Các nước châu Âu tiết kiệm khí đốt thế nào?

Loạt nước EU áp dụng các chính sách thắt lưng buộc bụng khí đốt như tắm nước lạnh, tắt bớt đèn, khi nguồn cung từ Nga bị thắt chặt.

Các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt từ nay đến tháng 3/2023, do lo ngại Nga sẽ cắt hoàn toàn nguồn cung để đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây.

Giới quan sát đánh giá chính sách “thắt lưng buộc bụng” khí đốt này là cần thiết để EU đề phòng kịch bản thảm họa vào mùa đông, nhưng cũng là thử thách rất lớn, đòi hỏi các thành viên áp dụng những biện pháp tiết kiệm triệt để.

Đức giờ đây trở thành một trong những bên tiên phong trong “cuộc chiến khí đốt” với Nga. Không có nơi nào nỗi sợ về viễn cảnh Nga cắt hoàn toàn nguồn cung lớn hơn ở Đức, nơi tiêu thụ khí đốt Nga lớn nhất châu Âu.

Các nước châu Âu tiết kiệm khí đốt thế nào?

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thăm cơ sở của công ty khí đốt VNG AG ở Bad Lauchstaedt, Đức ngày 28/7. Ảnh: Reuters.

Để đạt mục tiêu giảm tiêu thụ khí đốt, các thành phố ở Đức đang tắt đèn chiếu sáng tại khu tưởng niệm công cộng, ngừng hoạt động đài phun nước và sử dụng nước lạnh trong bể bơi. Quạt sưởi và lò sưởi đốt gỗ cũng “cháy hàng” khi người dân chuẩn bị cho kịch bản thiếu khí đốt vào mùa đông.

Hanover, thuộc bang Hạ Saxony, trở thành thành phố lớn đầu tiên ở Đức công bố các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Các tòa nhà ở Hanover sẽ chỉ được sử dụng máy sưởi với nhiệt độ phòng không quá 20 độ C từ ngày 1/10 đến 31/3 năm sau, trong khi điều hòa di động và quạt sưởi bị cấm hoàn toàn.

Bộ trưởng Năng lượng Pháp ngày 24/7 thông báo quy định mới, cấm bật các biển quảng cáo dùng đèn từ 1h đến 6h sáng ở mọi thành phố, ngoại trừ khu vực sân bay và ga tàu, với mức phạt trường hợp vi phạm tối đa là 1.500 euro. Pháp cũng cấm các cửa hàng để hở cửa trong khi đang bật điều hòa hoặc máy sưởi, với mức phạt 750 euro.

Các cơ sở công cộng cũng được yêu cầu điều chỉnh nhiệt độ điều hòa cao hơn vào mùa hè và thấp hơn vào mùa đông, trong khi người dân sẽ phải tắt thiết bị phát wifi và TV trong khi đi vắng, cũng như tắt đèn trong các phòng không sử dụng.

Trong bài phát biểu trên truyền hình nhân ngày quốc khánh Pháp 14/7, Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và hộ gia đình tiết kiệm năng lượng hơn nữa, trong bối cảnh Nga có thể dừng cung cấp khí đốt và xung đột tại Ukraine kéo dài.

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Pháp đề cập khả năng đối mặt kịch bản thiếu năng lượng, như trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ thập niên 1970. Giới chức Pháp trước đó cho rằng với thế mạnh vốn có về điện hạt nhân, nước này ít phụ thuộc vào khí đốt Nga, nhưng giờ đây họ cũng phải đặt mục tiêu cắt giảm tiêu thụ năng lượng 10% trong hai năm tới.

Các nước châu Âu tiết kiệm khí đốt thế nào?

Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans phát biểu về các chính sách tiết kiệm năng lượng tại Brussels, thủ đô Bỉ, ngày 20/7. Ảnh: AFP.

Đầu tháng 7, Italy ban hành kế hoạch khẩn, yêu cầu tắt đèn chiếu sáng xung quanh các tượng đài, các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa sớm vào lúc 19h. Italy nhập khẩu đến 95% tổng lượng khí đốt mà nước này sử dụng, 40% trong số đó đến từ Nga.

