Thêm chất “xúc tác”

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam năm 2009 vừa tổ chức tại Hà Nội, lần đầu tiên chỉ số quản lý vĩ mô của Chính phủ đã được giới doanh nghiệp đánh giá ở thang điểm cao nhất. Yếu tố đồng thuận đang tạo ra sức hấp dẫn mới, chất “xúc tác” mới cho môi trường kinh doanh.

Da giày, một trong những mặt hàng XK sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: DDDN.com.vn

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhắc tới những dấu hiệu gắn kết đáng ghi nhận giữa khu vực kinh tế tư nhân và các phản ứng chính sách của Chính phủ.

Bằng chứng là số doanh nghiệp tham gia điều tra về cảm nhận môi trường kinh doanh năm 2009 tăng so với năm 2008. Những kết quả cải thiện môi trường kinh doanh sau những kiến nghị của Diễn đàn doanh nghiệp tiếp tục tạo ra những chất “xúc tác” đáng kể làm tăng niềm lạc quan của giới đầu tư, kinh doanh.

Mức độ lạc quan này thậm chí còn cao hơn cả năm 2007, trước thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới. Niềm tin về sự phục hồi kinh tế nước ta được các doanh nghiệp thể hiện với 80,2% ý kiến tán đồng. Giám đốc khu vực Tổ chức Tài chính Quốc tế cho biết, gần 2/3 trong tổng số 291 doanh nghiệp nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian tới là khả quan, hơn 83,2% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 3 năm tới.

Ấn tượng nhất là các doanh nghiệp trong nước lại tỏ ra lạc quan hơn nhiều khối doanh nghiệp nước ngoài, với 34,6% số doanh nghiệp được điều tra đã “cho điểm” tốt và rất tốt về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Khoảng 28,24% doanh nghiệp khu vực đầu tư nước ngoài đồng tình với đánh giá trên.

Rõ ràng, sự đồng thuận tích cực này góp phần không nhỏ tạo nên những thành công trong điều hành chính sách của Chính phủ, cũng như mức tăng trưởng GDP 5,2% trong năm nay. Đây được coi là nền tảng quan trọng để Chính phủ thực hiện những chính sách về phát triển kinh tế trong năm 2010.

Dẫu vậy, kiến nghị tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp vẫn khá “nóng hổi”. Quả thật giới doanh nghiệp chưa nhìn thấy những chuyển biến đột phá trong thực thi chính sách. Trong số những khuyến nghị mà Diễn đàn doanh nghiệp gửi tới Chính phủ, ưu tiên số 1 vẫn là đòi hỏi bức thiết trong cải cách hành chính, bãi bỏ giấy phép con và những quy định thủ tục không cần thiết.

Tiếp đó là cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Giám đốc khu vực Tổ chức Tài chính Quốc tế dẫn chứng: “Các doanh nghiệp phàn nàn, kêu ca nhiều hơn về thủ tục hành chính chứng tỏ họ vẫn bị sách nhiễu quá nhiều của tệ quan liêu giấy tờ.

Trong khi đó, nút thắt lớn của giới doanh nghiệp nước ngoài là hạ tầng và sự yếu kém trong thực thi pháp luật”. Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính đang được nhìn nhận là sự “công phá” mạnh mẽ tạo nên những chuyển biến về cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Thế nhưng, chính việc thực hiện Đề án 30 đang để ngỏ nhiều băn khoăn.

Cá tra nuôi không gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các quy định của EC. Ảnh:DDDN.com.vn

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ cho rằng, các doanh nghiệp đang chăm chú theo dõi những chuyển động tích cực của Đề án. Ông chia sẻ: “Việc thực hiện nghiêm túc những cam kết mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra trong cải cách thủ tục hành chính, sẽ là bảo đảm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp về tiến trình cải cách xây dựng môi trường kinh doanh tốt hơn của Việt Nam”.

Ngay cả với những kế hoạch mở rộng hợp tác đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng theo hình thức công-tư kết hợp, những động thái được giới đầu tư rất ủng hộ khi thông tin về dự luật liên quan đến nội dung này sẽ được hoàn thiện vào đầu năm tới.

Tuy vậy, Trưởng tiểu ban Điện và năng lượng kiến nghị rằng, các chính sách cần thực tế hơn, rõ ràng hơn để giải tỏa những vướng mắc về cơ chế hợp tác, giá cả. Theo ông Trưởng tiểu ban, các quy hoạch tổng thể trong phát triển các lĩnh vực hạ tầng hiện đang thay đổi quá thường xuyên, không tạo được sự yên tâm cho nhà đầu tư tư nhân. Ông Trưởng tiểu ban đề nghị được tham gia quá trình xây dựng các quy hoạch để tăng tính thực tiễn cho chính sách.

Duy trì ổn định bền vững kinh tế vĩ mô, định vị lại nền kinh tế thời kỳ hậu khủng hoảng là thách thức lớn nhất của nước ta. Tăng thêm chất “xúc tác” cho môi trường đầu tư và kinh doanh, chắc chắn sẽ tạo ra những “xung lực” lớn ngay trong lòng nền kinh tế.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast