Chia sẻ các biện pháp phòng chống bệnh do virus Zika

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khuyến cáo: Diệt ổ chứa bọ gậy, lăng quăng, diệt muỗi là biện pháp hàng đầu mà mỗi người dân cần tự ý thức thực hiện để bảo vệ chính mình và người thân không nhiễm virus Zika.

chia se cac bien phap phong chong benh do virus zika

Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN họp trực tuyến ứng phó với dịch bệnh do virus Zika

Ngày 19/9, theo đề xuất của Thái Lan - một trong hai quốc gia ghi nhận số ca nhiễm virus Zika nhiều nhất khu vực ASEAN hiện nay (với số ca mắc là 314), Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN đã tổ chức cuộc họp trực tuyến ứng phó với dịch bệnh do virus Zika.

Tới thời điểm này đã có 7 quốc gia khu vực ASEAN ghi nhận ca mắc. WHO nhận định, dịch bệnh này có nguy cơ tiếp tục lan rộng. Việt Nam cũng không nằm ngoài nguy cơ đó.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Singapore - quốc gia ghi nhận 369 ca mắc, cho biết, vì chưa có vaccine phòng bệnh, nên giám sát và khống chế dịch bệnh vẫn là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay để phòng chống dịch bệnh do virus Zika. Bên cạnh đó, ASEAN cần có phương hướng bền vững để phòng chống virus Zika về lâu dài.

Bộ trưởng Y tế Lào chia sẻ, dù Lào chưa ghi nhận ca nhiễm Zika, nhưng việc phòng chống Zika và Ebola theo hướng dẫn của WHO, đặc biệt khống chế các tin đồn về Zika là rất cần thiết.

Tại Philippines, Bộ trưởng nước này cho rằng, cần tăng cường năng lực phòng thí nghiệm, cũng như hướng dẫn phòng chống Zika cho phụ nữ mang thai và dân thường, thậm chí thực hiện BHYT trong việc phát hiện và điều trị bệnh do virus Zika.

Tại Việt Nam, thông qua hệ thống giám sát dịch bệnh, đã xét nghiệm gần 3.000 mẫu bệnh phẩm tại 45 tỉnh, thành phố trên cả nước và phát hiện 3 trường hợp dương tính với virus Zika tại TPHCM, Khánh Hòa và Phú Yên. Vì vậy, nước ta đã có sự lưu hành của virus Zika trong cộng đồng. Mẫu virus tại Khánh Hòa có nguồn gốc châu Á và mẫu virus tại TPHCM có nguồn gốc từ châu Mỹ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, để ứng phó với dịch bệnh do virus Zika hiện nay cần thực hiện nhiều biện pháp khẩn cấp, đó là truyền thông bằng mọi hình thức tới người dân, đặc biệt với nhóm đối tượng có nguy cơ cao như phụ nữ có thai hoặc chuẩn bị có thai, người đi từ vùng dịch về...

“Biện pháp hàng đầu hiện nay để phòng chống dịch bệnh do virus Zika chính là diệt bọ gậy, diệt lăng quăng, diệt muỗi, tránh để muỗi đốt”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ngành y tế cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý các ổ dịch, tăng cường lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cho các đối tượng có nguy cơ cao, lấy cả mẫu muỗi để nghiên cứu và chia sẻ với quốc tế. Việt Nam hiện nay đã triển khai sử dụng test chẩn đoán Trioplex để giám sát sàng lọc đồng thời 3 bệnh gồm: Zika, sốt xuất huyết, Chykunguinia để phát hiện nhanh các trường hợp mắc bệnh nghi ngờ do virus Zika.

Người dân không nên quá hoang mang vì bệnh thường tự khỏi

Đại diện Bộ Y tế Việt Nam cũng cho biết, người dân không nên quá lo ngại, hoang mang về dịch bệnh do virus Zika. Bệnh do virus Zika thường tự khỏi và có tới 80% bệnh nhân không có biểu hiện, triệu chứng.

Hiện tại, chưa có nước nào trong khu vực khuyến cáo hạn chế hay cấm du lịch, đi lại để phòng bệnh do virus Zika.

Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất của dịch bệnh này là phụ nữ mang thai, vì virus Zika có thể gây dị tật ở trẻ sơ sinh. Song, không phải phụ nữ nào có thai nhiễm virus này cũng gây dị tật cho thai nhi. Những trường hợp có thể có nguy cơ là mang thai trong 3 tháng đầu ở vùng có dịch, nếu có các triệu chứng như sốt, kết hợp viêm kết mạc, nổi ban, đau khớp thì đến các cơ sở y tế để được theo dõi.

Ngành y tế khuyến cáo, do khả năng dị tật ở trẻ sơ sinh do virus Zika chỉ xảy ra trong 3 tháng đầu mang thai, vì vậy, phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu, hoặc phụ nữ có kế hoạch mang thai phải đề phòng muỗi đốt bằng các biện pháp phòng hộ như: Thoa kem chống muỗi, ngủ màn hoặc mặc quần áo dài tay;… sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây truyền virus Zika qua đường tình dục.

Hiện nay, Bộ Y tế nhiều nước đang tiếp tục đẩy mạnh giám sát các hành khách nhập cảnh, nhất là các trường hợp đi về từ vùng dịch. Đồng thời đẩy mạnh giám sát virus Zika tại các cơ sở y tế, tăng cường mạng lưới phòng xét nghiệm quốc gia và truyền thông nguy cơ; thực hiện các nghiên cứu, chia sẻ phát hiện mới và bài học kinh nghiệm liên quan đến dịch bệnh do virus Zika.

Ở nước ta, chi phí khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus Zika được BHYT thanh toán.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.
Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng ở Hà Tĩnh lựa chọn sinh con ở độ tuổi sau 35. Điều này có thể kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe cho cả mẹ và con cũng như giảm chất lượng dân số.