Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 3): Viết tiếp trang sử vẻ vang nơi tuyến đầu

(Baohatinh.vn) - Vinh dự được gắn bó với quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, những cán bộ, chiến sĩ người Hà Tĩnh cũng như ở mọi miền đất nước luôn nỗ lực rèn luyện, phát huy phẩm chất, bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, bảo vệ vùng biển, vùng trời Tổ quốc. Tấm gương anh dũng, kiên cường và sự hi sinh của bao thế hệ cha anh trên những “pháo đài” giữa biển khơi là ngọn đuốc soi đường để thế hệ hôm nay viết viếp trang sử vẻ vang nơi tuyến đầu.

Trước thềm tết Nguyên đán, phóng viên Báo Hà Tĩnh vinh dự được tham gia các chuyến công tác của Bộ Tư lệnh vùng 2 và vùng 4 Hải quân đến thăm, chúc tết, động viên cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Hành trình đặc biệt đã đưa chúng tôi vượt muôn ngàn gian lao, mang tình cảm của hậu phương đến với nơi đầu sóng và lắng nghe câu chuyện về những người lính can trường, dũng cảm ngày đêm vững tay súng canh giữ biển trời Tổ quốc.

Ấm tình đồng hương nơi đảo xa

Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 3): Viết tiếp trang sử vẻ vang nơi tuyến đầu

Trung úy Phan Duy Thuật (ngoài cùng bên trái) cùng những người đồng hương đọc báo, trò chuyện sau giờ công tác.

Tốt nghiệp Học viện Phòng không - Không quân, chàng trai trẻ Phan Duy Thuật (SN 2000, quê xã Thường Nga, huyện Can Lộc) lên đường tới đảo Song Tử Tây với lá đơn tình nguyện. Ý chí, sức trẻ và khát khao cống hiến đã thôi thúc Duy Thuật nhận nhiệm vụ nơi đảo xa. Là Đài trưởng Đài radar kiểm soát phòng không, Thuật luôn ý thức được trách nhiệm của một người lính Trường Sa và nêu cao tinh thần cảnh giác, hoàn thành mọi nhiệm vụ, quản lý chặt chẽ vùng trời được giao.

“Bước chân lên tàu là đã nhớ nhà”, Thuật cười và nói, “nhưng dần rồi cũng quen. Nơi đây có anh em, đồng đội đùm bọc, hỗ trợ nhau. Đặc biệt, tại đây tôi đã gặp được những người đồng hương với sự sẻ chia ấm áp, chân tình và được các anh hỗ trợ, dìu dắt từ những ngày đầu vừa tới đảo”.

Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 3): Viết tiếp trang sử vẻ vang nơi tuyến đầu

Trung úy Nguyễn Công Minh (thứ 2 bên phải) và Trung úy Phan Xuân Tuấn (ngoài cùng bên phải) cùng người dân đảo Sinh Tồn gói bánh chưng đón tết Nguyên đán.

Tại đảo Sinh Tồn, đôi bạn Trung úy Nguyễn Công Minh (SN 1999, quê xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ) và Trung úy Phan Xuân Tuấn (SN 1999, quê xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên) gắn bó cùng nhau như hình với bóng. Sau giờ huấn luyện, họ lại cùng nhau học tập, tăng gia sản xuất, hỗ trợ người dân đảo chăm sóc đàn gà, vườn rau xanh...

Thân thiết từ những ngày theo học Trường Sĩ quan Lục quân 1 (Hà Nội), Minh và Tuấn may mắn được phân về cùng đơn vị khi ra trường và lại cùng nhau nhận nhiệm vụ nơi đảo xa, cùng công tác tại một hòn đảo.

“Có người bạn thân, người đồng đội, đồng hương luôn sát cánh chia ngọt sẻ bùi thực sự là một điểm tựa tinh thần rất lớn, giúp tôi thêm vững tin, thi đua hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”, Trung úy Nguyễn Công Minh bộc bạch.

Nhớ đất liền, nhớ gia đình, nhớ quê hương, những cán bộ, chiến sĩ quê Hà Tĩnh tại Trường Sa lại càng thêm quyết tâm phát huy tinh thần cách mạng của quê hương, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của Tổ quốc và Nhân dân trao cho những người lính đảo.

Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 3): Viết tiếp trang sử vẻ vang nơi tuyến đầu

Trung úy Phan Việt Hoàng tự hào khi được phân công công tác tại đảo Cô Lin.

Trung úy Phan Việt Hoàng (quê xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, chiến sĩ trên đảo Cô Lin) chia sẻ: “Cách đây 36 năm, tại vùng biển Gạc Ma, 64 chiến sĩ trong giây phút cuối cùng vẫn giữ chặt lá cờ Tổ quốc trên tay để đánh dấu mốc chủ quyền trên đảo đá Gạc Ma.

Trong số những anh hùng liệt sĩ ngã xuống nơi biển trời của Tổ quốc có cả những người con Hà Tĩnh. Nay tới nhận nhiệm vụ tại vùng biển Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma, tôi rất xúc động, tự hào và nguyện noi gương các anh, giữ vững biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”.

Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 3): Viết tiếp trang sử vẻ vang nơi tuyến đầu

Những người con quê hương Hà Tĩnh đang ngày đêm cùng đồng đội vượt qua khó khăn, canh giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trong chuyến công tác tới Trường Sa, ở nhiều đảo, điểm đảo được đặt chân tới, tôi đều được nghe chất giọng Hà Tĩnh vang lên thật bình dị, thân thương. Gặp những người đồng hương lính đảo, thời gian eo hẹp nên những cuộc chuyện trò, thăm hỏi diễn ra ngắn ngủi; những món quà quê, lương thực trên đảo trao cho nhau vội vàng nhưng tình cảm quê hương thật nồng ấm.

Chia tay Trường Sa nắng gió, chia tay những người lính đảo, lòng tôi ngập tràn niềm vui, niềm tự hào. Giữa nghìn trùng sóng gió, những người con quê hương Hà Tĩnh vẫn đang ngày đêm kề vai sát cánh vượt qua mọi gian khó, sẻ chia niềm vui nỗi buồn, cùng đồng đội vững tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những viên gạch xây “bức thành đồng” trên biển

Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 3): Viết tiếp trang sử vẻ vang nơi tuyến đầu

15 “bức thành đồng” trên biển là biểu tưởng của ý chí, niềm tin và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của của Đảng, Nhà nước, quân đội và Nhân dân Việt Nam.

Cách đây 35 năm, ngày 5/7/1989, những nhà giàn DK1 đầu tiên được dựng lên trên vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Từ 3 đơn vị nhà giàn đầu tiên, đến nay Tiểu đoàn DK1 đã phát triển lên 15 đơn vị nhà giàn với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, trở thành một lực lượng độc lập nằm trong đội hình chiến đấu quan trọng của Vùng 2 Hải quân.

Đứng chân trên vùng biển phía Nam Tổ quốc, những người lính hải quân ngày đêm trực chiến, canh giữ giữa khơi xa, phát hiện và báo cáo kịp thời mục tiêu trên biển, trên không; cùng các lực lượng tạo thành thế trận liên hoàn vững chắc, kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu, hành động xâm lấn chủ quyền, bảo vệ an toàn các nhà trạm và khu vực biển trên thềm lục địa.

Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 3): Viết tiếp trang sử vẻ vang nơi tuyến đầu

Suốt 34 năm xây dựng, không một ngày nào người lính nhà giàn không đối mặt với sóng gió, gian nan và hiểm nguy rình rập (Ảnh tư liệu: Bão lớn quét qua Nhà giàn DK1/14)

Giữa bốn bề đại dương bao la, các nhà giàn thường phải chịu ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt. Vào các năm 1990, 1996, 1998, 2000, bão lớn đã làm đổ một số nhà giàn – nơi cán bộ, chiến sĩ hải quân đang thực hiện nhiệm vụ. Thế nhưng, các chiến sĩ đã bám trụ đến cùng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cột mốc chủ quyền biển đảo.

Có những câu chuyện đã trở thành huyền thoại, là biểu tượng cao đẹp của người chiến sĩ hải quân, như: Thượng úy Nguyễn Hữu Quang (Nhà giàn DK1/3 cụm Phúc Tần) nhường chiếc phao cứu sinh cá nhân và miếng lương khô cuối cùng cho chiến sĩ yếu nhất; Đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/6 cụm Phúc Nguyên trước sự tàn khốc của bão tố vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội rời nhà giàn, xuống tàu về đất liền an toàn; Chuẩn uý Lê Đức Hồng đã cố gắng đến phút cuối cùng để giữ vững liên lạc với Sở Chỉ huy Quân chủng, khi nhà giàn bị đổ, anh chỉ kịp gửi lời chào “Vĩnh biệt đất liền” rồi hòa mình vào những ngọn sóng.

Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 3): Viết tiếp trang sử vẻ vang nơi tuyến đầu

Linh thiêng lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở nhà giàn DK1 trên boong tàu Trường Sa 04

Dẫu biết cuộc sống ở nhà giàn muôn vàn khó khăn và luôn thường trực những bất trắc, hiểm nguy, nhưng nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 vẫn xác định tâm thế, vững vàng tay súng ngày đêm canh giữ biển trời.

Quê ở xã Bình An (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), hai anh em: Đại úy Nguyễn Đình Đức (SN 1990) - Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/10 và Đại úy Nguyễn Đình Nhật (SN 1994), hiện đang công tác tại đảo Trường Sa là những tấm gương yêu nghề, yêu biển. Đại úy Nguyễn Đình Đức kể, sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân, anh được điều về công tác tại Chi đội Kiểm ngư số 2 (Cục Kiểm ngư Việt Nam).

Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 3): Viết tiếp trang sử vẻ vang nơi tuyến đầu

Nguyễn Đình Đức tiễn em trai Nguyễn Đình Nhật lên đường công tác tại Nhà giàn DK1/12 năm 2020 (Ảnh: NVCC)

Đặc thù công việc thường xuyên phải xa nhà nên từ đầu anh đã hướng cho em trai Nguyễn Đình Nhật thi vào Trường Đại học Trần Quốc Tuấn (Trường Sĩ quan Lục quân 1) để được công tác ở đất liền. Thế nhưng, năm 2016, anh Nguyễn Đình Nhật lại được phân về công tác tại Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân (đóng quân tại Vũng Tàu).

Từ năm 2017, anh đã trực tiếp làm nhiệm vụ tại các Nhà giàn DK1/12 (cụm Tư Chính), Nhà giàn DK1/21 (cụm Ba Kè) thuộc Tiểu đoàn DK1. Cuối năm 2023, Đại úy Nguyễn Đình Nhật chuyển công tác về đảo Trường Sa (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) thì cũng là lúc người anh trai là Đại úy Nguyễn Đình Đức nhận nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/10 (bãi cạn Cà Mau).

Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 3): Viết tiếp trang sử vẻ vang nơi tuyến đầu

Đại úy Nguyễn Đình Đức hiện là Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau

“Kỷ niệm không thể nào quên khi tôi với trách nhiệm của người thuyền phó tàu KN263 nhận nhiệm vụ đưa em trai ra công tác tại Nhà giàn DK1/12. Khi em trai thay đổi công tác thì tôi lại là người được cử ra nhà giàn tiếp nối công việc của em mình. Khó có thể nói hết cảm xúc của hai anh em nhưng chắc chắn đó là sự vinh dự, tự hào của gia đình có hai người con là lính nhà giàn. Chúng tôi đều xem đây là công việc vinh quang và mong muốn được làm việc, cống hiến nhiều hơn nữa cho lý tưởng mình đã chọn”.

Không chỉ những chiến sĩ hải quân người Hà Tĩnh mà tại các nhà giàn, thế hệ cán bộ, chiến sĩ trẻ ở mọi miền đất nước đang cùng chung sức làm nên những pháo đài vững chắc canh giữ biển trời. Nhiều câu chuyện đẹp đẽ về trách nhiệm, sự nêu gương của người chiến sĩ giữa thời bình đang được phát huy, lan tỏa.

Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 3): Viết tiếp trang sử vẻ vang nơi tuyến đầu

Đại tá Trần Hồng Hải (Phó Chính ủy Vùng 2 Hải quân) động viên Trung úy Đoàn Thanh Liêm trước khi lên nhận nhiệm vụ tại Nhà giàn DK1/12

Trong chuyến công tác ngày cuối năm, chúng tôi được nghe câu chuyện về Trung úy Đoàn Thanh Liêm (SN 1997, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) phải lùi kế hoạch về quê làm đám cưới sau khi nhận nhiệm vụ đột xuất lên đường theo tàu Trường Sa 04 ra nhận nhiệm vụ Phó Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/12. May mắn là vợ chưa cưới của anh đã thấu hiểu, sẻ chia, giúp anh thêm động lực để yên tâm làm nhiệm vụ.

Thượng tá Nghiêm Xuân Thái (Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) cho biết: "34 mùa xuân kể từ ngày Nhà giàn DK1 được xây dựng, không một ngày nào người lính nhà giàn không đối mặt với sóng gió, gian nan và hiểm nguy rình rập. Sóng gió, bão tố có thể bẻ cong sắt thép nhà giàn chứ không thể làm nhụt chí người chiến sĩ hải quân, tháng ngày hiến dâng tuổi trẻ, vượt qua gian khó, hi sinh, thực hiện sứ mệnh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 3): Viết tiếp trang sử vẻ vang nơi tuyến đầu

Canh biển trời cho đất nước đón Xuân (Ảnh: tư liệu)

Ở nhà giàn hay Trường Sa, mùa xuân cứ mãi xanh trên từng con sóng, vỗ về ôm lấy đảo. Sau hành trình dài qua các nhà giàn và những hòn đảo lớn nhỏ ở Trường Sa, món quà quý giá nhất mà chúng tôi mang về đất liền là tình cảm biết ơn, niềm tự hào về những người lính hải quân; niềm tin vững chắc về chủ quyền biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc; biết yêu hơn, trân trọng hơn cuộc sống bình yên mà mọi người đang có.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Nguyễn Hoà Bình vừa gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh về thành tích xuất sắc triệt phá thành công đường dây buôn bán hơn 6.000 điện thoại di động giả. Trong thư Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình viết:
Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.