Chi tiết nội dung Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017 với nhiều nội dung đáng chú ý.

chi tiet noi dung hop bao chinh phu thuong ky thang 11

Toàn cảnh buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 11/2017. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành để làm rõ những vấn đề được dư luận và báo chí quan tâm trong thời gian qua.

Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, ngày 1/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017, tập trung thảo luận về ba nhóm vấn đề lớn: Một là tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng; hai là phương hướng, nhiệm vụ, các trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2018, cụ thể là xây dựng Nghị quyết 01 năm 2018; và ba là Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 cùng một số nội dung hoàn thiện, xây dựng thể chế.

Thứ nhất, tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 tiếp tục chuyển biến tích cực hơn, khẳng định những kết quả toàn diện trên các mặt mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội. Kinh tế vĩ mô ổn định; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao; khu vực dịch vụ phục hồi mạnh. Nhiều lĩnh vực tiếp tục lập những kỷ lục mới, như lượng khách du lịch quốc tế, vốn đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu, số doanh nghiệp thành lập mới đều tiếp tục tăng mạnh.

- Khách quốc tế tháng 11 đạt 1,17 triệt lượt; 11 tháng đạt 11,65 triệu lượt, tăng 27,8%

- Vốn FDI đăng ký 19,8 tỷ USD, tăng 52%; tổng vốn đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần đạt 33,1 tỷ USD, tăng 53,4%; vốn FDI thực hiện đạt 16 tỷ USD, tăng 11,9%

- Xuất khẩu đạt 193,75 tỷ USD, tăng 21,7%; xuất siêu 2,8 tỷ USD.

- 11 tháng có 116.000 DN đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký tăng 41,9%; tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng).

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Cũng trong tháng 11 vừa qua, chúng ta đã hoàn thành nhiều công việc quan trọng. Tại kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và một số thành viên Chính phủ đã trực tiếp giải trình, trả lời chất vấn rất minh bạch, thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động. Đa số các vị đại biểu Quốc hội và dư luận đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Trong tháng 11, chúng ta đã có nhiều sự kiện đối ngoại rất lớn. Đặc biệt, chúng ta đã chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công Năm APEC 2017, nhất là Tuần lễ cấp cao APEC – sự kiện đối ngoại đa phương lớn nhất của cả nhiệm kỳ này; đồng thời đã tiếp đón các chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thống Chile và Thủ tướng Canada. Thủ tướng Chính phủ đã tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 31 tại Philippines và đạt được những thỏa thuận quan trọng.

Cũng trong tháng này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hết sức quyết liệt, các bộ ngành, địa phương, người dân đã vào cuộc, chủ động ứng phó trước các cơn bão mạnh (số 12, 14) với phạm vi ảnh hưởng rộng, cường độ mạnh. Qua đó, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả được, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Thiệt hại do thiên tai, nhất là do bão số 12, số 14 tuy đã được hạn chế nhưng vẫn rất lớn. Giải ngân vốn đầu tư công chậm. Sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn. Còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc, đặc biệt như vừa qua chúng ta đều biết đã xảy ra nhiều vụ bạo lực với trẻ em, nhất là cấp mẫu giáo, gây bức xúc rất lớn, đây là điều không thể chấp nhận được.

Về nhiệm vụ thời gian tới, trong tháng cuối năm và dịp Tết cổ truyền, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịch vụ, tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được đẩy nhanh, Chính phủ yêu cầu cần tận dụng cơ hội này cho phát triển sản xuất kinh doanh. Tinh thần là không được chủ quan, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả tốt hơn, toàn diện hơn so với số liệu ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội. Đồng thời không để biến động lớn trong tháng cuối năm và dịp Tết trên các lĩnh vực tiền tệ, thị trường hàng hóa, giá cả…

