Cẩn trọng với hình thức lừa đảo, thông tin sai sự thật về bão lũ

(Baohatinh.vn) - Sở TT&TT Hà Tĩnh khuyến cáo về tình trạng lợi dụng bão số 3, một số cá nhân đã lừa đảo, kêu gọi quyên góp từ thiện nhằm trục lợi và thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận.

Những ngày qua, cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra những thiệt hại to lớn cả người và tài sản cho nhiều tỉnh miền Bắc. Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, nhiều tổ chức, cá nhân đã kêu gọi quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ người dân vùng lũ lụt.

Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề này, nhiều đối tượng xấu đã mạo danh hội chữ thập đỏ, các tổ chức từ thiện uy tín kêu gọi quyên góp nhằm chiếm đoạt số tiền của người dân ủng hộ đồng bào gặp thiên tai.

Các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt tài sản. (Ảnh: Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh).

Đơn cử, ngày 11/9, trên mạng xã hội xuất hiện trang fanpage giả mạo Ủy ban MTTQ huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu để lừa đảo.

Trước đó, ngày 7/9, trang Facebook của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh đăng cảnh báo về tình trạng fanpage lừa đảo, mạo danh để kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3.

Ngoài tạo fanpage giả để kêu gọi từ thiện qua mạng xã hội, những ngày qua, tin giả về việc người dân vùng bão lũ mất điện, không có mạng có thể nhập cú pháp gửi 191 để được dùng Internet miễn phí của Viettel cũng được lan truyền. Ngay sau đó, đại diện Viettel Telecom đã bác bỏ thông tin sai sự thật trên.

Thông tin lan truyền về việc truy cập wifi miễn phí là thông tin giả mạo. (Ảnh chụp màn hình Viettel Telecom).

Không chỉ lừa đảo từ thiện, lợi dụng những thông tin về tình hình bão lũ tại miền Bắc, một số đối tượng đã đưa ra các thông tin, hình ảnh, câu chuyện sai sự thật như: hình ảnh 2 em bé tựa vào nhau ngủ khi bùn đất lấm lem, đây thực chất là hình ảnh được tạo ra bằng AI để kêu gọi lòng thương của người dùng mạng xã hội. Câu chuyện về một em bé khóc tìm mẹ trong mưa lũ, sau đó được đính chính là em theo mẹ xuống nương cách đây 1 năm trước. Hay hình ảnh về ông bố dùng sức mình bảo vệ an toàn cho mẹ con trong chiếc thau vượt qua vùng lũ. Hình ảnh này sau đó được xác minh được dàn dựng….

Hình ảnh được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo (AI) để kêu gọi lòng thương của người dùng mạng xã hội.

Không dừng lại ở đó, một số đối tượng đưa tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội về tình hình lũ lụt như tin giả về vỡ đê Yên Lập (Phú Thọ), vỡ thủy điện ở Bát Xát (Lào Cai), vỡ đê Sông Cầu, vỡ đê ở Bắc Giang,... Nhiều đối tượng chia sẻ các thông tin, hình ảnh bão lũ của các quốc gia khác hoặc của các năm trước đó gây hoang mang trong Nhân dân. Các cơ quan chức năng đã phát đi cảnh báo tin giả, khẳng định các thông tin nói trên, được lan truyền trên mạng xã hội là không đúng sự thật.

Chị Nguyễn Thị Thu, phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Những ngày qua, thông tin, hình ảnh về bão số 3 và hậu quả của bão để lại cho các tỉnh miền Bắc là nội dung được tôi và rất nhiều bạn bè quan tâm. Chúng tôi chia sẻ rất nhiều thông tin liên quan với tấm lòng sẻ chia và sự đồng cảm. Thế nhưng mới đây tôi mới được biết, có một số thông tin, hình ảnh không đúng là câu chuyện từ bão số 3. Điều đó khiến chúng tôi hoang mang khi các thông tin thật giả lẫn lộn”.

Trước thực trạng đó, ông Đậu Tùng Lâm - Giám đốc Sở TT&TT cho rằng: “Trên địa bàn Hà Tĩnh, đến thời điểm hiện tại chưa phát hiện đối tượng tung tin giả, sai sự thật liên quan đến bão số 3. Tuy nhiên, việc người dân vô tình chia sẻ các thông tin, hình ảnh không đúng, không chính thống liên quan nội dung này đã diễn ra. Với tốc độ lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, những thông tin không chính xác làm giảm niềm tin của cộng đồng và ảnh hưởng lớn đến quá trình cung cấp, chuyển tải thông tin của các cơ quan chức năng”.

Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh phối hợp với Đoàn Thanh niên Sở TT&TT, UBND xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức trong phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng xã hội cho người dân địa phương. (Tháng 8/2024).

Ông Đậu Tùng Lâm khuyến nghị, người dân khi tiếp cận với thông tin trên mạng xã hội cần có sự chọn lọc, không chia sẻ những nội dung thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng. Khi chia sẻ, lan tỏa các thông tin, cần lựa chọn những trang chính thống. Đồng thời, khi phát hiện các thông tin không đúng, cần kịp thời báo cáo các trang mạo danh, lừa đảo và báo đến cơ quan chức năng như công an, Sở TT&TT để có phương án xử lý. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh việc chia sẻ, lan tỏa rộng rãi các thông tin cảnh báo, giúp người dân tiếp cận với các nguồn tin một cách chính thống và chính xác”.

Cũng theo ông Lâm, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ vào các tài khoản không rõ nguồn gốc; trước khi quyên góp, ủng hộ, cần tìm hiểu kỹ về tổ chức kêu gọi, xác minh tính xác thực của thông tin được cung cấp. Ngoài ra, khi người dân mong muốn quyên góp, ủng hộ thiên tai thì nên liên hệ đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức uy tín. Tại Hà Tĩnh hiện nay, việc quyên góp đang được Ủy ban MTTQ tỉnh kêu gọi, vận động với số tài khoản, địa chỉ cụ thể và qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh.

“Tinh thần sẻ chia, “lá lành đùm lá rách” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Tuy nhiên, lòng tốt cần được trao gửi đúng chỗ, tránh bị sập bẫy đối tượng lừa đảo. Có như vậy, truyền thống của dân tộc, tinh thần nhân văn của xã hội và tính cộng đồng, đoàn kết trong toàn dân mới càng được lan tỏa và ý nghĩa” - ông Lâm Khẳng định.

Mọi sự ủng hộ, xin gửi tới Ban Vận động Quỹ Cứu trợ tỉnh Hà Tĩnh: số tài khoản 3751.0.9061863.00000 tại Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh, hoặc số tài khoản 112.256.888.888 tại ngân hàng Vietinbank Hà Tĩnh.

Ủng hộ trực tiếp tại Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, số 98 đường Phan Đình Phùng, thành phố Hà Tĩnh.

Chủ đề BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói