Cảm ơn đồng bào!

(Baohatinh.vn) - Trong cơn hoạn nạn do bão Yagi gây ra, người Hà Tĩnh cùng đồng bào cả nước đã chung tay cùng bà con miền Bắc khắc phục khó khăn, tái thiết sau thiên tai. Giờ đây, những bản làng, thôn xóm trên ấy đã xôn xao nhịp sống mới...

Cơn bão lịch sử Yagi (bão số 3) đã gieo không biết bao nhiêu đau thương, mất mát với người dân nhiều tỉnh miền Bắc. Trong cơn hoạn nạn đó, người Hà Tĩnh cùng đồng bào cả nước đã chung tay cùng bà con miền Bắc khắc phục khó khăn, tái thiết sau thiên tai. Giờ đây, những bản làng, thôn xóm trên những vùng quê ấy đã xôn xao nhịp sống mới; những mất mát đã lắng dần đi trong ấm áp của tình dân, nghĩa Đảng…

Bản làng lại vang lên nhịp tính tẩu chào xuân

Hơn 3 tháng kể từ những ngày đêm thức ngủ cùng cơn thịnh nộ của thiên nhiên, người Lào Cai vẫn chưa quên hình ảnh hàng chục nghìn chuyến xe yêu thương nối đuôi nhau, lặn lội đường xa mang nặng nghĩa tình lên mảnh đất biên cương để kịp thời cứu trợ người dân đang gặp hoạn nạn. Là một người Hà Tĩnh sống và làm việc ở Lào Cai, tôi rất xúc động khi trong những chuyến xe ấm tình đồng bào ấy có những trái tim của mảnh đất Hà Tĩnh mình thương. Rất nhiều đoàn thiện nguyện vượt 700 cây số từ Hà Tĩnh ra Lào Cai để đem những suất cơm, những túi lương thực, những vật dụng và mang theo cả tình cảm ấm nồng của đất miền Trung yêu thương.

Hàng chục hộ dân làng Nủ đón một cái tết dù có cách trở, chia xa, nhưng vẫn ấm lòng khi được ngủ giấc bình yên trong bốn mươi ngôi nhà sàn mang kiến trúc truyền thống đầy ấm áp nghĩa tình.

Trong cơn biến động của thiên nhiên, thật xúc động khi ngay ở vùng chịu nhiều thiên tai như Hà Tĩnh lại có những hành động cứu trợ sớm nhất. Ngoài tấm lòng của người dân, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh nhanh chóng quyết định trích kinh phí từ nguồn ngân sách dự phòng số tiền 2,1 tỷ đồng hỗ trợ khẩn cấp 7 tỉnh phía Bắc, trong đó có Lào Cai thân thương. Hành động ấy đã tỏa lan một thông điệp ý nghĩa, thôi thúc người Hà Tĩnh ở muôn phương chung tay. Ngay sau đó, Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh cũng đã chuyển trao 700 triệu đồng hỗ trợ xây 10 căn nhà cho 10 hộ đồng bào dân tộc Mông ở xã Pa Cheo, huyện Bát Xát bị ảnh hưởng bởi mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 gây ra…

Hơn bao giờ hết, sức mạnh từ nghĩa tình ấm áp nơi khúc ruột miền Trung cùng với nguồn lực từ các mạnh thường quân trong cả nước đã “chụm lại” để Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Lào Cai vững vàng, tự tin hơn trong công cuộc tái thiết sau thiên tai. Những ân tình của “một miếng khi đói…” ấy hòa vào dòng chảy của sự chung tay tái thiết, vượt qua gian khó để khắc phục, để khép lại những nỗi vất vả gian lao trên hành trình phát triển KT-XH, để viết tiếp câu chuyện hồi sinh của cuộc sống.

Bếp lửa của những bản làng người Tày nơi làng Nủ, của đồng bào Mông ở Nậm Lúc, Nậm Tông, Pa Cheo… đã hồng trở lại, khói bếp thơm mùi cơm mới vẫn bay lên trong chiều đông lạnh giá của miền biên cương. Những ngôi nhà sàn, nhà trình tường đất mới mọc lên bằng tinh thần đoàn kết, bằng những trái tim nhân ái của khắp mọi miền Tổ quốc; những cánh đồng rau vụ đông đã xanh trở lại, những vạt rừng loang lổ vết “thiên tai” cũng đã được trồng thêm cây xanh… Tất cả đang phục hồi một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Không chỉ “nhường cơm, sẻ áo”, mọi người đồng sức giúp nhau dựng nhà, trồng cây để bù đắp những thiệt hại đã trôi lấp theo dòng lũ. Hiện nay, trên công trường tái thiết bản làng ở làng Nủ, Nậm Tông, Nậm Lúc, Pa Cheo... sức máy, sức người gấp rút ngày đêm chạy đua với thời gian để người dân về nhà mới trước tết Nguyên đán.