Kể từ tháng 5, các tòa nhà công cộng, ngoại trừ bệnh viện hoặc viện dưỡng lão, đã được thông báo điều chỉnh nhiệt độ điều hòa không dưới 19 độ C vào mùa hè và không quá 27 độ C vào mùa đông, kèm mức phạt 500-3.000 euro đối với những ai không tuân thủ. Quy định này sẽ có hiệu lực đến tháng 4/2023.

Hy Lạp cũng phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, với 40% nguồn cung đến từ nước này. Vào tháng 6, Athens đã công bố các chính sách mới với mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng 10% trong năm nay, 30% vào năm 2030, trong đó quy định nhiệt độ điều hòa không dưới 27 độ C vào mùa hè.

Chính phủ Hy Lạp đã công bố một kế hoạch trị giá 640 triệu euro để cải tạo cửa sổ, hệ thống sưởi và làm mát, lắp đặt các tấm chắn ánh sáng trong các tòa nhà công cộng.

Giới chức Ireland cũng kêu gọi người dân cắt giảm sử dụng xăng dầu và tiêu thụ ít năng lượng hơn khi ở nhà. Cơ quan Năng lượng Bền vững Ireland (SEAI) khuyến cáo các hộ gia đình giảm nhiệt độ máy sưởi trong khu vực sinh hoạt xuống 20 độ C và 15-18 độ C trong hành lang và phòng ngủ, đồng thời tiết kiệm điện khi sử dụng máy rửa bát và máy giặt.

“Đừng đổ đầy ấm khi đun nước pha cà phê trong giờ giải lao, chỉ nên đun sôi lượng nước cần thiết”, công ty Điện lực Ireland khuyến cáo dân văn phòng.

Các nước châu Âu tiết kiệm khí đốt thế nào?

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu.

Tây Ban Nha, quốc gia không phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng từ Nga, cũng đồng ý cắt giảm 7-8% lượng tiêu thụ khí đốt để hỗ trợ mục tiêu chung của EU. Bộ trưởng Môi trường Teresa Ribera ngày 28/7 kêu gọi người dân sử dụng năng lượng “thông minh nhất có thể”. “Chúng ta có thể kéo rèm, sử dụng điều hòa đúng cách và nhắc nhở lũ trẻ tắt đèn”, bà khuyến cáo.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 29/7 xuất hiện tại một buổi họp với áo sơmi trắng, không cài cúc cổ và áo vest, để kêu gọi tiết kiệm năng lượng. “Tôi muốn các bạn lưu ý rằng tôi không đeo cà vạt. Điều này có nghĩa chúng ta đều có thể tiết kiệm năng lượng”, ông Sanchez nói. “Tôi đã đề nghị các bộ trưởng, công chức và muốn cả nhân viên công ty tư nhân cùng không đeo cà vạt nếu không cần thiết”.

Ông Sanchez không nêu rõ bỏ đeo cà vạt giúp tiết kiệm năng lượng thế nào, nhưng lời khuyên này được đưa ra vài ngày sau khi Bộ Môi trường Tây Ban Nha kêu gọi bật điều hòa không khí ở 27 độ C, cao hơn đáng kể so với mức người dân nước này thường thiết lập.

Nick Eyre, giáo sư về chính sách năng lượng và khí hậu tại Đại học Oxford, cho rằng hành động làm gương của các quan chức chính phủ, như Thủ tướng Sanchez, là tiền đề cần thiết để EU tiết kiệm năng lượng cho mùa đông khắc nghiệt.

“Người dân thường không hưởng ứng những chính trị gia chỉ biết nói mà không làm”, giáo sư Eyre nói. “Chỉ cần giảm nhiệt độ máy sưởi đi một độ trong mùa đông, châu Âu đã có thể tiết kiệm được 10 tỷ mét khối khí đốt, tương đương lượng khí đốt tiêu thụ hàng năm của Áo”.

Theo Đức Trung/VNE

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.