Huyện Kỳ Anh đa dạng phương thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh.
Huyện Kỳ Anh là địa phương được Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh đánh giá cao trong việc thực hiện công tác PBGDPL. Thời gian qua, Phòng Tư pháp huyện Kỳ Anh luôn tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực, địa bàn và điều kiện của các đơn vị, địa phương...
Theo đó, đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật với các hình thức như: xây dựng trang fanpage để truyền thông về chính sách pháp luật; tăng cường tin, bài về tuyên truyền pháp luật trên trang thông tin điện tử của các đơn vị.
UBND xã Kỳ Châu tổ chức lễ ra mắt mô hình “Tổ hòa giải kiểu mẫu” ở thôn Hiệu Châu kết hợp tọa đàm nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Đồng thời, tích cực tham mưu, phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tổ chức các cuộc thi như: phối hợp với LĐLĐ huyện, BHXH huyện tổ chức thành công cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về lao động và BHXH”; phối hợp với Huyện đoàn, Ban ATGT huyện tổ chức thành công cuộc thi rung chuông vàng “Tìm hiểu pháp luật năm 2022”... Các cuộc thi đều thu hút đông đảo cán bộ, học sinh và người dân tham gia.
Ông Lê Đình Nhất - Trưởng phòng Tư pháp huyện Kỳ Anh cho biết: “Công tác tuyên truyền PBGDPL là cầu nối để đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong toàn xã hội, giữ vững an ninh chính trị... Thời gian tới, đơn vị tiếp tục chủ động tham mưu UBND huyện, Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện triển khai thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền nhằm đưa pháp luật đến gần hơn với cán bộ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn”.
Cán bộ Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Vũ Quang thông tin các văn bản chỉ đạo về làm căn cước công dân, định danh điện tử; Luật Bảo vệ và phát triển rừng... tới Nhân dân trên địa bàn.
Từ nhiều tháng nay, đều đặn 2 lần mỗi ngày, loa truyền thanh của Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Vũ Quang thông tin các văn bản chỉ đạo về làm căn cước công dân, định danh điện tử; Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Nghĩa vụ quân sự và các văn bản xử lý vi phạm ATGT, ANTT... Nhờ thấm sâu các quy định của pháp luật, ý thức chấp hành của người dân nơi đây đã tăng lên rõ rệt.
Bà Nguyễn Thị Hưng (trú thôn Hoa Thị, xã Thọ Điền) chia sẻ: “Trước đây, tôi ít quan tâm đến pháp luật vì nghĩ đây là vấn đề rộng lớn, khó hiểu và điều kiện tiếp cận còn hạn chế. Tuy nhiên, từ khi hệ thống truyền thanh cơ sở được tăng cường, các văn bản về PBGDPL được thông báo, cập nhật liên tục đã giúp tôi nâng cao nhận thức pháp luật, từ đó nhắc nhở con cháu thực hiện nghiêm túc”.
Vũ Quang “mềm hoá” phương thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua phiên tòa giả định.
Ông Trần Văn Trà - Trưởng phòng Tư pháp huyện Vũ Quang cho biết: “Với phương châm “đối tượng nào, hình thức ấy”, các hình thức tuyên truyền pháp luật được đổi mới phong phú, đa dạng như: qua phương tiện truyền thông, loa phát thanh, câu lạc bộ pháp luật… dần trở nên gần gũi với Nhân dân. Nhờ đó, tình hình tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội trên địa bàn giảm hẳn, những mâu thuẫn, bất hòa trong dân cư đều được hòa giải ngay từ cơ sở”.
Để công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, trong năm qua, Sở Tư pháp đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện thực hiện 4.845 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp với 502.017 lượt người tham dự; cấp phát 425.521 tài liệu PBGDPL cho cán bộ, Nhân dân trên địa bàn.
Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tổ chức tọa đàm “Thực tiễn 10 năm thi hành Luật PBGDPL trên địa bàn tỉnh”.
Sở cũng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thành công cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”, thu hút gần 50.000 người trên địa bàn tỉnh tham gia, với hơn 70.000 lượt thi.
Công tác hòa giải tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, góp phần giải quyết các tranh chấp ngay từ cơ sở. Năm 2022, đơn vị đã phối hợp tổ chức 16 cuộc tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Toàn tỉnh đã tiếp nhận 750 vụ hòa giải, trong đó, hòa giải thành 618 vụ (đạt tỷ lệ 85,1%).
Sở Tư pháp trao giải Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính” năm 2022 cho các cá nhân đạt giải.
Các mặt công tác khác như: quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật; hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, bồi thường Nhà nước; quản lý Nhà nước về bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp... cũng đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của ngành vào sự phát triển chung của tỉnh.
Nhờ đổi mới về nội dung và hình thức thực hiện, kết hợp nhuần nhuyễn giữa tuyên truyền và vận động Nhân dân chấp hành pháp luật nên công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao về chất lượng, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ đắc lực việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị và phát triển KT-XH tỉnh nhà.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Giám đốc Sở Tư pháp Lê Viết Hồng trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật PBGDPL và 10 năm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.
Ông Lê Viết Hồng - Giám đốc Sở Tư pháp nhấn mạnh: “Thời gian tới, toàn ngành sẽ đa dạng hóa các kênh tuyên truyền PBGDPL; không ngừng đổi mới về nội dung và hình thức thực hiện; kết hợp nhuần nhuyễn giữa tuyên truyền và vận động Nhân dân chấp hành pháp luật, từng bước nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân.
Các đơn vị, địa phương cũng cần chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể gương mẫu trong chấp hành pháp luật để tạo hiệu ứng lan tỏa, đồng thời tuyên truyền việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tổ chức xét xử lưu động một số vụ việc điển hình để răn đe, phòng chống hành vi vi phạm pháp luật”.