Đặc biệt, cần hết sức lưu ý giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc. Không để xảy ra nạn bạo hành trẻ em, đề nghị phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, đồng thời cả xã hội phải vào cuộc, cơ sở giáo dục, cơ quan chức năng, gia đình, báo chí cùng kiểm tra, giám sát, thực hiện. Các thành viên Chính phủ thống nhất cho rằng cùng với việc xử lý nghiêm các vụ việc, thì cần có giải pháp căn cơ, gốc rễ cho tình trạng bạo hành trẻ mầm non, như phải xây dựng hệ thống các trường mầm non công lập hiện rất thiếu tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, từ đó hạn chế các trường hợp gửi trẻ tại các cơ sở không đạt yêu cầu. Cùng với đó là vấn đề đạo đức, hành xử của các giáo viên mầm non…

chi tiet noi dung hop bao chinh phu thuong ky thang 11

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân vùng bị thiên tai, tuyệt đối không để nhân dân bị đói, không có chỗ ở; không để hỗ trợ đi sai địa chỉ, sai mục đích. Như chúng ta đã biết, ngày hôm qua, trực tiếp Thủ tướng Chính phủ đã vào kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả bão tại Phú Yên, Khánh Hòa. Thủ tướng cũng đã quyết định hỗ trợ ngay 1.000 tỷ đồng cho hai tỉnh này khắc phục hậu quả bão, đây là số tiền hỗ trợ lớn nhất từ trước tới nay.

Một vấn đề bức xúc khác, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT sớm có báo cáo tổng thể về các trạm BOT, đặc biệt là trạm BOT Cai Lậy – vấn đề rất nóng trên báo chí hiện nay và rất được người dân quan tâm.

Vấn đề lớn thứ hai được thảo luận tại phiên họp là phương hướng, nhiệm vụ, các trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2018, cụ thể là xây dựng Nghị quyết 01 năm 2018. Nghị quyết 01 là văn bản chủ đạo, quan trọng nhất trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ và cả hệ thống hành chính nhà nước trong năm 2018.

Chính phủ đã xác định thực hiện nhất quán 3 trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2018 là: (1) Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. (2) Quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. (3) Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm...

Trên cơ sở đó, Chính phủ đưa ra một số yêu cầu với việc xây dựng Nghị quyết 01 năm nay: (1) Rút kinh nghiệm những năm trước Nghị quyết quá dài (30-40 trang), đưa ra quá nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong các lĩnh vực nhưng lại thiếu điểm nhấn, trọng tâm, trọng điểm. (2) Tinh thần chung trong xây dựng dự thảo Nghị quyết là phải ngắn gọn, rõ ý, có trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên, giảm thiểu tình trạng đưa nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, công việc thường xuyên của Bộ ngành vào dự thảo. (3) Các bộ, ngành tập trung rà soát toàn bộ các cơ chế chính sách, pháp luật liên quan, phân tích đánh giá rõ những điểm tồn tại, hạn chế, khó khăn thách thức để khắc phục ngay và đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, trong đó có giải pháp thực hiện trong năm, có giải pháp trung, dài hạn với thời gian cụ thể và thứ tự ưu tiên hợp lý để triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đưa ra thảo luận tại Hội nghị Chính phủ mở rộng với các địa phương; trên cơ sở tiếp thu ý kiến tại Hội nghị sẽ tiếp tục hoàn thiện, trình Thủ tướng ký ban hành và triển khai ngay từ những ngày đầu năm 2018. Đặc biệt, xin thông báo với các bạn là Hội nghị Chính phủ với địa phương vào tháng 12 năm nay dự kiến mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Vấn đề lớn thứ ba của phiên họp Chính phủ lần này là bàn về các vấn đề hoàn thiện, xây dựng thể chế. Cụ thể, Chính phủ đã bàn về 4 dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; về y tế và dân số; bàn nội dung sửa đổi, bổ sung một loạt các Luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch… Đây đều là những nội dung rất lớn, rất quan trọng.

