Bộ Y tế chưa chốt thời điểm tăng giá 1.900 dịch vụ y tế

Theo tin từ Bộ Y tế, việc tăng viện phí như dự kiến từ tháng 8/2016 vẫn chưa thể triển khai. Việc điều chỉnh giá gần 1.900 dịch vụ với mức tăng khoảng 50% sau khi tính đủ phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và chi phí tiền lương vào đầu tháng 8 như dự kiến đã lùi lại.

bo y te chua chot thoi diem tang gia 1 900 dich vu y te

Trong công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố; Y tế các bộ, ngành và các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ về việc thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, Bộ Y tế cho biết, hiện Bộ Y tế đang phối hợp với Tổng cục Thống kê, Ngân hàng nhà nước xây dựng các phương án điều chỉnh giá dịch vụ y tế và dự báo vấn đề tác động đến chỉ số giá tiêu dùng để xem xét, quyết định thời điểm điều chỉnh tại các đơn vị, địa phương cho phù hợp. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương chưa thực hiện mức giá bao gồm tiền lương của nhân viên y tế vào ngày 1.8 mà tiếp tục thực hiện mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù quy định tại khoản 1 Điều 5 của Thông tư 37 cho đến khi Bộ Y tế có văn bản thông báo thời điểm thực hiện cụ thể.

Như vậy việc điều chỉnh giá gần 1.900 dịch vụ với mức tăng khoảng 50% sau khi tính đủ phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và chi phí tiền lương vào đầu tháng 8 như dự kiến đã lùi lại. Riêng 9 bệnh viện tuyến trung ương đã thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn gồm: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Phụ sản Trung ương, Nội tiết Trung ương, Mắt Trung ương, Tai mũi họng Trung ương, Răng hàm mặt Trung ương, Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM đã được Bộ Y tế cho phép tính tiền lương vào viện phí từ 1/3/2016.

Cũng tại công văn này, Bộ Y tế cho biết, việc ban hành mức giá cụ thể tại Thông tư 37 đã giảm bớt thủ tục hành chính do các đơn vị, địa phương không phải xây dựng, ban hành định mức, tính lại giá để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT tăng lên do không phải trả thêm các chi phí trước đây chưa tính trong giá; giá của các bệnh viện tuyến dưới, nhất là tuyến huyện, tuyến xã được tăng lên; nguồn thu tăng, khuyến khích tuyến dưới phát triển các kỹ thuật y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phục vụ người có thẻ BHYT được tốt hơn.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng cho hay, qua theo dõi, kiểm tra tại một số đơn vị, địa phương Bộ Y tế thấy vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/ thành phố phối hợp chỉ đạo Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục triển khai thực hiện việc công khai mức thu của các dịch vụ để người bệnh biết, thực hiện, đặc biệt là mức thu khám bệnh, ngày giường điều trị và một số dịch vụ cơ bản. Việc công khai giá cần lưu ý công khai đầy đủ các bảng giá hiện đang thực hiện tại đơn vị; công khai rõ đối tượng áp dụng và phải ở vị trí thuận tiện, dễ nhìn.

Ưu tiên bố trí ngân sách, nguồn thu và Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp theo quy định để sửa chữa, cải tạo, mở rộng khoa khám bệnh, mua sắm, bổ sung bàn khám, các bộ dụng cụ khám bệnh, tăng cường và hợp đồng thêm hoặc điều chỉnh nhân lực để tăng số bàn khám, phòng khám không để người bệnh chờ lâu. Mua sắm bổ sung bàn, ghế, giường, tủ, các trang thiết bị của các buồng bệnh, thay thế các trang thiết bị, cải thiện các điều kiện phục vụ người bệnh (phải mua và trang bị chăn, ga, gối, đệm, quần áo bệnh nhân…). Cải tiến khu vực đón tiếp, có bộ phận và nhân viên hướng dẫn bệnh nhân và người nhà làm các thủ tục khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện nghiêm túc việc tính và thu chi phí khám chữa bệnh của người bệnh đúng quy định. Không được thu thêm của người bệnh các chi phí đã tính trong giá (trừ các chi phí vật tư, hóa chất, chưa tính vào giá, phần đồng chi trả theo quy định của người bệnh có thẻ BHYT hoặc phần chênh lệch giữa giá thanh toán với cơ quan BHXH và giá khám chữa bệnh theo yêu cầu). Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện mức giá dịch vụ Liên bộ đã ban hành nhưng không phù hợp, đề nghị các đơn vị, địa phương phản ánh bằng văn bản về Bộ Y tế, Bộ Tài chính để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp, không tự điều chỉnh mức thu hoặc yêu cầu người bệnh đóng thêm.

Đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là ở khâu lấy thuốc, thanh toán khi ra viện để thuận lợi cho người bệnh; tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin để việc thanh toán được nhanh chóng và hạn chế tối đa việc tính sai cho người bệnh

Trước đó, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính cho biết, Bộ Y tế đề xuất chia nhỏ thành 5 đợt điều chỉnh viện phí, mỗi đợt 8-12 tỉnh. Đợt 1, dự kiến vào cuối tháng 8/2016 tại các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 95%. Đợt 2 vào 10/2016 tại các địa phương có tỷ lệ tham gia BHYT khoảng 90% và có mức tác động CPI thấp. Đợt 3 được thực hiện vào tháng 11/2016 tại các địa phương có tỷ lệ BHYT bao phủ 85%. Đợt 4 vào tháng 12/2016 ở các tỉnh có tỉ lệ BHYT trên 80% và đợt 5 vào tháng 1/2017 tại các tỉnh còn lại.

Bộ Y tế cho biết, hiện giá dịch vụ y tế mới tính 3/7 yếu tố cấu thành giá là thuốc; vật tư trực tiếp cho khám chữa bệnh, ngày giường; chi phí điện nước, xử lý chất thải và 1 phần phụ cấp. Còn lại 4 yếu tố bao gồm: tiền lương; chi phí sửa chữa lớn tài sản; chi phí khấu hao nhà cửa, trang thiết bị lớn; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học vẫn chưa được tính. Theo lộ trình, đến năm 2018 các bệnh viện công sẽ phải tự chủ hoàn toàn tài chính và đến 2020, viện phí sẽ được tính đủ 7/7 yếu tố.

Theo Thái Bình/SKĐS

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.