Làng Nủ đang được hồi sinh một cách thần kỳ.

Khu tái định cư làng Nủ chiều cuối đông nắng nhạt, miền sương lạnh bao trùm cả bản làng thấp thoáng những căn nhà sàn kiên cố. Khi cánh đào bên sườn núi bung nở, cánh én chao nghiêng dập dìu gọi mùa xuân về dưới mái hiên thì đồng bào Tày, Dao ở đây lại thực hiện nghi lễ đốt lửa bếp mới theo phong tục truyền thống. Hàng chục hộ dân làng Nủ đón một cái tết dù có cách trở, chia xa, nhưng vẫn ấm lòng khi được ngủ giấc bình yên trong bốn mươi ngôi nhà sàn mang kiến trúc truyền thống đầy ấm áp nghĩa tình. Và rồi, nhịp tính tẩu, điệu then sẽ lại ngân vang… trong hương xuân quyện mùi thơm của bánh chưng, xôi nếp ở bản Tày!

(Giảo Cổ Lam - Báo Lào Cai)

Màu xanh trở lại

Đầu tháng 9/2024, cơn bão Yagi và hoàn lưu bão đổ bộ vào miền Bắc nước ta, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh phía Bắc, trong đó có Phú Thọ. Chung nghĩa đồng bào, tỉnh Hà Tĩnh đã vận động, quyên góp ủng hộ nhằm chung tay san sẻ với các tỉnh để khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất. Giờ đây, màu xanh đã trở lại trên các cánh đồng từng chìm dưới biển nước mênh mông.

Sức sống mới ở những vùng đất từng bị chìm trong biển nước ở Phú Thọ.

Nhớ lại những ngày tháng 9 khi bão số 3 đổ bộ và quét qua các tỉnh phía Bắc, dù mưa tầm tã không ngớt, nước sông Thao cuồn cuộn dâng cao trên mức báo động III nhưng không ngăn được những đoàn xe từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước nối đuôi nhau tiến về huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ - nơi có hàng nghìn ngôi nhà ngập chìm trong biển nước do cơn lũ lịch sử, hàng nghìn hộ dân phải đi tránh lũ. Hình ảnh đậm nét đó đã giúp chúng tôi thêm thấm thía và biết ơn hai tiếng “đồng bào”. Thật xúc động khi tận mắt chứng kiến chiếc xe trọng tải lớn chở những chiếc thuyền của ngư dân từ Quảng Bình ra hỗ trợ đồng bào vùng lũ Hạ Hòa. Nhiều xe chở áo phao, đèn pin và các nhu yếu phẩm khác không chỉ dừng lại ở Hạ Hòa mà còn đi các tỉnh Yên Bái, Lào Cai... nơi còn nhiều đồng bào khó khăn hơn.

Càng xúc động hơn khi chứng kiến những hình ảnh và tinh thần tương thân tương ái của đồng bào ta ở khắp nơi hướng về miền Bắc. Nhiều đoàn công tác của các tỉnh, thành phố nơi khúc ruột miền Trung chịu nhiều thiên tai, bão lũ như: Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế… đã lên đường ra Bắc. Ngoài thăm hỏi, động viên, hỗ trợ bằng tinh thần, vật chất, các tỉnh miền Trung, miền Nam còn hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương đối phó, khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra. Hàng nghìn áo phao, lương thực, thực phẩm... được các địa phương, cá nhân tổ chức gói, vận chuyển đến hỗ trợ bà con ở các vùng trọng điểm của bão lũ.

Tập trung khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định đời sống cho Nhân dân là yêu cầu cấp bách được các cấp, ngành nhanh chóng triển khai thực hiện, trong đó có các giải pháp triển khai sản xuất vụ đông, tránh tình trạng chậm, bỏ lỡ kế hoạch.

Những ngày cuối năm 2024, khi chúng tôi trở lại những địa phương từng chìm trong biển nước ở các huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa… đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh bà con tất bật ra đồng, gieo trồng vụ đông. Tại những cánh đồng thu hoạch sớm, người dân đã kịp làm đất ngay khi nước rút, màu xanh của ngô, rau đang mang lại niềm hy vọng cho nông dân trước thềm năm mới 2025. Trong nhịp sống mới ấy, chúng tôi nhìn thấy sự giúp đỡ của nhiều tỉnh, thành, trong đó có Hà Tĩnh với số tiền 2 tỷ đồng giúp tỉnh Phú Thọ khắc phục hậu cơn bão số 3.

Đến nay, Phú Thọ dần phục hồi kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao.

