Biến thể SARS-CoV-2 Ấn Độ lan rộng, nhiều quốc gia nghèo trở thành tâm dịch

Tính đến hôm nay (12/5), Tổ chức Y tế Thế giới thông báo biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Ấn Độ đã xuất hiện ở 44 quốc gia và toàn bộ các khu vực trên thế giới.

Điều khác biệt và đáng lo ngại so với các làn sóng dịch Covid-19 trước đây là những quốc gia nghèo nhất trên thế giới đang biến thành tâm dịch, khiến thảm kịch này trở nên khắc nghiệt và đau xót hơn nhiều.

Biến thể SARS-CoV-2 Ấn Độ lan rộng, nhiều quốc gia nghèo trở thành tâm dịch

Một bãi hỏa táng bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Reuters.

Tổ chức Y tế Thế giới trong tuần đã liệt biến thể B.1.617 của virus SARS CoV-2 tại Ấn Độ, vào danh sách các mối lo ngại ở mức độ toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể này được cho là lây lan nhanh hơn và có thể kháng những phương pháp bảo vệ từ các loại vaccine. Tuy nhiên kể cả khi các vaccine hiện tại không hoạt động hiệu quả trước biến thể B.1.617 so với các chủng virus ban đầu, việc tiêm nhiều vaccine hơn vẫn giúp giảm sự lây lan của dịch bệnh và khiến các ca bệnh này nhẹ hơn.

WHO cho biết, tính đến ngày 11/5, đã có hơn 4.500 mẫu giải trình tự gen được công bố trên nền tảng cơ chế chia sẻ dữ liệu về cúm (GISAID) có liên quan tới B.1.617. Trong đó, biến thể B.1.617 đã xuất hiện tại 44 nước tại tất cả 6 khu vực địa lý của WHO. Trong bản cập nhật dịch tễ hàng tuần về đại dịch Covid-19, WHO cũng cho biết đã nhận đã có thêm 5 quốc gia báo cáo về sự xuất hiện của loại biến thể nguy hiểm này. Biến thể B.1.617 được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ tháng 10/2020, và đã được WHO xếp vào danh sách ‘đáng lo ngại ở mức độ toàn cầu’. Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến thể này có khả năng lây lan dễ dàng hơn trong cộng đồng. Sự xuất hiện của biến thể B.1.617 được cho là một trong những nguyên nhân dẫn tới đợt bùng phát hiện tại của virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ. Sáng 12/5, Ấn Độ ghi nhận thêm hơn 348.000 ca dương tính mới, và 4.205 trường hợp tử vong vì Covid-19 trong vòng 24 giờ qua. Nước này vẫn đang là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với hơn 23,4 triệu người nhiễm.

Nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới Soumya Swaminathan khuyến khích các quốc gia cần tiếp tục thực hiện các chiến dịch tiêm chủng.

"Những gì chúng ta biết bây giờ là vaccine vẫn có tác dụng, các biện pháp chẩn đoán vẫn hiệu quả. Vì vậy, thực sự không cần phải thay đổi bất kỳ điều gì và trên thực tế, mọi người nên tiếp tục tiêm bất kỳ loại vaccine nào có sẵn và phù hợp với điều kiện sức khỏe của mình”.

Thế giới đã trải qua hơn 1 năm sống với Covid -19 với cuộc đua sinh tử diễn ra từ tâm dịch châu Âu đến Mỹ. Tuy nhiên chưa bao giờ thảm kịch Covid-19 lại đau xót như hiện nay, khi làn sóng mới nhất đánh vào những quốc gia có tỷ lệ người nghèo cao nhất thế giới. Cạn kiệt bình oxy và các thiết bị vật tư y tế khác, nhiều gia đình bệnh nhân mòn mỏi chờ đợi sự giúp đỡ, với số người tử vong tăng vọt.. .là hình ảnh Ấn Độ và các quốc gia Nam Á -một trong hai khu vực có tỷ lệ người nghèo cao nhất thế giới phải đối mặt trong thời gian gần đây.

Đặc điểm chung của các quốc gia này là có tỷ lệ người nghèo cao, mật độ dân cư đông. Trong khi đó hệ thống y tế yếu kém (ví dụ tại Nepal, trung bình 0,7 bác sĩ chăm sóc cho 100.000 người dân) cho thấy chỉ cần một cơn sóng nhỏ cũng khiến hệ thống y tế của các quốc gia này kiệt quệ. Tỷ lệ tiêm phòng rất thấp cũng là một trong những nguyên nhân khiến virus lây lan “ngoài tầm kiểm soát”. Vì vậy, những thông tin đáng lo ngại về sự lây lan của biến thể mới có thể khiến nhiều quốc gia đang phát triển khác tại châu Phi hay Đông Nam Á đối mặt với thảm kịch tương tự.

Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp y tế thế giới Mike Ryan cảnh báo: “Một số quốc gia hiện đang có tốc độ lây nhiễm đến mức hệ thống y tế đang phải chịu áp lực quá tải nghiêm trọng. Chúng tôi đã thấy thảm kịch ở Ấn Độ và có nhiều quốc gia có xu hướng đối mặt với viễn cảnh tương tự. Chúng ta cần hành động. Đại dịch diễn biến ở mỗi quốc gia khác nhau và các nước cần đánh giá nguy cơ của mình để có bước đi kiểm soát tình hình”.

Trong khi châu Âu hay Mỹ đang dần mở cửa trở lại với mức độ tiêm chủng đang mở rộng toàn dân, Tổ chức Y tế Thế giới một lần nữa kêu gọi các quốc gia phát triển cần chung tay hỗ trợ các nước nghèo hơn đối phó với dịch bệnh.

Hiện Mỹ đang phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng lớn, trong đó có Ấn Độ, yêu cầu chia sẻ số lượng vaccine dư thừa khổng lồ. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua cho biết, gần một nửa các nhà lãnh đạo trên thế giới đã liên hệ với ông để đề nghị Mỹ hỗ trợ mua vaccine. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khẳng định, hợp tác và sự sẻ chia vaccine “công bằng và không mang động cơ chính trị” là cách duy nhất giúp thế giới chấm dứt đại dịch hiện nay./.

Theo VOV

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.