Chiều 30/10, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ chủ trì Đoàn giám sát của HĐND tỉnh làm việc với UBND huyện Thạch Hà về chuyên đề “Việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023”.
Dự cuộc làm việc có thành viên đoàn giám sát HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh; đại diện UBND huyện và các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn Thạch Hà.
Giai đoạn 2020-2023, trên địa bàn huyện Thạch Hà được UBND tỉnh cấp phép cho 9 đơn vị thuê đất để thực hiện dự án khai thác khoáng sản (9 mỏ đất), trong đó, 6 mỏ đã đi vào khai thác. Thời gian qua, huyện Thạch Hà cơ bản thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc khai thác, vận chuyển, bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản, tài nguyên trên địa bàn.
Qua thanh tra, kiểm tra và thực hiện các cuộc vận động tuyên truyền, công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản được các doanh nghiệp quan tâm, góp phần ngăn chặn, xử lý ô nhiễm và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Các giấy phép khai thác khoáng sản đều được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận, phê duyệt đề án phục hồi môi trường; hầu hết các doanh nghiệp đều thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; công tác cải tạo phục hồi môi trường bước đầu được các doanh nghiệp triển khai thực hiện dưới sự giám sát của các sở, ban, ngành, địa phương.
Việc giám sát và nghiệm thu kết quả thực hiện các nội dung của đề án đóng cửa mỏ được các sở, ban, ngành và huyện Thạch Hà thực hiện nghiêm túc nên cơ bản các mỏ sau khi được đóng cửa đảm bảo môi trường, cây xanh và các điều kiện khác theo quy định.
Địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản, trọng tâm là việc thực hiện khai thác khoáng sản theo giấy phép đã được cấp, công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, kịp thời ngăn chặn, xử lý 2 vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác, tàng trữ trái phép khoáng sản và xử phạt hành chính với số tiền 114,2 triệu đồng.
Tuy vậy, trên địa bàn huyện Thạch Hà vẫn còn để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển tài nguyên, khoáng sản trái phép; quá trình khai thác, vận chuyển khoáng sản vẫn còn tình trạng khói, bụi gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là đối với khai thác đất san lấp; công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn chưa triệt để, hiệu quả chưa cao, một số vụ việc còn lúng túng trong xử lý.
Huyện Thạch Hà kiến nghị các ban, ngành cấp tỉnh thường xuyên phối hợp, hướng dẫn địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm; tiếp tục quan tâm, chỉ đạo về phương án/giải pháp khai thác, vận chuyển khoáng sản phù hợp nhằm hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và khả năng lưu thông của các phương tiện vận tải trên các tuyến đường bộ hiện có.
Tại cuộc giám sát, thành viên đoàn giám sát HĐND tỉnh đề nghị UBND huyện Thạch Hà và các đơn vị có liên quan làm rõ thêm về vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong quá trình khai thác ở các mỏ khoáng sản; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp khai thác khoáng sản; nguyên nhân dẫn tới tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; thủ tục, thời gian cấp quyền khai thác khoáng sản sau khi doanh nghiệp trúng đấu giá...
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ ghi nhận nỗ lực của UBND huyện Thạch Hà và phòng, ban liên quan, chính quyền cấp xã về quản lý nhà nước trong công tác quản lý khai thác khoáng sản.
Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện quy định pháp luật về khai thác khoáng sản, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị huyện Thạch Hà tiếp tục phối hợp với Sở TN&MT và các sở, ngành cấp tỉnh tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản; xử lý nghiêm các vi phạm pháp về khai thác khoáng sản trái phép, an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông trong quá trình khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản; quan tâm, đôn đốc các đơn vị thực hiện đóng cửa mỏ sau khi hết thời hạn khai thác...