Nguồn hỗ trợ này nhanh chóng được phân bổ về các huyện Hạ Hòa, Cẩm Khê, Đoan Hùng, Thanh Sơn… để bà con khôi phục sản xuất. Ngành nông nghiệp cũng phối hợp với các cơ quan như Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Khoa học nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc và các địa phương hướng dẫn thực hiện các biện pháp khắc phục diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão, lũ.

Nhờ kịp thời triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất, đến nay, Phú Thọ dần phục hồi kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao. Màu xanh đã hiện hữu trên đồng đất nơi đây với sức sống mới đón chào năm mới 2025.

(Minh Hân - Báo Phú Thọ)

Đào Xá hồi sinh sau lũ dữ

Hơn 3 tháng trôi qua, song trong ký ức mỗi người dân xã Đào Xá, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên vẫn không thể quên được cơn lũ lịch sử Yagi. Lũ lớn bất ngờ ập đến khiến người dân không kịp trở tay. Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, mưa lũ đã nhấn chìm nhiều công trình dân sinh như trường học, trạm y tế, nhà cửa, ruộng vườn, hoa màu, cùng hàng nghìn con gia súc, gia cầm của Nhân dân.

Xã Đào Xá là một trong những địa phương thiệt hại nặng nề nhất tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt, thôn Phú Minh có 144 hộ dân thì có đến 100 hộ bị ngập tận mái nhà. Nước ngập trong 4 ngày 4 đêm nên gần như tất cả tài sản, vật nuôi, diện tích hoa màu của người dân nơi đây đều mất trắng. Lũ rút, người dân Phú Minh ai cũng hoang mang, lo lắng. Họ chưa thể nghĩ ra cách để vực lại cuộc sống khi mưa lũ đã cuốn trôi gần như tất cả. Thật may, nghĩa đồng bào trên cả nước đã tiếp sức cho Thái Nguyên. Nguồn hỗ trợ từ nhiều kênh đã nhanh chóng được các cấp chính quyền phân bổ, chia sẻ với người dân trong lúc cấp bách, giúp họ vững tinh thần để tái thiết cuộc sống.

Mảnh đất Đào Xá (huyện Phú Bình, Thái Nguyên) đang dần hồi sinh sau lũ dữ từ những nỗ lực của chính quyền, người dân và đặc biệt là từ tình nhân ái trong hoạn nạn của người dân khắp cả nước.

Để ổn định đời sống của hơn 100 hộ dân Phú Minh, các cấp ủy, chính quyền đã đầu tư tu sửa lại hạ tầng giao thông, điện, đường, trường, trạm và hệ thống thủy lợi nội đồng, đồng thời giúp người dân tu sửa lại nhà cửa. Cùng đó là hỗ trợ cây, con giống cho người dân tái phát triển sản xuất.

Bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt lũ vừa qua, gia đình chị Dương Thị Thúy (thôn Phú Minh) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại cái ngày “chẳng thể nào quên” đó: “Sau lũ, gia đình tôi chưa biết làm thế nào để mưu sinh thì nhận được sự hỗ trợ của chính quyền huyện, xã và đặc biệt là các nhà hảo tâm. Đến nay, cuộc sống của gia đình tôi cơ bản đã ổn định...”.

Bây giờ, ở thôn Phú Minh, nhiều ngôi nhà mới đã được xây dựng, sửa chữa sau lũ; những ruộng lúa, nương ngô đã lên xanh mướt… Ông Dương Như Vĩnh - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Phú Minh chia sẻ: “Ngay khi lũ rút đã có hàng chục đoàn cứu trợ với hàng hóa giúp bà con vùng lũ Phú Minh vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Chúng tôi cũng khẩn trương vận động bà con nhanh tay khôi phục sản xuất, đảm bảo ổn định đời sống. Đến nay, hầu hết những diện tích lúa bị ngập úng đã được bà con trồng lại bằng cây ngô đông; những diện tích thiếu nước thì sản xuất rau màu các loại. Thay mặt bà con thôn Phú Minh, tôi xin cảm ơn những tấm lòng thơm thảo khắp mọi miền đất nước đã đùm bọc, sẻ chia, động viên, tiếp thêm nghị lực để bà con vượt qua mọi khó khăn, ổn định cuộc sống”.

Với sự giúp đỡ của bà con cả nước, chính quyền các cấp, sau lũ, người dân Phú Minh đã tận dụng mọi nguồn lực để ổn định công việc làm ăn. Chia tay người dân Phú Minh khi nắng chiều đã nhạt, chúng tôi ấm lòng hơn khi thấy mảnh đất này đang dần hồi sinh sau lũ dữ từ những nỗ lực của chính quyền, người dân và đặc biệt là từ tình nhân ái trong hoạn nạn của người dân khắp cả nước.

(Minh Anh - Báo Thái Nguyên)

Chủ đề Tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa bão

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói