Ca sĩ quê Hà Tĩnh với giọng nam sáng giá của dòng nhạc trữ tình quê hương

(Baohatinh.vn) - Được trời phú giọng hát mặn mà, nam ca sĩ Đại Hải (quê Hà Tĩnh, hiện đang công tác tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam) là một trong những giọng ca sáng của dòng nhạc trữ tình quê hương. Tuy nhiên, ít ai biết rằng anh từng có quãng thời gian rất khó khăn và chịu nhiều cay đắng để theo đuổi con đường nghệ thuật.

Đại Hải tên thật là Nguyễn Đại Hải sinh ra trong một gia đình làm nghề chài lưới ở xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Sau khi thi đỗ vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, để bám trụ lại thành phố, nam sinh nghèo phải làm thêm nhiều nghề như chạy bàn, nhận show ca nhạc đi hát tỉnh để kiếm tiền. Vì lúc đó chưa có tên tuổi nên anh chỉ có thể hát lót nhằm câu giờ cho các ca sĩ chính, có đêm phải hát liên tục 6 bài vì ngôi sao đến trễ.

Ca sĩ quê Hà Tĩnh với giọng nam sáng giá của dòng nhạc trữ tình quê hương

Nam ca sĩ Hà Tĩnh Đại Hải. (Ảnh: NVCC)

“Vào mỗi đêm diễn, Hải dường như bị ‘bỏ quên’. Sau câu giới thiệu cụt lủn của MC thì không mấy người, cả khán giả và những ca sĩ tham gia chương trình quan tâm tới một cậu sinh viên đi hát lót”, anh kể.

Trong quá trình học tập tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, may mắn đến với Đại Hải khi NSND Doãn Tần có cảm tình với cậu sinh viên nghèo thật thà, chịu khó, có năng khiếu và triển vọng. Ông nhận chàng trai quê Hà Tĩnh làm học trò và nhiệt tình chỉ dạy cho Hải từ những nốt nhạc đầu tiên sao cho đúng kỹ thuật và mỹ học âm nhạc chuẩn mực.

“Người thầy thứ hai mà Hải luôn biết ơn là NSƯT Đức Long. Thầy không chỉ dạy bảo cho Hải về giọng hát mà còn dạy về cả bản lĩnh và phong cách trình diễn trên sân khấu”, nam ca sĩ nói.

Gặp nhiều thuận lợi trong việc học tập, song con đường sự nghiệp trong nghề xướng ca của Đại Hải lại không hề bằng phẳng. Năm 2010 - hai năm sau khi rời ghế nhà trường, anh mới gom góp được một ít tiền, cộng thêm việc bán máy tính cá nhân và điện thoại di động thì mới đủ tài chính làm album đầu tay “Hai thế giới” hợp tác với nhạc sĩ Khắc Việt. May mắn là sản phẩm này nhận được phản hồi tích cực từ khán giả, nam ca sĩ được nhiều người biết tới, các ông bầu ca nhạc cũng bắt đầu chú ý đến cái tên Đại Hải và đưa cho anh nhiều lời mời hơn.

Lựa chọn nhạc trẻ để gia nhập làng giải trí, nhưng có lẽ vì tình yêu với những làn điệu dân ca xứ Nghệ đã ngấm sâu vào máu thịt, Đại Hải quyết định quay trở về với dòng nhạc trữ tình quê hương. Năm 2016, anh cho ra mắt MV “Lời hẹn tình quê” như để đánh dấu bước chuyển của mình.

Cùng năm này, Đại Hải cũng đầu quân về Nhà hát Đài Tiếng Nói Việt Nam - một trong các đơn vị nghệ thuật ca nhạc hàng đầu Việt Nam hiện nay, cùng với các nghệ sỹ tên tuổi như NSƯT Đăng Dương, NSƯT Việt Hoàn, Mai Hoa, Diệu Hương, Cẩm Tú… các Sao mai: Đăng Thuật, Bùi Lê Mận, Hoàng Tùng, Đinh Thành Lê, Đinh Trang…

Tròn 3 năm công tác tại nhà hát, Đại Hải ngày càng trưởng thành trong phong cách âm nhạc. Anh bắt tay vào thực hiện album vol.2 mang tên “Biển gọi”.

Đại Hải chia sẻ rằng nhiều người thắc mắc, hỏi "tại sao gần 10 năm làm nghề chỉ cho ra mắt được 2 album, liệu có quá ít ỏi so với một ca sĩ?" Anh đáp vì bản thân là một người cầu toàn, mỗi một sản phẩm âm nhạc đều phải được chuẩn bị và thực hiện hết sức kỹ lưỡng. Đơn cử như album “Biển gọi” vừa được ra mắt cũng phải mất tới hơn 1 năm mới hoàn thành.

