Thu ngân sách tại Khu kinh tế Vũng Áng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách của tỉnh.
Do tác động lớn từ đại dịch Covid-19, cháy rừng, lũ lụt, công tác thu ngân sách trên địa bàn tỉnh gặp không ít thách thức. Đến hết ngày 31/12/2020, tổng thu ngân sách toàn tỉnh đạt 12.812 tỷ đồng, bằng khoảng 91% dự toán HĐND tỉnh giao. Điều này đã gây áp lực trực tiếp đến quá trình điều hành, cân đối thu, chi ngân sách theo dự toán ban đầu và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.
Trước những khó khăn, ngành tài chính đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý thu, cân đối, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) chặt chẽ, tiết kiệm, góp phần quan trọng trong phục hồi và phát triển các hoạt động KT-XH, bảo đảm đời sống Nhân dân.
Sở Tài chính linh hoạt và tập trung cao nhất các nguồn lực đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn.
Theo đó, tổng chi ngân sách địa phương thực hiện cả năm ước đạt 17.633 tỷ đồng, bằng 98% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, chi đầu tư phát triển 6.061 tỷ đồng (125% dự toán); các nhiệm vụ chi thường xuyên 9.747 tỷ đồng (bằng 91% dự toán); bố trí và sử dụng dự phòng NSNN 256 tỷ đồng (bằng 90% dự toán)…
Nhờ chủ động trong công tác điều hành, ngành đã quan tâm, kịp thời cân đối, xử lý đủ nguồn cho các cấp, ngành, đơn vị để giải ngân các dự án, thực hiện đầy đủ chính sách an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng, chi trả nợ đọng xây dựng cơ bản. Đặc biệt, trong năm 2020, Sở Tài chính đã ghi dấu ấn trong việc nỗ lực, linh hoạt và tập trung cao nhất các nguồn lực đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn; khắc phục kịp thời hậu quả bão lũ, thiên tai, dịch tả lợn châu Phi…
Ngành Tài chính đã quan tâm, kịp thời cân đối, xử lý đủ nguồn cho các cấp, ngành, đơn vị để giải ngân các dự án trọng điểm. Trong ảnh: Cầu Thọ Tường bắc qua sông La (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã chính thức khánh thành vào ngày 11/10/2020.
Theo thông tin từ Phòng Quản lý ngân sách tỉnh (Sở Tài chính), đến nay, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh bố trí 407,9 tỷ đồng (từ các nguồn dự phòng các cấp, ngân sách địa phương, tiết kiệm chi, trích Quỹ dự trữ tài chính) phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Ngoài ra, Sở Tài chính quan tâm, tập trung rà soát, điều chuyển vốn các công trình chậm tiến độ, hiệu quả thấp để bổ sung nguồn vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách, có khả năng hoàn thành trong năm.
Đồng thời, trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ngành thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác của năm 2020, nhất là các khoản mua sắm chưa cần thiết nhằm dành thêm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo cân đối ổn định ngân sách.
Năm 2021, Hà Tĩnh tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng thu ngay từ đầu năm, thực hiện đúng tiến độ, tổng mức, cơ cấu thu. Trong ảnh: Hoạt động xuất khẩu hàng hoá tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Đồng cho biết: “Năm 2021, tình hình KT-XH được dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn, ngành tiếp tục bám sát hướng dẫn Bộ Tài chính về điều hành ngân sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của năm đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX để đề ra các giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Trong điều kiện nguồn thu thực tế còn hạn hẹp, cần phải tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng thu ngay từ đầu năm, thực hiện đúng tiến độ, tổng mức, cơ cấu thu. Cùng với đó, quán triệt nguyên tắc điều hành chi ngân sách đảm bảo dự toán giao, chặt chẽ theo chế độ quy định; ưu tiên các nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX…".