Các thành viên Chính phủ cũng cho ý kiến về các nội dung như dự thảo Nghị định ban hành Quy chế quản lý tài chính Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; tăng vốn điều lệ của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam; sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020; đề án cơ cấu lại đầu tư công…

-PV Xuân Quang (báo Lao động):Ngày 12/10, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về những sai phạm của gói đấu thầu thiết bị y tế Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Y tế cũng có kết luận về vấn đề này là vi phạm Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, tại thời điểm này, đã 50 ngày sau khi Phó Thủ tướng có chỉ đạo, TPHCM vẫn không thực hiện chỉ đạo và thậm chí thiết bị vẫn được lắp đặt để chuẩn bị đưa vào sử dụng. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Trước hết rất cảm ơn Báo Lao động, cảm ơn phóng viên các cơ quan báo chí đã có câu hỏi về chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình với gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc hướng dẫn hình ảnh đối với Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Sau khi có báo cáo của Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TPHCM, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có chỉ đạo thông qua Công văn số 10854 ngày 12/10/2017 với 2 nội dung lớn.

Đó là yêu cầu TPHCM, cơ quan quản lý trực tiếp Bệnh viện Ung bướu TPHCM kiểm tra việc thực hiện đấu thầu gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc hướng dẫn hình ảnh, yêu cầu thực hiện đúng theo quy định của Luật Đấu thầu 2013.

Thứ hai là yêu cầu xem xét, xử lý vi phạm, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến vi phạm đó. Rất tiếc là đến nay Văn phòng Chính phủ chưa nhận được báo cáo của UBND TPHCM đối với vụ việc trên. Tuy chưa báo cáo nhưng vừa rồi báo chí lại đăng tiếp việc đơn vị trúng thầu tiếp tục lắp đặt hệ thống thiết bị gói thầu như vậy.

Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang tổng hợp lại, tiếp tục tham mưu cho Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao cho Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với UBND TPHCM thực hiện kiểm tra, báo cáo kết quả lên Thủ tướng.

Tinh thần là Chính phủ nói là làm, kiên quyết chống tham nhũng và lợi ích nhóm. Việc chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã được các cơ quan theo dõi rất sát sao và được UBND TPHCM chỉ đạo rất quyết liệt, tiếp tục thông tin cụ thể về vấn đề này. Tinh thần là không thể làm ngơ trước các vấn đề sai phạm. Công khai, minh bạch sai phạm nếu có, và công khai xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan nếu có. Trước mắt chúng tôi thông báo vậy, khi có kết quả cụ thể chúng tôi sẽ thông báo đến các cơ quan báo chí.

-PV Văn Hùng (báo Nông nghiệp Việt Nam):Việc Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải đánh giá toàn diện các dự án BOT, trong đó có dự án BOT Cai Lậy, liệu có khách quan không? Tại sao chúng ta không giao cho Thanh tra Chính phủ hoặc Kiểm toán Nhà nước?

Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết Trung ương 6 đặt ra câu hỏi phải chăng chúng ta đã thất bại trước kế hoạch cải cách bộ máy hành chính và tinh giản biên chế. Liệu những biện pháp đưa ra về cải cách bộ máy hành chính và tinh giản biên chế chưa phù hợp với thực tiễn?

Với nỗ lực của Chính phủ, Bộ NN&PTNT thì 9 khuyến cáo của EU đối với thuỷ sản của Việt Nam đã được khắc phục từng bước. Trong đó khuyến cáo nào là căn cốt nhất, giải pháp nào để thoát thẻ vàng, không bị rút thẻ đỏ trong 6 tháng tới?

