Chi bộ tốt là yếu tố quan trọng nâng cao sức chiến đấu của Đảng

(Baohatinh.vn) - Bác Hồ từng nói: “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”, “Đảng mạnh là do các chi bộ mạnh, chi bộ mạnh là do các đảng viên hăng hái, gương mẫu”. Trong bất kỳ giai đoạn nào, cũng cần phải quan tâm đúng mức việc củng cố và xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, có đội ngũ đảng viên tốt để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta rất coi trọng việc củng cố và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, đặc biệt là phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên ngang tầm với nhiệm vụ chính trị. Trong đó, quan tâm đến việc xây dựng chi bộ vững mạnh, có đủ năng lực lãnh đạo cơ sở thực hiện đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; tham gia xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác của chi bộ và của cấp ủy cấp trên.

Nhận rõ vị trí và tầm quan trọng của chi bộ, thời gian qua, Đảng bộ Hà Tĩnh luôn chú trọng phát huy vai trò “hạt giống” chính trị, lấy chi bộ là hạt nhân, đảng viên là nòng cốt trong thực hiện công tác xây dựng Đảng. Trong đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các đảng bộ cấp huyện khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình, xây dựng đề án để ban hành nghị quyết chuyên đề.

Theo đó, Thị ủy Kỳ Anh tổ chức khảo sát các loại hình chi bộ, phân cụm và tổ chức sinh hoạt chi bộ điểm tại các cụm do Ban Thường vụ Thị ủy trực tiếp chỉ đạo, rút kinh nghiệm, từ đó xây dựng đề án, tổ chức hội thảo và ban hành Nghị quyết về xây dựng chi bộ đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Thành ủy Hà Tĩnh tổ chức hội thảo chuyên đề, đi sâu vấn đề chất lượng sinh hoạt chi bộ, vai trò điều hành của chi ủy, phân công đảng viên; từ đó, định rõ chủ trương và giải pháp cụ thể. Huyện ủy Lộc Hà định kỳ tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo huyện với bí thư chi bộ, trưởng thôn, vừa phát hiện những cách làm hay, vừa giải đáp những vấn đề vướng mắc từ cơ sở... Nhiều cơ sở triển khai sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt mẫu, tổ chức hội thảo, tọa đàm và mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ xây dựng Đảng cho chi ủy và bí thư chi bộ.

Tại cuộc họp thường kỳ của Chi bộ Kim Tân thuộc Đảng bộ xã Tân Lộc (Lộc Hà) - một chi bộ có 127 đảng viên được sáp nhập từ 3 chi bộ, chỉ diễn ra trong 110 phút, có 8 đảng viên phát biểu trong 70 phút, thể hiện rõ tính chiến đấu và tính lãnh đạo trong sinh hoạt Đảng. Ông Nguyễn Duy Ngụ - Bí thư Chi bộ Kim Tân khẳng định: “Chất lượng sinh hoạt chi bộ tốt hay xấu tùy thuộc vào việc chuẩn bị nội dung và phương pháp điều hành của chi ủy, nhất là trách nhiệm của Bí thư Chi bộ”.

Chi bộ tốt là yếu tố quan trọng nâng cao sức chiến đấu của Đảng

Đảng viên dự sinh hoạt thường kỳ Chi bộ Kim Tân, Đảng bộ xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà.

Tuy nhiên, số chi bộ hoạt động có nền nếp như chi bộ Kim Tân chưa phải là nhiều, chất lượng sinh hoạt chi bộ nói chung còn hạn chế. Nhiều chi bộ sinh hoạt thường sa vào bàn việc chuyên môn, chưa chú trọng thảo luận về công tác Đảng; nhiều chi ủy không phân giao rõ việc cho đảng viên; hay tình trạng đảng viên dự họp như đi dự thính, rất ngại phát biểu; hoặc phát biểu cho có và xem như xong nhiệm vụ, coi việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghị quyết là trách nhiệm của chi ủy...

Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc sinh hoạt Đảng, là quy luật phát triển của Đảng, nhưng nhiều chi bộ chưa quan tâm đúng mức và chưa tạo môi trường thuận lợi để phát huy “vũ khí” tự phê bình và phê bình trong Đảng. Mặc dù Ban Tổ chức Trung ương đã có Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW về quy trình kiểm điểm phân loại cấp ủy, đảng viên nhưng mới thực hiện ở cấp ủy là chủ yếu, vì quy trình đó không phù hợp với quy mô thực tại của chi bộ. Hơn 55% số chi bộ thôn/tổ dân phố có 40 đảng viên trở lên, trong đó, gần 20% chi bộ nông thôn từ 80 đảng viên trở lên, có chi bộ trên 170 đảng viên thì khó có đủ thời gian để thực hiện tự phê bình và phê bình đúng quy trình hướng dẫn.

Việc phát triển đảng viên ngày càng khó khăn, nhất là khu vực nông thôn. Không ít thôn/tổ dân phố tổ chức chi đoàn có cũng như không. Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh năm 2022 kết nạp hơn 2.100 đảng viên, nhưng tỷ lệ kết nạp từ nông thôn chỉ có 9,9%. Nhiều chi bộ nông thôn nhiều năm không kết nạp được đảng viên nào.

Ông Trần Đức Lâm - Bí thư Đảng ủy xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân cho biết: “Phần lớn thanh niên đi xuất khẩu lao động hoặc tìm kiếm việc làm ở nơi khác nên hoạt động của tổ chức đoàn và tìm nhân tố bồi dưỡng kết nạp Đảng rất khó. Đảng ủy chỉ nhìn vào đối tượng là giáo viên trong các trường học”.

Chi bộ tốt là yếu tố quan trọng nâng cao sức chiến đấu của Đảng

Ông Trần Đức Lâm - Bí thư Đảng ủy xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân.

Sau sáp nhập thôn/tổ dân phố, số lượng đảng viên của một số chi bộ sáp nhập quá đông nên tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt và chất lượng sinh hoạt cũng hạn chế. Đã vậy, một số nơi không hình thành tổ Đảng, mặc dù đã quy định trong Điều lệ Đảng. Ở khối cơ quan, sáp nhập để giảm đầu mối nhưng nhiệm vụ chuyên môn khác nhau nên xác định nhiệm vụ lãnh đạo của chi bộ còn chung chung. Việc duy trì sinh hoạt đảng bộ càng khó hơn vì quy mô và số lượng đảng viên sau sáp nhập xã/phường tăng lên, không đủ chỗ để dự họp, nên có đảng bộ triển khai một nghị quyết phải tiến hành 2-4 đợt.

Ở Hà Tĩnh, đảng bộ cơ sở dưới 200 đảng viên chỉ chiếm 5,7%, từ 200 - 350 đảng viên tỷ lệ 60,3%, đảng bộ trên 350 đảng viên chiếm tỷ lệ 34%, trong đó có 32 đảng bộ từ 500 đảng viên trở lên, có một số đảng bộ trên 1.000 đảng viên. Những vấn đề về mô hình tổ chức, công tác quản lý đảng viên, chế độ phê và tự phê bình chưa hợp lý, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động của chi bộ và đảng bộ cơ sở. Thiết nghĩ, cần sắp xếp mô hình tổ chức chi bộ gắn với đơn vị hành chính chuyên môn thật hợp lý và không mâu thuẫn với quy định của Điều lệ Đảng về tổ chức Đảng. Khối cơ quan đã đủ số lượng đảng viên để thành lập chi bộ thì không nhất thiết phải ghép các ban, phòng chuyên môn vào một chi bộ, vì không ảnh hưởng gì đến biên chế.

Với quy mô chi bộ sau sáp nhập thôn/tổ dân phố thì việc hình thành các tổ đảng là rất cần thiết và cấp bách để quản lý đảng viên tốt hơn, nhằm phân giao nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên và thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng được nghiêm túc. Đảng ủy cơ sở phải định rõ nội dung sinh hoạt hằng tháng cho từng chi bộ, trong đó có những nhiệm vụ cá biệt đối với một số chi bộ còn yếu hoặc hạn chế một số mặt.

Chi bộ tốt là yếu tố quan trọng nâng cao sức chiến đấu của Đảng

Thị ủy Kỳ Anh tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ vào tháng 12/2020.

Ngoài nội dung sinh hoạt thường kỳ, cần có sinh hoạt chuyên đề để truyền thụ cho đảng viên những vấn đề cần thiết về chủ trương, nghị quyết, pháp luật, thời sự... Không để đảng viên bị “đói” về thông tin, dẫn đến không phát huy được vai trò đầu tàu gương mẫu trong nhận thức và hành động trước quần chúng.

Nhiều ý kiến cho rằng, rất cần việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề, nhưng chuyên đề gì, ai chuẩn bị, ai báo cáo, thời gian sinh hoạt là việc cần được cụ thể hóa. Ông Ngô Văn Hảo - Bí thư Đảng ủy xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà) đề nghị: “Cần hình thành mạng lưới báo cáo viên các cấp, tùy quy mô của mỗi đảng bộ cơ sở để lựa chọn từ 1-4 báo cáo viên là những cán bộ, đảng viên trung cấp, cao cấp đã nghỉ hưu, có uy tín, bản lĩnh, có phương pháp truyền thụ tốt để bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ”.

Cùng suy nghĩ trên, ông Phạm Hữu Thao - Bí thư Đảng ủy phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) cho rằng: “Cấp trên của tổ chức cơ sở Đảng căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ của địa phương từng thời kỳ để giao cho các ban, phòng chuyên môn biên tập các chuyên đề về nghị quyết, thời sự, chính sách pháp luật, chuyên đề học tập và làm theo Bác, chuyên đề lịch sử, văn hóa, khoa học kỹ thuật... phù hợp với nhiệm vụ chính trị trọng tâm”. Việc sinh hoạt chuyên đề có thể tổ chức sinh hoạt mỗi quý 1 lần hoặc vài chục phút trong sinh hoạt thường kỳ dưới sự quản lý và điều phối của đảng ủy cơ sở.

Chi bộ tốt là yếu tố quan trọng nâng cao sức chiến đấu của Đảng

Ông Ngô Văn Hảo – Bí thư Đảng ủy xã Lưu Vĩnh Sơn.

Trong công tác phát triển đảng viên, cái khó là lớp trẻ thường phải ly quê để mưu sinh. Nếu muốn thực hiện “ly nông bất ly hương” thì tổ chức đảng phải chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hấp dẫn tại địa phương để thu hút lao động trẻ, tìm và giao việc cho tuổi trẻ, tạo môi trường và động lực để lớp trẻ phấn đấu, lập thân lập nghiệp tại quê hương. Đây cũng là cơ sở để củng cố tổ chức đoàn, bồi dưỡng đoàn viên kết nạp vào Đảng và tạo nguồn cán bộ.

Chi bộ tốt là yếu tố quan trọng nâng cao sức chiến đấu của Đảng

Lễ kết nạp đảng viên tại Chi bộ thôn Hồng Lạc, Đảng bộ xã Thạch Châu, Lộc Hà.

Cần phải hình thành tổ đảng trong các chi bộ như quy định của Điều lệ. Nếu chi bộ có đông đảng viên thì tự phê bình, phê bình, phân loại trong tổ đảng, đồng thời góp ý cho cấp ủy và đảng viên tổ đảng khác, chi ủy tổng hợp, đưa ra chi bộ thảo luận và quyết định sẽ có tác dụng hơn nhiều. Tổ Đảng chính là nơi cụ thể hóa nghị quyết của chi bộ, phân giao trách nhiệm cho từng đảng viên gắn với phụ trách nhóm hộ và phần việc trong cộng đồng dân cư. Cần có sự khảo sát thực tế các địa phương thực hiện tốt như: Thị ủy Kỳ Anh, Thạch Hà... để xây dựng đề án cụ thể về quy mô, nền nếp sinh hoạt, phân công đảng viên, chế độ phụ cấp cho tổ trưởng, tổ phó kiêm công việc tổ liên gia. Phụ cấp không nhiều nhưng cần phải có để động viên và gắn trách nhiệm cá nhân, có thể trích từ nguồn thu đảng phí.

Sau mỗi kỳ đại hội chi bộ, tổ chức cấp trên cơ sở cần biên tập các chuyên đề và tổ chức các lớp tập huấn cho chi ủy và đội ngũ bí thư chi bộ nhằm trang bị những kiến thức cần thiết cho đội ngũ cấp ủy trong việc chuẩn bị nội dung, quy trình điều hành sinh hoạt, kết luận và phân giao trách nhiệm cho từng tổ đảng, từng đảng viên...

Bác Hồ đã dạy: “Tổ chức gốc rễ của Đảng là chi bộ”. Mỗi khi chúng ta quan tâm đúng mức việc củng cố và xây dựng chi bộ vững mạnh, có đội ngũ đảng viên tốt là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Chủ đề Đưa nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hà Tĩnh vào cuộc sống

Đọc thêm

Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Sau gần 35 năm tái lập tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục cùng cả nước thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Những thành tựu đạt được của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh nhà tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa cùng sức mạnh của con người Hà Tĩnh.
[Tổng Bí thư các thời kỳ] Đồng chí Nguyễn Phú Trọng

[Tổng Bí thư các thời kỳ] Đồng chí Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đồng chí là tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, trọn đời vì Đảng, vì nước, vì dân.
Quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh

Quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh

Cuối tháng 3/1930, tại bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc, Can Lộc) diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh. Đảng bộ Hà Tĩnh ra đời đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa quyết định, mở ra bước phát triển mới với những thắng lợi to lớn của phong trào cách mạng tỉnh nhà.
[Tổng Bí thư các thời kỳ] Đồng chí Nông Đức Mạnh

[Tổng Bí thư các thời kỳ] Đồng chí Nông Đức Mạnh

Với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng
Thiêng liêng lời tuyên thệ nơi đảo xa

Thiêng liêng lời tuyên thệ nơi đảo xa

Đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ, không có gì ý nghĩa hơn khi được làm lễ kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trường Sa - nơi tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc.
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng ta không ngừng đưa ra những quyết sách phù hợp, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Những mốc son chói lọi và bài học kinh nghiệm trên chặng đường 95 năm của Đảng

Những mốc son chói lọi và bài học kinh nghiệm trên chặng đường 95 năm của Đảng

Sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Nhân dân tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành chính quyền, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Những mốc son chói lọi có ý nghĩa lịch sử đã khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.