Dấu hiệu nhận biết ung thư đường tiêu hóa
Ung thư đường tiêu hóa nói riêng và ung thư nói chung là căn bệnh diễn biến thầm lặng, không có những triệu chứng đặc hiệu. Việc phát hiện ung thư đường tiêu hóa phụ thuộc rất nhiều và giai đoạn bệnh.
Ở giai đoạn sớm, ung thư đường tiêu hóa thường không có biểu hiện, triệu chứng.
Ở giai đoạn muộn, khối u lớn, kích thước lớn, biểu hiện rõ ràng thường có một số triệu chứng như:
- Chán ăn .
- Gầy sút cân không rõ nguyên nhân.
- Nuốt vướng, nuốt nghẹn.
- Rối loạn tiêu hóa.
Tuy nhiên những triệu chứng này thường xuất hiện khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển nặng.
Phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa bằng cách nào?
Làm sao biết mình mắc ung thư? Vì các yếu tố nguy cơ ung thư đường tiêu hóa chưa được xác định rõ ràng. Vậy nên nếu muốn phòng ngừa ung thư đường tiêu hóa , chúng ta chỉ có thể loại bỏ các yếu tố làm tăng nguy cơ. Tuy nhiên không phải chỉ thay đổi chế độ ăn, lối sống là có thể kiểm soát được ung thư. Có thể hiểu, nếu bạn ăn nhiều rau xanh, tập thể dục đều đặn, không hút thuốc lá, uống rượu… nhưng vẫn sẽ có nguy cơ mắc ung thư. Vậy làm sao để có thể kiểm soát ung thư? Đó chính là khám sức khỏe định kỳ để tầm soát và phát hiện sớm. Khi tầm soát và phát hiện sớm có thể phát hiện được bệnh ở giai đoạn sớm, tăng tỷ lệ thành công khi điều trị. Với ung thư đường tiêu hóa, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ điều trị thành công trên 95%.
Làm thế nào để tầm soát và phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa? Phương pháp chính xác nhất giúp tầm soát và phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa chính là nội soi tiêu hoá. Bởi ở giai đoạn sớm những tổn thương ung thư đường tiêu hóa rất nhỏ. Chỉ là những biến đổi rất tinh tế trên bề mặt niêm mạc. Khi đó khối u hình thành chưa rõ ràng, chưa gây biến đổi nào trong máu và chưa gây biến đổi về mặt chức năng. Do vậy chỉ có nội soi là phương pháp duy nhất giúp quan sát niêm mạc của đường tiêu hóa và nhận định được những biến đổi nếu có. Nội soi giúp phát hiện sớm, nhận định được các biến đổi bất thường ở đường tiêu hóa. Tất cả những phương pháp như siêu âm, xét nghiệm máu, hay các phương pháp khác không thể giúp phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa chính xác như nội soi.
Ai cần tầm soát ung thư đường tiêu hóa
Không phải đối tượng nào cũng cần tầm soát ung thư đường tiêu hóa. Vậy ai nên tầm soát ung thư đường tiêu hóa? Các đối tượng có nguy cơ cao nên tầm soát bao gồm:
- Tuổi tác. Nguy cơ ung thư tăng dần theo độ tuổi. Theo khuyến cáo những người từ 40 tuổi trở lên kể cả không có triệu chứng gì vẫn nên tầm soát. Dựa trên nghiên cứu của Hàn Quốc và Nhật Bản, những đối tượng 40 tuổi nên tầm soát 2 năm/lần.
- Một số đối tượng có tiền sử về mặt gia đình. Nếu trong gia đình có người thân mắc ung thư đường tiêu hóa hoặc gia đình có những bệnh lý về di truyền liên quan đến ung thư. Bạn nên đi tầm soát sớm và thường xuyên hơn.
- Kết hợp khám sức khỏe và tầm soát ung thư. Khi có vấn đề về đường tiêu hóa và được bác sĩ chỉ định nội soi . Trong lúc nội soi bạn có thể thực hiện tầm soát luôn ung thư.
Ung thư đường tiêu hóa là gì?
Là những tổn thương ác tính xuất phát từ đường tiêu hóa. Đường tiêu hóa gồm có khoang miệng, thực quản, dạ dày , ruột non, đại trực tràng và ống hậu môn. Bất kể vị trí nào ở đường tiêu hóa đều có thể xuất hiện những tổn thương ung thư.
Ung thư đường tiêu hóa có chữa được không?
Trong ung thư đường tiêu hóa thường gặp nhất là ung thư dạ dày, ung thư đại tràng và ung thư trực tràng. Các phương pháp điều trị ung thư đường tiêu hóa tùy vào vị trí khối u và giai đoạn bệnh. Nhìn chung sẽ có 3 phương pháp chính để điều trị ung thư đường tiêu hóa gồm: phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
Điều trị ung thư đường tiêu hóa bằng phẫu thuật
Đây được xem là phương pháp chính nắm vai trò chủ đạo trong điều trị các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa. Phẫu thuật giúp cắt bỏ khối u và vét tổ chức hạch mà có thể tế bào khối u đã xâm lấn. Phẫu thuật có vai trò trong việc điều trị chăm sóc giảm nhẹ hoặc điều trị triệu chứng cho người ung thư. Một số trường hợp bệnh nhân không thể cắt khối u có thể dùng phẫu thuật. Ví dụ mở thông dạ dày để nuôi dưỡng, nối tắc ruột dính…
Hóa trị
Hóa trị bao gồm hóa chất tân bổ trợ dùng trước khi phẫu thuật với mục đích giảm giai đoạn khối u, giúp khối u nhỏ lại thuận lợi cho phẫu thuật. Bên cạnh đó còn có hóa chất sau phẫu thuật giúp tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại.
Xạ trị
Xạ trị thường chỉ áp dụng với ung thư ở thực quản và ung thư ở trực tràng. Với dạ dày và đại tràng ít khi áp dụng xạ trị. Phương pháp xạ trị thường phối hợp với hóa trị kèm theo.
ThS.BS Trần Đức Cảnh