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật: Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT tiến hành rà soát tất cả các dự án BOT và Bộ phải có trách nhiệm thực hiện. Hiện Bộ đã tiếp 107 đoàn làm việc của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ ngành, đoàn giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và có sự tham gia đầy đủ các thành phần trong đó có cả Kiểm toán Nhà nước. Tất cả đã được tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan, trong đó có đánh giá những mặt được và chưa được để có hướng khắc phục.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng: Về cải cách bộ máy hành chính và tinh giản biên chế, theo chương trình Nghị quyết 30C của Chính phủ có 6 nội dung: Cải cách thể chế, bộ máy tổ chức, tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính. Trong Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 Hội nghị Trung ương 6 đã đánh giá toàn diện, cụ thể và chỉ ra nguyên nhân của những bất cập, hạn chế, cũng như hướng khắc phục. Theo quy định hiện nay Bộ Chính trị quản lý toàn bộ tổ chức về biên chế trong hệ thống chính trị gồm cán bộ, công chức các cơ quan Đảng, Nhà nước, công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ công chức xã, phường, thị trấn, kể là lực lượng không chuyên trách. Thực tế thời gian qua có nhiều cơ quan quản lý biên chế như Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội..., riêng Chính phủ chịu trách nhiệm giao biên chế từ Trung ương đến địa phương trong các cơ quan quản lý nhà nước. Theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị thì đặt mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế. Kết quả trong hai năm 2016-2017 chúng ta đã tiết giảm được 2,9%. Riêng thực hiện Nghị quyết 39 đã giảm được trên 32.000 người.

Sắp tới thực hiện Nghị quyết 18, Nghị quyết 19, đặc biệt là những vấn đề cần làm ngay như sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong, sắp xếp tổ chức ở xã, tổ dân phố thì khả năng đạt được theo mục tiêu trong Nghị quyết rất cao. Đương nhiên cần sự tham gia cảu cả hệ thống chính trị.

chi tiet noi dung hop bao chinh phu thuong ky thang 11

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám tại buổi họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: Bộ NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch hành động với những giải pháp cụ thể, chi tiết để thực hiện 9 khuyến cáo của EU đối với thuỷ sản Việt Nam. Để EU rút lại thẻ vàng thì thuỷ sản Việt Nam phải hoàn thành cả 9 khuyến cáo nhưng có 3 nhóm giải pháp cần tập trung nhiều hơn.

Thứ nhất là chúng ta cần hoàn thiện thể chế phù hợp với quy định của quốc tế trong đó có EU. Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Luật Thuỷ sản sửa đổi đã được thông qua trong đó chúng ta đưa vào tối đa các khuyến cáo của EU. Bộ NN&PTNT cũng đang khẩn trương triển khai sửa các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Thuỷ sản.

Nhóm vấn đề thứ hai là năng lực thực thi của hệ thống quản lý nhà nước và ngư dân. Đây là vấn đề yếu nhất của chúng ta và không thể đáp ứng ngay trong thời gian ngắn nhưng chúng ta cũng sẽ cố gắng làm những việc cấp bách trước mắt để vượt qua. Trong thực thi chúng ta phải thực hiện nghiêm Công điện 32 của Thủ tướng Chính phủ là chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân khai thác bất hợp pháp trên vùng biển các nước. Vừa qua các địa phương đã triển khai quyết liệt vấn đề này. Từ tháng 7 đến nay tình trạng vi phạm đã giảm. Đặc biệt với Quảng Ngãi, địa phương có nhiều tàu cá vi phạm nhất thì từ tháng 7 đến nay chưa ghi nhận thêm trường hợp vi phạm nào.

Nhóm giải pháp thứ ba là công tác tuyên truyền làm cho hệ thống quản lý nhà nước về thuỷ sản, các DN và đặc biệt là các chủ tàu, ngư dân hiểu được những nội dung chống đánh bắt bất hợp pháp, báo cáo không theo quy định là như thế nào trong thực tiễn. Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho toàn xã hội cũng như hệ thống chính trị của chúng ta hiểu được và hành động. Bộ NN&PTNT đã ký hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam, một số cơ quan báo chí để triển khai cụ thể chiến dịch truyền thông.

Trong truyền thông cũng phải tăng cường đối thoại bởi EU vẫn chưa thừa nhận những nỗ lực của Việt Nam trong tiếp thu các khuyến cáo đưa vào Luật Thuỷ sản sửa đổi, bổ sung.

