Cây táo 194 tuổi chết

Sự ra đi của cây táo cổ thụ với ý nghĩa biểu tượng và khoa học lớn khiến người dân địa phương và các chuyên gia tiếc nuối.

Cây Táo Già lúc còn tươi tốt (trái) và khi đã khô héo vào năm 2020 (phải). Ảnh: CNN.

Cây Táo Già (Old Apple Tree) tại thành phố Vancouver, bang Washington, chết vào tháng 6, CNN hôm 23/8 đưa tin. Cây cổ thụ này được trồng năm 1826, khi những người buôn bán lông thú của công ty Hudson“s Bay tới đây. Nó được coi là”nữ hoàng" của ngành công nghiệp táo địa phương. Những quả táo xanh của nó không dễ ăn nhưng rất thích hợp để nướng bánh.

“Chúng tôi biết ngày này sẽ tới, nhưng chúng tôi đã hy vọng còn nhiều năm nữa. Cây táo là một sinh vật sống, giống như con người, và đã đối mặt với vô vàn thách thức. Nó đứng đó suốt nhiều thế hệ, chứng kiến thế giới xung quanh biến đổi”, Charles Ray, kiểm lâm đô thị tại thành phố Vancouver, chia sẻ.

Năm 2015, nhóm chuyên gia chăm sóc cây táo phát hiện tầng tăng sinh (cambium) - phần phát triển của thân cây - bắt đầu chết dần. Điều này góp phần tạo ra vết nứt xoắn ốc trong thân, khiến thân cây bị rỗng qua nhiều năm.

Cây Táo Già trải qua vô số trận bão, sống sót qua nhiều lần xây dựng đường sắt và đường lớn gần đó, trở thành một điểm đến yêu thích của người dân. “Các trường học địa phương tổ chức những chuyến thăm cây táo. Nó được nhiều thế hệ người dân vùng tây bắc và có lẽ cả những khu vực khác của nước Mỹ yêu quý”, Ray cho biết.

Cây Táo Già nổi tiếng với các chuyên gia bảo tồn và nghiên cứu những giống táo cổ xưa. “Khi bất cứ ai nói về cây táo nhiều tuổi nhất vùng tây bắc, mọi người đều biết đó chính là cái cây này. Tôi chắc chắn mọi người không ngờ nó có thể sống lâu như vậy”, David Benscoter, người điều hành dự án The Lost Apple, nói.

Theo phân tích của nhóm chuyên gia thuộc dự án Bộ Gene Táo của Đại học Bang Washington, Cây Táo Già có bộ gene độc nhất vô nhị. “Cây Táo Già khác với bất cứ cây nào trong tập hợp dữ liệu gồm vài nghìn hồ sơ ADN của các loại táo trên thế giới. Vì thế, Cây Táo Già là độc nhất vô nhị. Nó sẽ mang những yếu tố di truyền không hiện hữu ở các cây táo cổ xưa hay hiện đại khác”, Cameron Peace, giáo sư về gene của cây ăn quả tại Đại học Bang Washington, giải thích.

Theo các nhà khoa học, Cây Táo Già gần như chắc chắn là hậu duệ của giống Reinette Pháp tồn tại từ 500 năm trước. Trong khi thân cây chết dần qua thời gian, vài chồi non mới bắt đầu mọc lên từ rễ. “Chúng tôi quyết định nuôi dưỡng những chồi non này để có cây mới trong tương lai”, Ray cho biết.

Một trong những cây non sẽ ở nguyên vị trí để trở thành Cây Táo Già mới. Các chuyên gia dự định loại bỏ một phần thân cây cũ nhằm giúp cây non có thể nhận nhiều ánh sáng hơn, phần thân còn lại được để nguyên để phân hủy tự nhiên. Những cây non khác sẽ được chuyển đến trồng trong vườn của khu di tích Fort Vancouver do Cơ quan Công viên Quốc gia Mỹ (NPS) quản lý.

Theo Thu Thảo (Theo CNN )/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói