chưa thực hiện được do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.

Theo bà Trà, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội tăng lương cơ sở thêm 20%, từ 1/7/2023. Tỷ lệ tăng này tiệm cận với chính sách cải cách tiền lương với khung cải cách dự kiến thấp nhấp là 29%, cao nhất khoảng trên 40%. Nếu năm 2023 đất nước phát triển kinh tế - xã hội tốt và năm 2024 tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi cách yếu tố khách quan như ba năm qua thì có thể triển khai được chính sách cải cách tiền lương.

Bộ trưởng Nội vụ: Tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng là hợp lý

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Media Quốc hội

Bộ trưởng Nội vụ cho biết, 6 tháng đầu năm, số công chức, viên chức thôi việc trên cả nước là 39.500 người. Trong đó, viên chức hơn 4.000 người, viên chức là 35.500 người, chủ yếu ở hai ngành giáo dục và y tế. Riêng giáo dục, trong hơn 2,5 năm qua, số người xin thôi việc là 16.400, trong đó trình độ đại học trở lên chiềm 49%. Y tế có 12.190 người xin thôi việc, hơn 56% có trình độ đại học trở lên. “Số liệu báo cáo là 2,5 năm nhưng thực tế số lượng công chức, viên chức nghỉ việc nhiều rơi vào 6 tháng cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022”, bà Trà nói.

Công chức, viên chức nghỉ việc chủ yếu ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt là nơi có khu công nghiệp, chế xuất lớn như TP HCM, Đồng Nai, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ. Nguyên nhân là họ phải chịu áp lực rất lớn về công việc, trong khi thu nhập không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Trong khi đó, sau dịch, các dịch vụ y tế, giáo dục ngoài công lập có điều kiện phát triển mạnh mẽ, chế độ đãi ngộ tốt, đã thu hút nguồn nhân lực dịch chuyển từ công sang tư.

Bộ trưởng Nội vụ: Tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng là hợp lý

Luật sư Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Hoàng Phong

Tham gia thảo luận tại đoàn TP HCM, luật sư Trương Trọng Nghĩa nói lương và thu nhập với công chức viên chức là vấn đề cần báo động. Lương phải đảm bảo tái sản xuất sức lao động, chăm lo được cho gia đình và phát triển bản thân. Nhưng mức lương của người lao động Việt Nam ở nhiều nơi không đảm bảo được nhu cầu sống thông thường, thậm chí là mức tối thiểu.

“Lương không đủ sống là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận công chức, viên chức rời bỏ khu vực công. Lương thấp còn cản trở rất lớn vấn đề nguồn nhân lực”, ông Nghĩa nói.

Ông đề nghị khi điều chỉnh tiền lương, không nên cào bằng mà nên chia thành hai nhóm. Thứ nhất, phải nâng lương trước cho bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đang có lương thấp, không đủ sống. Bộ phận này phải được tăng lương nhanh và nhiều hơn. Thứ hai là nhóm đang hưởng lương cao, thì có thể điều chỉnh chậm hơn chút. Lương tối thiểu cũng phải xác định lại để đảm bảo mức sống tối thiểu theo từng nơi. Như ở TP HCM, từ cắt tóc, đi xe ôm cũng tốn nhiều tiền, thì “lương 7-8 triệu đồng mỗi tháng chưa chắc đã đủ sống”.

Lương cơ sở là mức lương dùng làm căn cứ tính lương của cán bộ, công chức, viên chức... trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác. Trước đây, việc điều chỉnh tăng lương được thực hiện hàng năm, nhưng 3 năm qua không thể thực hiện do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trong khi đó, đời sống cán bộ, công chức, viên chức gặp nhiều khó khăn.

Lần điều chỉnh tăng lương cơ sở áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức gần nhất là từ 1/7/2019, tăng từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng. Theo đó, công chức trình độ đại học mới đi làm (hưởng lương bậc 1 với hệ số 2,34) sẽ nhận lương 3.486.600 đồng.

Theo Viết Tuân - Sơn Hà/VNE

Đọc thêm

Ấm áp “Tết nhân ái” Xuân Ất Tỵ năm 2025

Ấm áp “Tết nhân ái” Xuân Ất Tỵ năm 2025

“Tết nhân ái” Xuân Ất Tỵ và “Hội chợ Tết nhân ái” 2025 là chương trình khởi đầu cho chuỗi hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương Hà Tĩnh chăm lo Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội.
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1

Nhiều chính sách tác động đến đời sống người dân có hiệu lực từ tháng 1/2025 như tăng mức xử phạt vi phạm giao thông, cấm thuốc lá điện tử, quy định mới về đăng ký hộ khẩu...
Chính sách hỗ trợ người cai nghiện ma túy ở Hà Tĩnh

Chính sách hỗ trợ người cai nghiện ma túy ở Hà Tĩnh

Nghị quyết số 117/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh quy định một số chính sách hỗ trợ người cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập, tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh.