Theo nguồn tin từ Nhà máy đóng tàu Gorky ở Zelenodolsk, chiếc Gepard 3.9 thứ 4 Nga đóng cho Hải quân Việt Nam đã rời Nhà máy đóng tàu Gorky theo sông Volga ra Biển Đen thử nghiệm.
Hôm 4/10, trên diễn đàn hàng hải trên mạng VK của Nga đã đăng tải một số bức ảnh chụp chiếc Gepard 3.9 thứ 4 của Việt Nam được lai dắt bởi 2 tàu kéo trên sông Volga trong hành trình ra Biển Đen.
Tàu Gepard 3.9 Việt Nam hồi cuối tháng 9/2016 |
Mạng VK dẫn nguồn tin từ nhà sản xuất cho biết, căn cứ theo lộ trình chiếc Gepard 3.9 thứ 3 đi trước, chiếc Gepard thứ 4 sẽ đi theo hải trình xuôi dòng Volga đến kênh đào Volga - Don vào sông Don rồi ra biển Azov, qua eo Kerch rồi tiến vào Biển Đen.
Từ đây, tàu Gepard đến thành phố Novorossiysk hội tụ với chiếc Gepard thứ 3 đến đây hồi cuối tháng 9 và 2 chiếc tàu này bắt đầu quá trình thử nghiệm trên biển. Tuy nhiên, nhà sản xuất không tiết lộ nội dung thử nghiệm thực hiện trên Biển Đen.
Căn cứ vào hải trình này, có thể phải đến tháng 11/2016, chiếc tàu chiến Gepard thứ 4 của Hải quân Việt nam mới đến địa điểm thử nghiệm trên Biển Đen. Như vậy, đẻ có thể đến địa điểm thử nghiệm, cặp tàu Gepard thử 2 của Hải quân Việt Nam phải vượt qua hành trình khoảng 45 ngày.
Theo thông tin mới nhất từ Nhà máy đóng tàu Gorky, sau khi hoàn thành thử nghiệm các hệ thống vũ khí và sang năm 2017, Nga sẽ bàn giao cặp tàu này cho phía khách hàng Việt Nam cùng lúc.
Nguồn tin trên cho biết, hệ thống vũ khí trên cặp tàu Gepard cơ bản sẽ không thay đổi so với cặp đầu tiên bao gồm: Pháo hạm AK-176M, hai pháo bắn nhanh AK-630M, một hệ thống CIWS Palma, 2x4 tên lửa chống hạm Uran-E/UE.
Trang bị radar gồm: Một đài radar cảnh giới Pozitiv-ME, 1 radar dẫn bắn Minera-ME, 1 radar điều khiển hỏa lực pháo 5P-10-03E Laska, 1 radar hàng hải MR-231. Thiết bị thủy âm gắn vào thân tàu.
Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất của cặp Gepard thứ 2 với cặp đầu tiên là khả năng săn ngầm cực mạnh. Nhưng đến nay, loại ngư lôi nào được trang bị cho tàu vẫn chưa thực sự rõ ràng.