Cứ vào dịp đầu tháng 11 dương lịch hằng năm, trên các vườn đồi ở Vũ Quang, người làm vườn lại tất bật thu hoạch cam. Năm nay, cam được mùa nên bà con rất phấn khởi, ước tính sản lượng toàn huyện đạt khoảng 30 nghìn tấn.
Ông Hồ Đức Hiền (thôn 1, xã Quang Thọ) cho biết: “Năm nay thời tiết thuận lợi, chăm sóc cẩn thận nên vườn cam gần 1,5 ha của gia đình ước đạt 17 tấn, cao hơn năm ngoái khoảng 6 tấn. Hiện tại, cam bắt đầu chín rộ, gia đình đang tập trung xuất bán cho thương lái”.
Nhờ chăm sóc tốt và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên cam của gia đình ông Hiền luôn đạt chất lượng cao, quả to đều, có vị ngọt đậm... được thương lái ưa chuộng. Do đó, năm nay, dù tại nhiều nhà vườn giá cam chỉ đạt khoảng 15 nghìn đồng/kg nhưng gia đình ông vẫn bán được giá từ 18 - 25 nghìn đồng/kg.
Xã Quang Thọ được xem là “thủ phủ” cam ở Vũ Quang, với tổng diện tích trên 400 ha, trong đó có 350 ha cho quả, năng suất bình quân ước đạt khoảng 11 tấn/ha.
Những vườn cam chín mọng được người dân thu hái cẩn thận.
Nhờ chăm sóc tốt nên năm nay, cam ở Vũ Quang cho quả to, đều, ngọt, có màu vàng óng
Theo đánh giá của các nhà vườn, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên sức mua và giá có giảm hơn so với năm ngoái. Cam đẹp đang được nhà vườn bán với giá từ 18 - 25 nghìn đồng/kg (thấp hơn năm ngoái từ 7 - 10 nghìn đồng/kg), loại nhỏ và bị chấm đen có giá từ 8 - 15 nghìn đồng/kg (thấp hơn năm ngoái 5 nghìn đồng/kg, loại này chiếm khoảng 5 - 10% trên mỗi vườn).
Chị Nguyễn Thị Lương (bên phải), thôn Hương Hòa (xã Đức Hương) cho biết: “Gia đình tôi trồng hơn 5 ha cam Xã Đoài, trong đó 4 ha đã cho quả, ước đạt khoảng 40 tấn, cao hơn năm ngoái 17 tấn. Vụ cam năm nay sẽ gặp khó về đầu ra do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nên từ giữa tháng 10, khi cam bắt đầu có vị ngọt, gia đình đã linh hoạt kết nối thị trường. Đến thời điểm này, tôi đã bán được hơn 15 tấn, với giá 10 - 20 nghìn/kg đồng tùy loại”.
Giá cam thấp hơn năm ngoái, nhưng bù lại năng suất cao nên các nhà vườn vẫn có nguồn thu nhập khá. "Năm ngoái vườn cam của gia đình tôi xuất bán được hơn 20 tấn, thu về gần 500 triệu đồng, còn năm nay, dự kiến sẽ có nguồn thu trên 650 triệu đồng/40 tấn quả", chị Lương cho hay.
Vườn cam VietGAP hơn 8 năm tuổi của bà Nguyễn Thị Nguyệt ở thôn Yên Du (xã Đức Lĩnh), cũng đang cho một mùa bội thu. “Nhờ tuân thủ quy trình, kỹ thuật, chăm sóc theo hướng dẫn của ngành chuyên môn, nên 2 ha cam của gia đình không bị nhiễm sâu bệnh, trên 95% quả đạt chất lượng, tỷ lệ quả bị rụng rất ít. Tuy mới đầu vụ nhưng khách đã đặt khá nhiều, hiện mỗi ngày chúng tôi xuất bán 2 - 3 tạ cam", bà Nguyệt phấn khởi cho biết.
Những quả chất lượng, óng vàng được bà Nguyệt cẩn thận lựa chọn cho khách. Dù mới vào vụ được một thời gian, nhưng gia đình bà Nguyệt đã xuất bán được 8 tấn, hiện còn khoảng 12 tấn.
Theo Phòng NN&PTNT Vũ Quang, toàn huyện hiện có gần 2.600 ha cam, trong đó gần 2.000 ha cho thu hoạch. Nhờ thời tiết thuận lợi, người dân chủ động chăm sóc và tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật của ngành chuyên môn nên cam cho năng suất cao. Ước tính, sản lượng cam của toàn huyện đạt khoảng gần 30.000 tấn (tăng hơn 10.000 tấn so với năm 2020). Đây cũng là vụ cam được mùa nhất từ trước đến nay.
Thời điểm này, cam đang vào chính vụ thu hoạch, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên sức tiêu thụ và giá giảm so với những năm trước. Đồng hành với người dân, huyện đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử: Voso.vn (Viettel), Postmart.vn (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam)... ra mắt gian hàng cam Vũ Quang để kết nối thị trường.
Huyện cũng đã chỉ đạo Hội Nông dân, Hội LHPN tích cực hỗ trợ bà con nông dân livestream bán hàng để linh hoạt tiêu thụ sản phẩm. Đến thời điểm hiện tại, người trồng cam ở Vũ Quang đã xuất bán được gần 10 nghìn tấn.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nguyễn Trường Thọ