Cầu Nhe ấm mãi tình đồng đội

(Baohatinh.vn) - Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng những ký ức bi hùng về trận bom giữa trưa Mậu Thân ở Cầu Nhe (xã Vĩnh Lộc, nay là xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của những cựu chiến binh may mắn sống sót. Mỗi dịp 30/4, họ lại cùng nhau tìm về đây để tưởng nhớ 53 đồng đội đã nằm xuống...

Cầu Nhe ấm mãi tình đồng đội

Mố Cầu Nhe còn sót lại trong trận bom trưa 15/4/1968.

Mỗi lần đứng trước bia mộ đồng đội, cựu chiến binh Nguyễn Văn Lâm (77 tuổi, quê Hải Phòng, Tiểu đoàn 351, Trung đoàn Yên Tử, Quân khu 3) đều không giấu được nước mắt. Cũng như bao người lính khác, tuổi đôi mươi, ông Lâm viết đơn tình nguyện xin nhập ngũ, được chọn vào Tiểu đoàn 351, tham gia huấn luyện tại Yên Tử. Sau 3 tháng huấn luyện, ngày 11/3/1968, đơn vị nhận lệnh vào miền Nam chiến đấu.

Hơn một tháng hành quân thần tốc, trưa 15/4/1968, đơn vị đã đến khu vực Cầu Nhe. Khoảng 12 giờ trưa, đơn vị chuẩn bị dừng chân ăn cơm thì 4 chiếc máy bay Mỹ xuất hiện, ném bom liên tục.

Cầu Nhe ấm mãi tình đồng đội

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lâm nhớ lại thời khắc máy bay Mỹ ném bom vào Tiểu đoàn 351 - Trung đoàn Yên Tử trưa 15/4/1968.

Ông Lâm nhớ lại: “Bị tập kích bất ngờ nên không ai kịp trở tay, đồng đội một số ít mới đi qua cầu thì máy bay đã ở trên đầu, bom dội xuống, cầu gãy làm ba. Người rơi xuống sông, người bị đất vùi lấp, cảnh tượng rất hỗn loạn. Tôi bị bùn đất vùi lấp, tỉnh lại thì thấy đã nằm trong viện.

Giữa “lằn ranh sinh tử”, tôi may mắn sống sót nhưng 53 đồng đội hy sinh. Có những người tôi chưa kịp nhớ tên, nhiều đồng đội miếng cơm nắm chưa kịp ăn đã nằm lại dưới lòng đất khi tuổi đời còn rất trẻ. Trong buổi chiều hôm ấy, những người sống sót gác đau thương tiếp tục hành quân vào miền Nam”.

Ba lần bị bom vùi lấp, đến giờ cựu chiến binh Nguyễn Đình Nhất (75 tuổi, trú Quảng Ninh, thuộc Tiểu đoàn 351, Trung đoàn Yên Tử, Quân khu 3) vẫn không thể tin là mình sống sót trở về. Ông kể, vào buổi trưa định mệnh ấy, khi vừa bước đến chân Cầu Nhe, ông và đồng đội bị máy bay địch tập kích, ném bom.

Cầu Nhe ấm mãi tình đồng đội

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Nhất nhớ lại giây phút bị 3 quả bom vùi lấp.

“Tôi bị bom vùi lấp, may mắn được các cháu học sinh cấp 2 đưa vào nhà dân băng bó vết thương. Lúc đó, tôi cảm động lắm. Loạt bom vừa dứt, người dân đã chạy ra bới tìm, nhiều đồng đội tôi được cứu sống, cảnh tượng lúc ấy rất bi thương” - ông Nhất nhớ lại.

Dù tuổi đã ngoài 90, nhưng cụ Nguyễn Huy Cội (nguyên xã đội trưởng xã Vĩnh Lộc cũ) vẫn nhớ rõ khoảnh khắc người dân địa phương bất chấp nguy hiểm, lao ra cứu bộ đội. Buổi trưa định mệnh ấy, ông đang cùng dân làng ra đồng gặt lúa thì nghe tiếng máy bay địch gầm rít, rồi trút bom liên hồi vào đoàn bộ đội đang hành quân. Trong tích tắc, Cầu Nhe bị đánh tan, chỉ còn một mố cầu, hai bên vùng phụ cận chi chít hố bom, nhà cửa bị đánh tan tành.