Trong ba nhóm giải pháp này thì năng lực thực thi là quan trọng nhất vì EU muốn chúng ta hành động cụ thể, chuyển biến trên thực tế.

-PV Huy Hoàng (Bản tin Tài chính VTV1):Liên quan đến việc thống kê thiệt hại của ùn tắc kéo dài tại trạm thu phí Cai Lậy mà Thủ tướng chỉ đạo, xin hỏi cho đến thời điểm này chúng ta đã thống kê được việc này hay chưa? Thứ hai là Thủ tướng đã chỉ đạo làm sao không để diễn ra tình trạng này, giải pháp của Bộ GTVT sẽ như thế nào?

Trong ngày hôm qua, Bộ Công Thương có đưa ra 1 nghị định tăng giá điện bán lẻ lên 6,08%. Tuy nhiên, trong báo cáo đưa ra thì sản xuất điện có thể lỗ 600 tỷ đồng nhưng lãi của hoạt động sản xuất điện vẫn hơn 2.600 tỷ đồng. Vậy xin hỏi tại sao lại đưa ra quyết định điều chỉnh giá điện tăng 6,08% ở thời điểm này?

Gần đây, có giá chào bán cơ bản đấu giá của Sabeco là 320.000 đồng, trong khi được định giá là 184.000 đồng. Không biết liệu có cao quá hay không có hấp dẫn được nhà đầu tư nước ngoài hay không?

Từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ thoái vốn bao nhiêu doanh nghiệp và dự kiến thu về được bao nhiêu tiền?

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật: Đối với trạm thu phí, theo thông tư của Bộ GTVT về những trạm ách tắc từ 500 m thì không để trạm nào kéo dài thời gian. Tuy nhiên với trạm Cai Lậy có một số đối tượng quá khích, ví dụ như có trường hợp bỏ xe đi chơi… Đối với tất cả những vấn đề chung, Bộ GTVT sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Để tình trạng này không kéo dài, ngày 1/8/2017, Bộ GTVT đã rà soát tất cả, đặc biệt dựa vào lực lượng thanh tra và kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Bộ GTVT đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là nhân dân trong vùng và đã giảm phí theo Nghị định 35 của Chính phủ. Chúng tôi cũng tiếp tục tuyên truyền trong nhân dân để hiểu thêm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Vấn đề giá điện nói riêng cũng như giá cả của các mặt hàng thiết yếu nói chung đều được các cấp lãnh đạo, từ Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, nhất là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hết sức quan tâm. Từ các vấn đề vĩ mô như điều chỉnh giá điện có thể ảnh hưởng gì đến GDP, chỉ số giá tiêu dùng CPI, cho đến những vấn đề vi mô như liệu có ảnh hưởng đến đầu vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng tới giá cả của các mặt hàng thiết yếu như xi măng, sắt thép… và điều hết sức quan trọng là ảnh hưởng thế nào đến đời sống của người dân.

Chúng tôi nghĩ rằng trong thời gian vừa qua, từ tháng 3/2015 đến nay, nghĩa là 2 năm 9 tháng, giá điện không có sự điều chỉnh, trong khi đầu vào của những thứ làm ra điện tăng rất nhiều, đặc biệt là than và nhiều yếu tố khác. Theo đánh giá trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ sáng nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nói rất kỹ về vấn đề này. Tại sao phải tăng giá điện và tăng vào thời điểm nào? Theo đánh giá, ngành điện trong thời gian vừa qua đã có những cố gắng nhất định. Ví dụ, theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới, chỉ số tiết kiệm điện năng năm 2016 chúng ta đứng thứ 96 các quốc gia và vùng lãnh thổ, đến 2017 đã đứng thứ 64. Như vậy đã tăng được 32 bậc trong vòng một năm.

Điểm nữa chúng tôi đánh giá là tính công khai, minh bạch khi chúng ta điều chỉnh giá điện hay là sản xuất kinh doanh của ngành điện. Để đánh giá được tại sao tăng và tăng như thế nào về giá điện, Chính phủ đã thành lập tổ công tác bao gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ LĐTB&XH, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Nguyên tắc kiểm tra là kiểm tra chi phí của năm 2016 tại sao lại tăng và ảnh hưởng đến giá điện như thế nào.

Trong quá trình đánh giá, chúng tôi thực hiện nhiều nguyên tắc, tôi chỉ nói một vài nguyên tắc chính. Nguyên tắc thứ nhất là chi phí sản xuất kinh doanh điện chỉ bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện, không bao gồm lĩnh vực khác. Thứ hai là tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, phụ trợ và quản lý ngành. Thứ ba là kiểm tra chi phí mua điện từ các nhà máy điện độc lập, từ các nhà máy điện đã cổ phần hoá có ký hợp đồng mua bán điện với EVN, từ các nhà máy điện thuộc Công ty TNHH một thành viên hạch toán độc lập với EVN xác định thông qua hợp đồng mua bán điện.

Đây không chỉ là đánh giá của tổ kiểm tra mà còn có sự giám sát của Công ty kiểm toán uy tín quốc tế Deloitte.

Đối với biến động của việc tăng giá này đã có sự tính toán hết sức kỹ lưỡng của Chính phủ cũng như Bộ Công Thương và EVN.

Nội dung thứ hai là vấn đề của Sabeco. Đây cũng là vấn đề của lãnh đạo Chính phủ cũng như các bộ, ban, ngành rất quan tâm. Như chúng ta đã biết, để thực hiện thoái vốn của Sabeco, chúng tôi thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước hết là công khai, minh bạch. Thứ hai là không được thất thoát vốn của Nhà nước. Thứ ba là không có lợi ích nhóm.

Chúng ta khẳng định lúc đầu dự đoán giá trị thoái vốn là 53,59% tổng số vốn của Sabeco. Chúng ta đã có 88,59% vốn của Nhà nước. Như vậy bán đi 53,59%, tương đương với 343 triệu cổ phiếu. Lúc đầu tính toán là khoảng 5 tỷ USD.

Cách làm của chúng ta rất công khai, minh bạch, khi chúng ta chào bán, chúng ta đưa lên chỉ là 320.000 đồng/cổ phiếu, đến ngày 29 giá lên là 329.000 đồng. Ngày 30/11 vẫn là 329.000 đồng và ngày hôm nay là 330.000 đồng. Chúng tôi tính toán theo giá ngày hôm nay, tổng số có thể lên hơn 9 tỷ USD. Như vậy là chúng ta có thể tăng gần gấp đôi.

Chúng tôi đã làm Roadshow ở Singapore, ở Anh… giới thiệu một cách công khai, minh bạch trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Đến ngày 18/12 này sẽ chào bán cạnh tranh. Chúng tôi rất mong sẽ mang lại nguồn thu rất lớn cho Nhà nước và vẫn bảo đảm công khai, minh bạch, chắc chắn sẽ không làm thất thoát tài sản của Nhà nước theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

chi tiet noi dung hop bao chinh phu thuong ky thang 11

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trả lời báo chí. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

PV Văn Kiên (báo Tiền phong): Vừa qua Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận về vụ việc lộ thông tin bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, trong đó khẳng định, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn không làm “lộ mật”. Ủy ban cũng kết luận thông tin bỏ phiếu kỷ luật Thứ trưởng Trần Anh Tuấn lộ ra ngoài mới là lộ mật? Vậy qua vụ việc này Bộ Nội vụ có rút ra bài học và kinh nghiệm gì, có xử lý kỷ luật người làm lộ thông tin về kết quả bỏ phiếu kỷ luật không, có xin lỗi ông Trần Anh Tuấn không?

