Cầu Thọ Tường mới rộng rãi, thuận lợi trong giao thông đi lại.
Cầu Thọ Tường bắc qua sông La nối các xã ngoài đê với thị trấn Đức Thọ và cũng là con đường giao thương của huyện Đức Thọ với các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, TP Vinh của tỉnh Nghệ An. Do trước đây nhỏ hẹp, không đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân nên năm 2019 cầu Thọ Tường được thi công làm mới.
Giai đoạn cầu đang thi công, việc buôn bán của tiểu thương chợ Hôm bị đình trệ vì đi lấy hàng khó khăn, người dân cũng hạn chế đi lại nên hàng hóa ế ẩm, nhiều tiểu thương "không chuyên” nghỉ bán. Từ tháng 10/2020, người dân, đặc biệt là tiểu thương chợ Hôm vui mừng, phấn khởi khi cầu mới hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Từ khi cầu mới đi vào sử dụng, người đến chợ Hôm trao đổi, mua bán hàng hóa tăng khoảng 40% so với trước.
Anh Trịnh Quang Dũng (quê xã Xuân Hồng, Nghi Xuân) là tiểu thương buôn bán rau củ lâu năm tại chợ Hôm cho biết: "Chúng tôi buôn bán, cứ vài ngày đi TP Vinh lấy hàng một lần. Trước đây, cầu nhỏ hẹp, nhập hàng phải đi vào ban đêm nên qua lại khó khăn, nguy hiểm. Cầu Thọ Tường mới thông thoáng, rộng rãi không những rút ngắn được quãng đường gần 15km mà còn đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông. Quả thật, cây cầu mới đã đáp ứng được mong mỏi của hàng trăm tiểu thương chúng tôi”.
Theo các tiểu thương, nhiều mặt hàng như: giày dép, quần áo thời trang, rau, củ, quả... bán tại chợ Hôm được nhập từ TP Vinh, Nam Đàn (Nghệ An), bởi vậy, cây cầu Thọ Tường là “huyết mạch” để vận chuyển hàng hóa.
Ông Lê Quốc Tú (TDP 5, thị trấn Đức Thọ) - tiểu thương tại chợ Hôm vui mừng bày tỏ: “Tôi bán quần áo ở chợ 32 năm nay, thường xuyên đi lấy hàng tại chợ Vinh. Nhờ cây cầu mới, chúng tôi rút ngắn được hơn 10km, thời gian đi lại giảm, việc vận chuyển hàng hóa cũng nhẹ nhàng hơn. Những xe hàng cồng kềnh không phải đi qua đoạn đường nhỏ hẹp của cánh gà cầu đường sắt chợ Thượng như những ngày cầu thi công nữa. Quan trọng hơn là có cầu mới, người dân "siêng” đi mua sắm nên hàng hóa bán chạy hơn”.
Nhờ có cầu Thọ Tường mới, ông Lê Quốc Tú rút ngắn được quãng đường hơn 10km ra Nghệ An lấy hàng.
Theo ông Tú và một số tiểu thương, từ khi có cầu mới, người đến chợ trao đổi, mua bán hàng hóa tăng khoảng 40% so với trước đây.
Cũng nhờ có cây cầu mới mà nhiều nông sản vườn nhà của bà con Đức Thọ trở thành hàng hóa, giúp người dân có thêm thu nhập. Bà Nguyễn Thị Minh (xã Liên Minh, Đức Thọ) chia sẻ: “Bây giờ đi lại thuận tiện nên người nông dân chúng tôi có con gà, con vịt hay bó rau mang sang chợ Hôm bán cũng dễ hơn”.
Chợ Hôm có khoảng 500 tiểu thương kinh doanh với đa dạng các mặt hàng.
Theo ông Nguyễn Võ Thành – Trưởng ban quản lý chợ Hôm, tổng diện tích chợ khoảng 11.000m², gồm 1 đình chợ chính 2 tầng và khu vực xung quanh. Chợ có gần 500 tiểu thương kinh doanh với đa dạng các mặt hàng.
Trước giờ, bà con Đức Thọ đưa hàng hóa sang Nghệ An bán nhiều và người dân Nghệ An tới chợ Hôm buôn bán cũng đông nên được đi trên cầu mới, ai cũng vui mừng. Nếu không nói về yếu tố dịch bệnh Covid-19 và dịch bệnh trên gia súc ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động mua bán thì cây cầu Thọ Tường mới đã góp phần rất lớn giúp cho việc kinh doanh của tiểu thương tốt lên.
Việc đi lại dễ dàng, người dân đến chợ nhiều hơn nên hoạt động buôn bán, kinh doanh của tiểu thương cũng thuận lợi.
Hoạt động mua bán tấp nập không chỉ là niềm vui riêng đối với tiểu thương chợ Hôm mà còn là “đòn bẩy” cho kinh tế huyện Đức Thọ và tỉnh nhà.
Ông Nguyễn Trọng Thể - Phó phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Đức Thọ thông tin: Công trình cầu Thọ Tường hoàn thành, các tiểu thương chợ Hôm phấn khởi vì đi lại dễ dàng, người dân từ bên kia cầu (các xã Tùng Châu, Liên Minh, Trường Sơn của huyện Đức Thọ và người dân Nghệ An) tới chợ mua bán đông hơn, nhờ đó chợ thêm nhộn nhịp, buôn bán cũng khởi sắc hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.