Vườn thuốc nam của Trạm y tế xã Thạch Thắng được xây dựng bài bản, song số lượng cây thuốc lại nghèo nàn
Theo tiêu chí khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và y học cổ truyền, vườn thuốc nam mẫu tại trạm y tế các xã, phường, thị trấn phải có từ trên 40 - 45 loại cây thuốc. Tuy nhiên, qua thực tế thì số lượng trạm y tế có vườn thuốc nam mẫu có đủ số lượng loại cây thuốc theo quy định gần như là không có.
Là một trong những trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang, khuôn viên rộng rãi và có vườn thuốc nam được đánh giá là phong phú, đa dạng của Thạch Hà, nhưng đến nay, vườn thuốc nam của Trạm Y tế xã Tượng Sơn vẫn chưa thể đủ với số lượng cây thuốc.
Bác sỹ Hoàng Trọng Hiệu - Trạm trưởng Trạm Y tế Tượng Sơn cho biết: "Vườn thuốc nam được đơn vị đầu tư, chăm sóc bài bản, đúng quy trình. Đến nay, vườn có khoảng gần 40 loại cây thuốc khác nhau, chia thành nhiều nhóm. Mặc dù tốn khá nhiều công sức để chăm sóc, tuy nhiên, hiệu quả sử dụng còn thấp. Chủ yếu để giới thiệu là chính vì cơ bản bà con đến trạm đều điều trị tây y".
Thiếu sự chăm sóc, duy trì nên vườn thuốc nam của Trạm y tế Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) như một khu vườn hoang
Tại Trạm Y tế xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) dù khuôn viên rộng rãi, nhưng do không chăm sóc, phát triển số lượng nên vườn thuốc nam của xã vừa hết sức nghèo nàn số lượng, cỏ mọc um tùm.
Cùng chung thực trạng, vườn thuốc nam Trạm Y tế xã Thạch Thắng (Thạch Hà) được xây dựng trên một khuôn viên khá rộng, tuy nhiên, số lượng cây thuốc lại nghèo nàn, nhiều nhóm cây đã bị chết, trơ lại đất trống.
Theo bác sỹ Nguyễn Đình Lương - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thạch Hà, hiện 31/31 trạm y tế trên địa bàn đều có vườn thuốc nam. Tuy nhiên, để đảm bảo số lượng cây thuốc, nhóm thuốc theo quy định là khó khăn bởi phụ thuộc nhiều vào khuôn viên, diện tích của các trạm. Ngoài ra, việc chăm sóc các loại cây dược liệu đòi hỏi nhiều công sức, kỹ năng, kinh nghiệm.
Nói về hiệu quả sử dụng ở các vườn thuốc nam, ông Lương cũng khẳng định, việc xây dựng các vườn thuốc nam nhằm thực hiện mục tiêu đạt chuẩn quốc gia về y tế và chủ yếu giới thiệu cho người dân là chính. Còn việc phát huy hiệu quả các vườn thuốc trong việc chữa bệnh là rất thấp.
Tâm lý người dân đến khám, điều trị ở trạm y tế chủ yếu điều trị tây y nên việc phát huy vai trò, hiệu quả các vườn thuốc nam gặp nhiều khó khăn
Các vườn thuốc nam nghèo về số lượng và gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì, phát huy hiệu quả không chỉ đang diễn ra ở Thạch Hà và TP Hà Tĩnh mà là hiện trạng chung của các địa phương trên toàn tỉnh.
Ông Hồ Sỹ Khiêm - Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: Qua khảo sát thực tế, hầu hết các trạm y tế trên địa bàn tỉnh đều có vườn thuốc nam. Tuy nhiên, gần như không có vườn thuốc nào đạt được số lượng cây theo quy định. Ở các vườn chỉ có được một số loại cây thuốc phổ biến như: Tía tô, kinh giới, bạc hà, diếp cá, sả, kim tiền thảo, ngưu tất nam... Nguyên nhân là do việc duy trì, phát triển đủ số lượng cây thuốc gặp khó khăn, bởi các loại cây thuốc thường phụ thuộc vào mùa, có mùa có, mùa không. Hơn nữa, việc chăm sóc, phát triển được vườn thuốc và sử dụng một cách hiệu quả đòi hỏi nhiều kỹ năng, kinh nghiệm, tuy nhiên, hiện số lượng trạm y tế có y sỹ đông y chỉ chưa đến 50% nên để phát triển, duy trì được vườn thuốc nam là rất khó khăn.
"Thực tiễn đã chứng minh, cùng với tây y, đông y có vai trò rõ nét trong phòng và điều trị nhiều chứng bệnh. Vì vậy, cần có giải pháp để phát huy hiệu quả các vườn thuốc nam tại các trạm y tế xã" - ông Khiêm nói.