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng: Về thất lạc hồ sơ, phiên họp báo Chính phủ tháng 7, 8 lãnh đạo Bộ Nội vụ đã trả lời. Quy định về quản lý hồ sơ trước hết phải thực hiện theo Pháp luật về lưu trữ, theo quy chế làm việc của Bộ Nội vụ và các bộ. Theo tinh thần đó, cơ quan trình phải chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ theo quy định. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận các vụ việc liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, có nêu Bộ Nội vụ cần thiết thì mời Bộ Công an vào điều tra. Trên cơ sở kết luận của Bộ Công an các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc kết luận rõ ràng, mất hồ sơ lý do là gì. Trong hồ sơ giải quyết vụ việc có thành phần hồ sơ, ý kiến trình cơ quan tham mưu, ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, cái đó khó có thể đánh giá. Cần căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền có kết luận cụ thể.

Về lộ thông tin, việc quy định thế nào tài liệu mật có quy định trong Quyết định 18 năm 2012 của Thủ tướng, Thông tư số 36 Bộ Công an quy định danh mục tài liệu mật, đặc biệt trong Quy định 181, ngày 15/11/2017 thay thế Quy định 102 về kỷ luật Đảng cũng đã nêu rõ tài liệu mật là tài liệu đang trong quá trình điều tra, thanh tra chưa được công bố.

Trên cơ sở kết luận của Bộ Công an, các cơ quan có thẩm quyền trong đó có Ủy ban Kiểm tra Trung ương có quy định trên cơ sở pháp luật.

Còn tại phiên họp 19 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương không nêu việc lộ lọt thông tin liên quan đến Bộ Nội vụ, mà bằng thông báo riêng. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu phải bảo mật thông tin. Tôi không hiểu nhà báo lấy thông tin ở đâu, tài liệu này là mật. Đề nghị báo chí, Bộ Công an, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét lại việc này, xem thông tin báo chí lấy ở đâu.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang NGHỈ HƯU TRƯỚC TUỔI khi sắp xếp bộ máy

Chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang NGHỈ HƯU TRƯỚC TUỔI khi sắp xếp bộ máy

Chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang NGHỈ HƯU TRƯỚC TUỔI khi sắp xếp bộ máy Nghị định 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang nghỉ hưu trước tuổi trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Hà Tĩnh với cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946

Hà Tĩnh với cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946

Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tổ chức thành công. Cùng với cả nước, Hà Tĩnh đã chuẩn bị rất khẩn trương, kỹ lưỡng, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, tiến bộ.
Hà Tĩnh được vinh danh tại Giải báo chí Diên Hồng

Hà Tĩnh được vinh danh tại Giải báo chí Diên Hồng

Từ hơn 4.000 tác phẩm tham gia Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và HĐND (Giải Diên Hồng) năm 2024, ban giám khảo chấm chọn 105 tác phẩm đạt giải. Hà Tĩnh vinh dự có 1 tác phẩm của nhóm phóng viên Báo Hà Tĩnh đạt giải; Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh được nhận bằng khen tập thể xuất sắc.
Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Hà Tĩnh năm 2025

Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Hà Tĩnh năm 2025

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Hà Tĩnh năm 2025 với yêu cầu phải tiến hành đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thạch Hà kiện toàn chức danh chủ chốt HĐND và UBND huyện

Thạch Hà kiện toàn chức danh chủ chốt HĐND và UBND huyện

Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thạch Hà được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND huyện Thạch Hà; ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Bí thư Huyện ủy được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, nhiệm kỳ 2021-2026.
Vững tin bước vào kỷ nguyên của thịnh vượng và phát triển

Vững tin bước vào kỷ nguyên của thịnh vượng và phát triển

Năm 2025 về trong niềm tin và kỳ vọng! Cùng cả nước bước vào năm mới, một năm với nhiều sự kiện trọng đại; đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, Hà Tĩnh quyết tâm vượt mọi khó khăn; đổi mới, sáng tạo, bứt phá mạnh mẽ, thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025; tiếp tục thắp sáng khát vọng vươn xa trên hành trình mới.