Ca sĩ quê Hà Tĩnh với giọng nam sáng giá của dòng nhạc trữ tình quê hương

Album vol.2 “Biển gọi” của Đại Hải. (Ảnh: NVCC)

Mặt khác, một phần lý do nữa là do tâm thế và cách sống của Đại Hải. Anh không thích dùng chiêu trò để được nổi tiếng mà hướng đến việc trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp với những tác phẩm hay để cống hiến cho khán giả.

Đến nay, Đại Hải đã cho ra mắt nhiều Album chất lượng. Album “Biển gọi” vừa phát hành là một bức tranh bao quát về quê hương, được biên tập theo hai phần: Phần một là miền quê xứ Nghệ với những các khúc: “Quê hương”. “Điệu ví giặm là em”, “Khúc hát sông quê”, “Về xứ Nghệ cùng anh”, “Hà Tĩnh mình thương”…. đầy cảm xúc.

Phần hai của Album là sự tươi sáng, hào sảng với những ca khúc về biển đảo, cách mạng mang đầy ý nghĩa như: “Bâng khuâng Trường Sa” (lời thơ: Nguyễn Thế Kỷ, nhạc: Lê Đức Hùng), “Đá lạnh”, “Tôi vẫn tìm em người con gái Sông La”, “Ru mẹ”. Bên cạnh những ca khúc quen thuộc kể trên, album có một ca khúc mới cũng là chủ đề của album mang tên “Biển gọi” (lời thơ: Thuận Hữu - nhạc: Đức Dũng).

Chọn các ca khúc quen thuộc đã gắn với một số tên tuổi ca sĩ nhưng mới chỉ có giọng nữ thể hiện như: “Điệu ví giặm là em”, “Khúc hát sông quê”, “Hà Tĩnh mình thương”… nhưng Đại Hải hòa âm, phối khí mới và xử lý khác đi. Các ca khúc đều được hát với sự mạnh mẽ của một giọng nam chứ không quá sướt mướt như giọng nữ. Đó cũng là một dấu ấn đặc biệt của Đạo Hải với album này.

Đại Hải cho hay ít có dịp trở về quê Hà Tĩnh hoạt động nghệ thuật, anh chia sẻ thời gian tới sẽ cố gắng sắp xếp thời gian về quê nhiều hơn để được phục vụ khán giả tỉnh nhà. Nam ca sĩ cũng có khá nhiều ca khúc tự sáng tác, nhưng chưa có nhạc phẩm nào viết về nơi chôn rau cắt rốn. Trong tương lai anh muốn trải lòng về vùng đất núi Hồng sông La yêu dấu trong sáng tác của mình.

“Nếu có thời điểm phù hợp, Hải dự tính sẽ cùng hai anh chị ca sĩ đồng hương là chị Bùi Lê Mận và anh Đăng Thuật bàn bạc và nghĩ tới một đêm nhạc dành tặng khán giả quê hương. Điều này rất ý nghĩa, chắc ai cũng thích làm điều đó”, Đại Hải nói.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Trải qua 30 năm thành lập (1994-2024) dù ở đâu, làm việc gì, ở cương vị nào, những người con của Hà Tĩnh tại Bình Thuận cũng luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Khép lại một năm thi đấu thành công, đô cử Lê Văn Công giữ vững vị thế thống trị ở hạng cân 49 kg xuyên suốt 7 kỳ ASEAN Para Games liên tiếp từ năm 2007 đến nay. Trong niềm vui đón xuân mới, người đàn ông được mệnh danh là “lực sĩ thép” đặt ra những mục tiêu tiếp tục được khẳng định mình và cống hiến cho quê hương, đất nước.
Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Trong những ngày mùa đông phương Nam nắng mưa khoan nhặt, chúng tôi đã có dịp gặp hai “cánh chim bằng” người Hà Tĩnh, là thủ lĩnh những ngôi trường bách khoa ở 2 đầu đất nước. Đó là GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội và PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.
Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết cổ truyền luôn là dịp lễ trọng đại và thiêng liêng để những người Việt sống, lao động, học tập trên khắp thế giới nói chung và những người con Hà Tĩnh xa quê nói riêng hướng lòng mình về quê cha đất tổ.
Đón tết sớm trên Nhà giàn DK1

Đón tết sớm trên Nhà giàn DK1

Với sự có mặt của đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, không khí xuân đã rộn ràng trên khắp nhà giàn DK1/10 với những chậu quất, cành mai rực rỡ sắc vàng...