Ấn Độ muốn cùng Việt Nam mua lại tài sản BP

Thư ký Bộ Dầu lửa Ấn Độ S. Sundareshan cho biết Tập đoàn Dầu và Khí đốt tự nhiên (ONGC) của nước này mong muốn cùng phía Việt Nam liên doanh mua lại phần tài sản mà BP vừa rao bán.

Tờ International Business Times dẫn lại tuyên bố của ông Sundareshan hôm 27/7 cho hay Tập đoàn Dầu và Khí đốt tự nhiên (ONGC) của Ấn Độ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) kỳ vọng liên doanh chào mua lại cổ phần của BP trong các dự án khai thác khí ngoài khơi Việt Nam.

Hiện ONGC có 45% cổ phần tại lô 6.1 thuộc bể Nam Côn Sơn về phía Đông Nam thềm lục địa Việt Nam. Cũng tại lô này, BP đang nắm 35% cổ phần, và phần còn lại thuộc sở hữu của PetroVietnam.

"Chúng tôi đã được tiếp kiến Thủ tướng Việt Nam và trình bày với ngài rằng chúng tôi sẽ cùng PetroVietnam mua lại cổ phần của BP. Chúng tôi đang thảo luận với BP. PetroVietnam cũng vậy", ông Sundareshan nói.

Khi được hỏi về thời gian sẽ nộp hồ sơ dự thầu chính thức để mua lại cổ phần BP, ông cho biết chỉ trong vài tuần tới.

BP tại Việt Nam hiện chưa tiết lộ các đối tác mua lại phần tài sản của mình. PetroVietnam cũng chưa đưa ra thông tin về việc có tham gia vào thương vụ này hay không. Cả hai đều không bình luận gì về ý muốn của phía Ấn Độ.

Theo tin từ website Chính phủ, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 28 tại thành phố Đà Lạt, chiều 22/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Murli Deora, Bộ trưởng Bộ Dầu khí Ấn Độ. Thủ tướng khuyến khích các doanh nghiệp Ấn Độ mở rộng đầu tư, kinh doanh với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực phát triển năng lượng. Vị Bộ trưởng Ấn Độ cũng cho biết doanh nghiệp nước này mong muốn mở rộng hợp tác đầu tư các dự án phát triển điện năng và luyện thép tại Việt Nam.

Trong lúc này, các tập đoàn năng lượng lớn của Trung Quốc (CNOOC và Sinopec) cũng như Thái Lan (PTTEP) cũng tỏ ra quan tâm tới cổ phần của BP. Tuy nhiên nhiều thông tin cho rằng BP sẽ ưu tiên bán lại cho các đối tác đang tham gia dự án. Thương vụ này nếu thành công sẽ là một tín hiệu mừng cho Ấn Độ trong chiến dịch tăng cường khai thác nguồn lực tự nhiên để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế đang tăng tốc.

Tuần trước, BP tuyên bố bán lại phần tài sản phần thượng nguồn của mình tại Việt Nam, trong đó có hai mỏ khí Lan Tây, Lan Đỏ, giàn khai thác Lan Tây, đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn, nhà máy xử lý khí Dinh Cố, và tài sản tại Nhà máy điện Phú Mỹ 3. Theo The Globe and Mail, phần tài sản trên toàn thế giới mà BP định bán đợt này có giá trị 30 tỷ USD, trong tổng tài sản 250 tỷ USD của hãng. Riêng số cổ phần của BP tại dự án khí Nam Côn Sơn có giá khoảng 1 tỷ USD.

Dự kiến sau khi bán số tài sản này, sản lượng khai thác của BP trên toàn thế giới sẽ giảm 10% so với mức 4 triệu thùng mỗi ngày hiện nay.

BP đã tốn hơn 32 tỷ USD để trang trải các chi phí phát sinh sau sự cố tại vịnh Mexico. Con số thiệt hại chưa dừng lại, nhưng đã đủ khiến hãng lỗ tới 17 tỷ USD trong quý II, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 4,39 tỷ USD. Hãng đã phải ép CEO đương nhiệm Tony Hayward ra đi từ 1/10 và thay thế bằng Robert Dudley, vị giám đốc người Mỹ đầu tiên trong lịch sử BP.

Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast