Xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ nhận thức của mỗi cán bộ và từng người dân

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn, có liên quan trực tiếp đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ở Hà Tĩnh đã tập trung thực hiện với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay, ở nhiều địa phương cơ sở, việc nhận thức chưa đầy đủ từ cấp ủy, chính quyền đến người dân đã làm kìm hãm tiến độ thực hiện chương trình giàu tính nhân văn này.

Khi người dân chưa hiểu về nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới, về nguyên tắc trước tiên đó là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm và quyền lợi thiết thực của mỗi người dân nông thôn, trong đó Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí. Đây là chương trình phục vụ chính người dân nên người dân phải là chủ thể xây dựng; UBND cấp xã làm chủ đầu tư. Trong quá trình thực hiện, từ cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và mọi người dân cần phải nhận thức đúng đắn yêu cầu đặt ra để chung tay xây dựng.

Sôi nổi phong trào làm giao thông nông thôn ở Can Lộc
Sôi nổi phong trào làm giao thông nông thôn ở Can Lộc

Được tham gia cùng đoàn kiểm tra của BCĐ tỉnh đến nhiều địa phương làm điểm xây dựng nông thôn mới, chúng tôi nhận thấy, phần lớn cán bộ và nhân dân đang có những biểu hiện lệch lạc trong nhìn nhận về việc triển khai chương trình. Đặc biệt là người dân, chủ thể thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới lại nhận thức không đầy đủ và toàn diện về nội dung xây dựng nông thôn mới.

Ở một số địa phương, người dân thường mặc nhiên coi việc xây dựng nông thôn mới chỉ là sự đầu tư của cấp trên về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, trong đó có việc xây dựng “điện, đường, trường, trạm”. Trong khi đó, đây chỉ là một trong 5 nhóm của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà trung ương qui định.

Hầu hết người dân ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh hẳn hoi, vẫn còn rất mơ hồ về khái niệm xây dựng nông thôn mới. Khi được hỏi về chủ trương xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã, nhiều người dân thật thà cho biết, cũng không hiểu nông thôn mới là gì, chỉ thấy thôn, xã có triển khai họp dân để nói về làm đường và các công trình hạ tầng khác…

Tại xã Gia Phố (Hương Khê), một xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của trung ương, nhìn chung nhận thức của nhân dân ở đây vẫn không có gì mới mẻ hơn. Dù được trung ương và tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo, người dân lại càng coi đây như là một dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và háo hức, trông chờ sự đổi thay từ nhà ra phố dựa trên sự đầu tư về kinh phí của Nhà nước.

Tại cuộc kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới gần đây ở Gia Phố, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Phó BCĐ chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lê Đình Sơn, khi hỏi chuyện một người dân ở đây, đã được đề nghị rằng, cấp trên cần giúp đỡ về kinh phí để gia đình xây mới tường rào! Đây cũng chính là thực trạng khá phổ biến ở nhiều địa phương về sự trông chờ, ỉ lại của nhân dân từ phía Nhà nước khi triển khai những công trình của chính mình.

… Và cán bộ lúng túng trong chỉ đạo, điều hành

Không chỉ đối với người dân, thực tế hiện nay ở cơ sở, địa bàn trực tiếp làm chủ đầu tư xây dựng nông thôn mới, nhiều cán bộ địa phương vẫn rất mơ hồ và lúng túng về phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, hoặc chưa thực sự vào cuộc quyết liệt với nhiệt huyết và trách nhiệm của mình đối với cuộc sống của nhân dân.

Nông thôn mới nhìn từ diện mạo của các vùng quê Hà Tĩnh
Nông thôn mới nhìn từ diện mạo của các vùng quê Hà Tĩnh

Hầu hết cán bộ từ xã đến thôn xóm khi được hỏi đều chưa xác định được mục tiêu xuyên suốt của xây dựng nông thôn mới, đó là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tại cuộc kiểm ở xã điểm Thiên Lộc (Can Lộc), một địa phương có thực lực rất tốt để xây dựng nông thôn mới, khi Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng BCĐ tỉnh nêu câu hỏi mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là gì? Hầu hết các đồng chí Bí thư chi bộ đều trả lời một cách rất mơ hồ, đại loại như: xây dựng nông thôn mới để công nghiệp hóa - hiện đại hóa quê hương, đất nước; hay xây dựng nông thôn mới để phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc v.v…

Về vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, khi được hỏi, các Bí thư đoàn xã đều không nắm được số lượng đoàn viên thanh niên, số đi làm ăn xa cũng như lao động ở địa phương.

Trong xây dựng nông thôn mới thì Đồ án quy hoạch, Đề án xây dựng nông thôn mới và Đề án phát triển sản xuất chính là 3 yếu tố nền tảng; là linh hồn quyết định sự thành bại của cả quá trình thực hiện. Tuy nhiên, qua kiểm tra, phần lớn các đề án đã được phê duyệt và đưa ra đều chưa đạt yêu cầu, phải bổ sung nhiều về nội dung, thậm chí phải làm lại, trong đó là việc sao chép, cóp nhặt nội dung Đề án của tỉnh hoặc của địa phương khác. Phần lớn các đồ án, đề án chỉ nêu tính hiện trạng, chưa đưa ra được những con số có bước đột phá về quy hoạch, về phát triển KT-XH đảm bảo yêu cầu của nông thôn mới, như ở xã Hương Trà (Hương Khê).

Nguyên nhân cơ bản của thực trạng này được các đồng chí lãnh đạo BCĐ xây dựng nông thôn mới tỉnh chỉ rõ, đó là nhìn chung các địa phương khi xây dựng đồ án quy hoạch và các đề án đã không tiến hành bàn bạc và lấy ý kiến của đông đảo người dân, đối tượng quyết định trong việc hoạch định và xây dựng đề án. Bên cạnh đó là sự thiếu sâu sát trong nghiên cứu thẩm định và phê duyệt của Ban chỉ đạo cấp huyện.

Còn nguyên nhân chung của thực trạng yếu kém trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới, trước hết là do hạn chế trong công tác tuyên truyền và triển khai để nhân dân nhận thức đầy đủ về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là nắm bắt sâu sắc về 5 nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới để chủ động cùng chính quyền địa phương triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở chưa thực sự vào cuộc quyết liệt như tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh.

Xin được kết thúc bài viết này bằng ý kiến chỉ đạo cũng như những tâm tư của Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng BCĐ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Võ Kim Cự: “Xây dựng nông thôn mới là một việc làm lâu dài, khó khăn nhưng rất hợp với lòng dân. Vì vậy dù khó khăn, gian khổ bao nhiêu cũng phải quyết làm cho bằng được. Bởi vì làm được việc gì hợp lòng dân, đem lại lợi ích cho dân thì khó mấy cũng phải làm. Phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, mọi cấp, mọi ngành và của mọi người. Xây dựng nông thôn mới, nhất thiết là phải có cái mới. Phải có hiệu quả mới, kết quả mới và có đời sống mới của người dân nông thôn được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Để có động lực trong xây dựng nông thôn mới, trước hết, phải dồn sức tập trung vào nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, giáo dục để nâng tầm nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, để mọi người nhận thấy được yêu cầu, nhiệm vụ và quyền lợi trong xây dựng nông thôn mới; để người dân thấy được, xây dựng nông thôn mới là xây dựng đời sống mới cho chính mình và để rút ngắn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, đảm bảo công bằng xã hội”.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast