Cảnh báo nguy cơ biến thể B.1.617 lây lan mạnh tại Canada

Một ổ dịch COVID-19 mới đây ở Newfoundland & Labrador đã ghi nhận ít nhất 60 ca nhiễm B.1.617, trong khi các đợt bùng phát của biến thể này cũng đã được phát hiện ở British Columbia, Quebec, Alberta.

Cảnh báo nguy cơ biến thể B.1.617 lây lan mạnh tại Canada

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Canada. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, B.1.617 - biến thể của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ - đang “bén rễ” với tốc độ đáng báo động ở Canada .

Một ổ dịch COVID-19 mới đây ở Newfoundland & Labrador đã ghi nhận ít nhất 60 ca nhiễm B.1.617, trong khi các đợt bùng phát của biến thể này cũng đã được phát hiện ở British Columbia, Quebec, Alberta và Ontario.

Chuyên gia Troy Day thuộc Đại học Queen ở Kingston, Ontario, cho biết B.1.617 có thể sẽ trở thành biến thể “thống trị” ở Ontario - tỉnh đông dân nhất Canada - vào tháng tới.

Một số chuyên gia dịch tễ lo ngại B.1.617 sẽ phơi bày những điểm yếu trong chiến lược ưu tiên những liều vaccine đầu tiên của Canada và có thể gây nguy hiểm cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung cấp vaccine của Canada đang tăng lên và liều tiêm thứ hai được đẩy nhanh trên toàn quốc, cũng có ý kiến cho rằng mối lo này đang bị thổi phồng quá mức. Có thể khẳng định rằng tình hình tại Canada hiện nay tốt hơn nhiều so với đầu năm nay.

Tiến sỹ Isaac Bogoch cho biết có rất nhiều điểm tương đồng giữa B.1.617 và B.1.1.7 (được phát hiện lần đầu tại Anh) trong cách trở thành một biến thể lây lan mạnh.

Tuy nhiên, ông hy vọng tốc độ tiêm chủng và khả năng bảo vệ của vaccine có thể ngăn chặn thảm họa tiềm ẩn, ngay cả khi nghiên cứu cho thấy một liều vaccine của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca chỉ đạt hiệu quả 30% để chống lại B.1.617.

Theo Tiến sỹ Bogoch, Canada cần thực sự nỗ lực để triển khai tiêm liều thứ hai nhanh hơn, đặc biệt là ở những nhóm dân cư dễ bị tổn thương.

Hiện nay, chiến lược mở cửa trở lại của Vương quốc Anh đang gặp nguy hiểm khi phải đối mặt với sự gia tăng các ca nhiễm B.1.617, chủ yếu là ở những người chưa được tiêm chủng và những người mới tiêm một liều.

Tình trạng này làm dấy lên lo ngại rằng quyết định của Canada trì hoãn liều tiêm thứ hai lên đến bốn tháng có thể khiến chiến lược tiêm chủng gặp rủi ro lớn. Nhà virus học Angela Rasmussen cảnh báo chiến lược trì hoãn liều tiêm thứ hai có thể không thành công.

Tính đến ngày 5/6, đã có hơn 2,7 triệu dân Canada, tương đương 7,1% dân số nước này, được tiêm chủng đủ liều. Canada hiện xếp thứ ba trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về tỷ lệ tiêm chủng, với 67,29 liều/100 dân, trong khi tỷ lệ này ở Vương quốc Anh - nước dẫn đầu G7 - là 98,33 liều/100 dân.

Canada đã ghi nhận 1.391.172 ca nhiễm COVID-19, trong đó 25.714 người đã tử vong./.

Theo Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.