Khi loạt bom đầu tiên vừa dứt, dân làng chạy về Cầu Nhe, tay không đào đất, nhanh chóng cứu những người bị thương. Tiếng thúc giục, tiếng khóc hòa lẫn mùi đạn pháo: “Nhanh, nhanh nữa lên” để kịp thời tìm kiếm người bị thương.

“Trong một ngày, chúng tôi tìm thấy hết những người sống sót và nhanh chóng đưa đi cứu chữa. 14 ngày sau, chúng tôi tìm thấy chiến sĩ hy sinh cuối cùng. Có tất cả 53 chiến sĩ hy sinh. Dân làng chúng tôi lần lượt đưa các anh đi chôn cất”, cụ Cội xúc động nhớ lại cảnh tượng 54 năm về trước.

Trở lại Cầu Nhe lần này, tôi còn được gặp bà Vũ Thị Nguyên (68 tuổi, trú huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) là em gái của liệt sỹ Vũ Văn Ngôn (Tiểu đoàn 351).

Cầu Nhe ấm mãi tình đồng đội

Mỗi năm, đến dịp 30/4, bà Vũ Thị Nguyên lại tìm về xã Khánh Vĩnh Yên để thăm mộ, thắp hương cho anh trai mình là liệt sỹ Vũ Văn Ngôn.

Bà Vũ Thị Nguyên chia sẻ: “Hòa bình lập lại, gia đình tôi đã nhiều lần đi tìm kiếm mộ anh trai nhưng không có kết quả. Đến năm 2006, may mắn có đồng đội báo tin, gia đình mới biết anh nằm lại Cầu Nhe. Kể từ đó, năm nào, vào dịp 30/4, gia đình tôi cũng tìm về đây để tưởng nhớ anh và những đồng đội đã hy sinh năm ấy”.

Cầu Nhe ấm mãi tình đồng đội

53 người con đất Cảng đã ngã xuống cho cuộc sống yên bình của Nhân dân là bài học lịch sử cách mạng sâu sắc cho các thế hệ mai sau.

Nơi các anh ngã xuống đã được chính quyền địa phương dựng nhà bia tưởng niệm, lập miếu thờ. Đến nay, trong số 53 ngôi mộ, vẫn còn 18 ngôi khuyết danh nhưng anh linh các liệt sỹ luôn ấm áp trong tình cảm của Nhân dân và chính quyền địa phương, trong sự trở về, tìm kiếm không ngừng của thân nhân và đồng đội.

Đất nước hòa bình, kinh tế - xã hội không ngừng phát triển. Sự hy sinh của 53 người con đất Cảng mãi mãi được ghi nhớ, mãi mãi là bài học lịch sử sâu sắc cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Dấu ấn của bộ đội trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

Dấu ấn của bộ đội trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

Hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, những năm qua, LLVT Hà Tĩnh đã tích cực "chung sức" hỗ trợ các địa phương xây dựng các hạng mục công trình gắn với bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Đặc xá cho 38 phạm nhân đang thụ án tại Hà Tĩnh

Đặc xá cho 38 phạm nhân đang thụ án tại Hà Tĩnh

38 phạm nhân đang thụ án ở Hà Tĩnh được đặc xá năm 2024 là những người có kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định, thực sự ăn năn hối cải, phấn đấu trở thành công dân có ích.
Đảng ủy Quân sự Hà Tĩnh ra nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ quý IV năm 2024

Đảng ủy Quân sự Hà Tĩnh ra nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ quý IV năm 2024

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Đảng ủy Quân sự tỉnh tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò, chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự - quốc phòng gắn với phát triển kinh tế địa phương.