Các địa bàn ngập lụt ở Hà Tĩnh khẩn trương vệ sinh môi trường, ngăn dịch bệnh bùng phát

(Baohatinh.vn) - Ngành Y tế Hà Tĩnh phối hợp với các địa phương bị ngập lụt trong đợt mưa lũ vừa qua đang khẩn trương triển khai công tác vệ sinh, khử khuẩn môi trường để phòng, chống các dịch bệnh, góp phần ổn định đời sống cho Nhân dân.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh có hàng ngàn hộ dân bị ngập và nhiều thôn ở các huyện Đức Thọ, Nghi Xuân, Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê… bị cô lập.

Nhiều nhà dân, các công trình công cộng như: trạm y tế, trường học, công sở bị ngập lụt kéo dài ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ.

Các địa bàn ngập lụt ở Hà Tĩnh khẩn trương vệ sinh môi trường, ngăn dịch bệnh bùng phát

Trong đợt mưa lũ vừa qua, Hà Tĩnh có nhiều địa phương bị ngập lụt, chia cắt.

Ngay sau mưa lũ, Sở Y tế Hà Tĩnh đã khẩn trương chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương khẩn trương vào cuộc vệ sinh, khử khuẩn môi trường.

Đức Thọ là địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng trên diện rộng tại các xã: Tùng Châu, Liên Minh, Quang Vĩnh, Bùi La Nhân, thị trấn Đức Thọ, Trường Sơn, Yên Hồ… Toàn huyện có 3 trạm y tế, 6 trường học, nhiều nhà dân và trên 1.400 giếng nước, 1.234 công trình vệ sinh bị ngập lụt.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Thọ cho biết: “Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ, trung tâm đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương và người dân tổ chức vệ sinh, khử khuẩn môi trường với phương châm “nước rút đến đâu xử lý môi trường đến đó”. Đơn vị đã cấp cho các trạm y tế xã, thị trấn 124 kg hóa chất và 8.000 viên Cloramin B, 73.500 viên Aquatas để khử khuẩn môi trường, giếng nước và các công trình vệ sinh. Đồng thời tăng cường 16 cán bộ hỗ trợ, giám sát các địa phương vệ sinh, xử lý môi trường khi nước bắt đầu rút”.

Các địa bàn ngập lụt ở Hà Tĩnh khẩn trương vệ sinh môi trường, ngăn dịch bệnh bùng phát

Huyện Hương Sơn tích cực thực hiện phương châm nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó.

Huyện miền núi Hương Sơn trong đợt mưa lớn vừa qua có 101 hộ dân, 4 trường học, 9 nhà văn hóa thôn, 1 trạm y tế, 109 giếng nước và 134 công trình vệ sinh của các hộ dân bị ngập lũ.

Ngay khi nước lũ rút, Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn đã nhanh chóng cử đội phòng, chống dịch xuống địa bàn tổ chức phun hóa chất khử khuẩn các trường học, hỗ trợ nhà trường làm vệ sinh môi trường. Trung tâm cũng đã phân bổ các loại hóa chất như: Cloramin B, Aquatab, phèn chua để trạm y tế và cấp ủy, chính quyền các địa phương tiến hành khử khuẩn môi trường, nguồn nước cho người dân vùng bị ngập lụt, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

Các địa bàn ngập lụt ở Hà Tĩnh khẩn trương vệ sinh môi trường, ngăn dịch bệnh bùng phát

Cán bộ y tế huyện Hương Sơn phun hóa chất tiêu độc khử trùng cho các trường học bị ngập lụt. Ảnh: Hương Hà.

Mưa lũ cũng khiến cho trạm y tế ở các xã Hương Thủy, Hương Đô, Lộc Yên (Hương Khê) bị ngập; toàn huyện có 1.568 giếng bị ngập.

Bác sỹ Nguyễn Trường Lâm - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hương Khê cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ trạm y tế, giếng nước bị ngập đều đã được xử lý. Tuy nhiên, sau mưa lũ nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh là rất lớn nên hiện nay, trung tâm cùng với các trạm y tế đang tăng cường công tác giám sát trong cộng đồng để phát hiện kịp thời các diễn biến của dịch bệnh”.

Được biết, ngay sau khi mưa lũ kết thúc, lãnh đạo Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã nhanh chóng đi kiểm tra, đôn đốc các địa phương bị ngập lụt nặng triển khai công tác xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Các địa bàn ngập lụt ở Hà Tĩnh khẩn trương vệ sinh môi trường, ngăn dịch bệnh bùng phát

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Hương Khê xử lý giếng nước bị ngập cho người dân.

Bác sỹ Nguyễn Tuấn - Quyền Giám đốc Sở Y tế lưu ý: “Sau mưa lũ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh phổ biến như: sốt xuất huyết, sốt rét, tay chân miệng, các bệnh đường tiêu hóa, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ… Vì vậy, các trung tâm y tế cần tiếp tục phối hợp, hướng dẫn các địa phương và người dân triển khai kịp thời công tác vệ sinh môi trường; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ".

Để hỗ trợ các địa phương phòng, chống hiệu quả với các dịch bệnh sau mùa lũ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh đã chủ động cấp 530.000 viên Aquatab, 1.800kg CloraminB, 1.272 chai nước rửa tay, 50.000 khẩu trang y tế cho trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.