Thời điểm này, mỗi ngày bà Ngô Thị Xuân (xã Hương Đô, Hương Khê) bán khoảng 1 tạ cam.
Ghi nhận tại các chợ truyền thống, các cửa hàng hoa quả, hàng nông sản ở TP Hà Tĩnh, thời điểm này, cam “made in Hà Tĩnh” đã có mặt trên sạp hàng và được nhiều khách hàng chọn mua.
Bà Ngô Thị Xuân (xã Hương Đô, Hương Khê) - tiểu thương bán cam trên đường Chính Hữu (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi bắt đầu nhập và bán cam được sản xuất ở các vùng ở Hà Tĩnh được khoảng gần 1 tháng. Cam được chúng tôi tuyển chọn, cắt từ các nhà vườn ở xã Hương Đô, Hương Thủy. Hiện mỗi ngày, tôi bán khoảng 1 tạ cam với giá 20 - 25.000 đồng/kg. Vào giữa mùa, sức bán sẽ đạt khoảng 2 -3 tạ/ngày”.
Mua cam tại chợ Vườn Ươm, bà Nguyễn Thị Nga (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Gia đình tôi đều thích ăn cam nên năm nào vào mùa cam chín, tôi cũng ưu tiên lựa chọn cam cho cả nhà thưởng thức. Mới đầu mùa nhưng tôi thấy cam cũng đã rất ngon. Với mức giá 25.000 đồng/kg, cũng là khá rẻ so với nhiều loại hoa quả khác. Hơn nữa, mùa nào thức nấy, lựa chọn sản phẩm theo mùa được trồng ở địa phương tôi cũng thấy yên tâm hơn”.
Giá cam phổ biến trên thị trường hiện nay dao động khoảng 20 - 50.000 đồng/kg.
Theo các tiểu thương, tuy mới là những quả cam chín đầu mùa, bên ngoài chưa ngả màu vàng đậm nhưng cam đã ngọt, thơm nên khách mua sử dụng và làm quà biếu khá nhiều. Giá cam ở các chợ truyền thống có giá phổ biến từ 20 - 30.000 đồng/kg. Còn tại nhiều cửa hàng nông sản sạch, cam của các nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGap, trồng theo hướng hữu cơ, có dán tem OCOP có mức giá khoảng 40 - 50.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Loan - chủ cửa hàng hoa quả Phương Loan (đường Xuân Diệu, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Cửa hàng bắt đầu bán cam chanh Hà Tĩnh từ khoảng 3 tuần nay. Cam được cắt từ các vườn ở Vũ Quang, Hương Khê, đảm bảo chất lượng. Cam mới đầu mùa nhưng rất ngọt nên được khách hàng ưa chuộng. Trung bình mỗi ngày tôi bán 4 - 5 tạ, vừa bán lẻ, vừa nhập sỉ cho khách ở các tỉnh, thành khác, giá loại cao nhất là 40.000 đồng/kg. Những năm trước vào cao điểm, mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ đến 1 tấn cam mỗi ngày”.
Với diện tích 10 ha, ông Đoàn Quốc Hoài (xã Quang Thọ, Vũ Quang) dự kiến sản lượng cam năm nay đạt khoảng 100 tấn.
Tại các vùng trồng, các nhà vườn đã bắt đầu thu hoạch cam khoảng từ đầu tháng 10. Ông Đoàn Quốc Hoài - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Cam Hoài Luân (xã Quang Thọ, Vũ Quang) cho biết: “Với diện tích 10 ha, năm nay, chúng tôi ước sản lượng đạt khoảng 100 tấn cam. Hiện nay, cam đã vào mùa thu hoạch, chúng tôi đã cắt bán khoảng 3 tấn với mức giá 50.000 đồng/kg. Cam được trồng theo hướng hữu cơ, đảm bảo chất lượng nên được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn. Hiện, chúng tôi chủ yếu đóng hàng gửi cho khách ở các tỉnh và nhập bán cho các cửa hàng thực phẩm sạch ở Nghệ An, Hà Tĩnh”.
Cam Vũ Quang trưng bày gian hàng tại Hội nghị xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Hà Tĩnh năm 2023 diễn ra ngày 23/10 vừa qua.
Ở vùng trồng Hương Khê, với thương hiệu cam Khe Mây nức tiếng, các nhà vườn cũng đã vào mùa thu hoạch. Theo số liệu của Phòng NN&PTTN huyện Hương Khê, năm nay, toàn huyện có hơn 1.700 ha cam cho thu hoạch, ước sản lượng đạt trên 16.600 tấn, tăng hơn 100 tấn so với năm ngoái.
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có hơn 7.237 ha trồng cam, trong đó 6.234 ha cho thu hoạch. Sản lượng cam năm nay ước đạt gần 68.538 tấn. Các tiểu thương và các nhà vườn cho biết, mùa cam chanh cho thu hoạch đến khoảng dịp tết Nguyên đán. Những ngày tới vào chính vụ, cam chín đại trà, dự kiến sức tiêu thụ sẽ đạt cao hơn.
Được biết, để hỗ trợ người dân quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu cam Hà Tĩnh, ngành công thương và các cơ quan liên quan, các địa phương đã kết nối các đơn vị phân phối lớn để đưa cam Hà Tĩnh vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch; hỗ trợ các nhà vườn, hợp tác xã trong áp dụng chuyển đổi số, bán hàng qua thương mại điện tử... Dự kiến trong tháng 11, Lễ hội cam và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu Hà Tĩnh lần thứ 6 cũng sẽ được tổ chức.