Căng thẳng Nga-Ukraine có thể đẩy giá khí đốt vượt đỉnh của 2021

Chuyên gia năng lượng Dan Yergin cho hay thị trường khí đốt châu Âu vốn đang thắt chặt và tình hình giữa Nga-Ukraine là một rủi ro rất lớn bởi Nga cung cấp khoảng 35% nhu cầu khí đốt của châu Âu.

Căng thẳng Nga-Ukraine có thể đẩy giá khí đốt vượt đỉnh của 2021

Một trạm xăng ở phía Đông thủ đô London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới chuyên gia nhận định căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine đã “phủ bóng đen” lên thị trường năng lượng châu Âu .

Tình trạng bất ổn này có thể đồng nghĩa với việc giá khí đốt ở châu Âu - vốn đã tăng lên mức kỷ lục trong cuối năm 2021, có thể còn cao hơn nữa.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã liên tục gia tăng trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng đã kết thúc vào tuần trước mà không có bất kỳ bước đột phá nào. Chính tình trạng đó đã làm dấy lên những đồn đoán về khả năng Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin CNBC, chuyên gia năng lượng Dan Yergin cho hay thị trường khí đốt châu Âu vốn đang thắt chặt và tình hình giữa Nga-Ukraine là một rủi ro rất lớn. Lý do là Nga cung cấp khoảng 35% nhu cầu khí đốt của châu Âu.

Ông William Jackson, nhà kinh tế trưởng về các thị trường mới nổi tại công ty nghiên cứu thị trường Capital Economics, chỉ ra rằng ngoài việc châu Âu phụ thuộc vào Nga về khí đốt, nguồn cung dự trữ hiện tại của khu vực này cũng đang ở mức thấp.

Capital Economics cảnh báo nếu các nước áp đặt biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu năng lượng của Nga hoặc chính nước này tận dụng lợi thế xuất khẩu khí đốt của mình, giá khí đốt tự nhiên của châu Âu có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa sau khi một đợt khủng hoảng khí đốt lớn trong quý 3 năm ngoái đã khiến giá điện ở đây tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm.

Trong trường hợp kịch bản trên xảy ra, Capital Economics dự báo giá khí đốt ở châu Âu có thể sẽ vượt qua mức đỉnh 180 bảng Anh/MWh hồi cuối năm ngoái. Thậm chí, một số quốc gia phụ thuộc lớn vào khí đốt của Nga, đặc biệt là khu vực Đông Âu có thể bị buộc phải luân phiên cắt điện.

Đến hiện tại, nguồn cung khí đốt từ Nga cho châu Âu cũng đã thấp hơn bình thường. Số liệu từ ngân hàng đầu tư Jefferies chỉ ra lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga vào khu vực Tây Bắc Âu từ tháng 8-12/2021 đã giảm 38% so với cùng kỳ năm 2018. Lượng dự trữ khí đốt ở châu Âu cũng thấp hơn mức trung bình 5 năm và giảm 21% tính đến ngày 12/1 vừa qua.

Trong báo cáo mới nhất, Jefferies nhận định thời kỳ giá khí đốt tự nhiên cao sẽ còn kéo dài. Dòng khí đốt từ Nga vẫn ở mức thấp khi bước vào mùa lạnh năm 2021-2022 với lượng dự trữ thấp kỷ lục.

Chuyên gia Yergin nói rằng khi cuộc khủng hoảng năng lượng bắt đầu vào cuối năm ngoái, có nhiều nhà quan sát chỉ cho rằng tình huống này chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Nhưng nếu nhìn vào xu hướng nhu cầu, mức đầu tư, có thể thấy rằng kịch bản đó có thể lặp lại./.

Theo H.Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.