Chiến thắng của lòng yêu nước và nghệ thuật quân sự Việt Nam
Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải chinh chiến với rất nhiều kẻ thù xâm lăng. Đối mặt với kẻ thù nào, nhân dân ta cũng ở trong thế lấy ít địch nhiều nhưng với khát vọng hòa bình, với tinh thần yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc và lòng tự tôn dân tộc sâu sắc, nhân dân ta đã lập nhiều chiến công hiển hách, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Mỗi khi đất nước bị xâm lăng, thì truyền thống ấy lại được khẳng định, trở thành sức mạnh vô địch để chiến thắng mọi kẻ thù. Đại thắng mùa Xuân 1975 là đỉnh cao chiến thắng của khát vọng hòa bình, của lòng yêu nước sâu sắc ấy.
Chiến thắng 30/4/1975 có ý nghĩa lịch sử sâu sắc và giá trị to lớn đối với sự nghiệp đổi mới đất nước. Ảnh: tư liệu |
Lòng yêu nước nồng nàn là sợi dây gắn kết mọi tâm hồn Việt, tạo nên tinh thần đoàn kết dân tộc của quân và dân ta trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Từ Bắc vô Nam, từ miền núi đến đồng bằng, từ nông thôn đến thành thị, người Kinh hay đồng bào dân tộc thiểu số, không kể tầng lớp, giai cấp… đã chung sức, đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo nên sức mạnh đánh tan mọi kẻ thù.
Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975, ngoài sự lãnh đạo sâu sắc và toàn diện của Đảng, không thể không nói đến nghệ thuật quân sự độc đáo kết tinh từ hàng nghìn năm giữ nước. Trước hết, đó là việc xây dựng quân đội hùng mạnh, đủ sức đảm đương nhiệm vụ. Khi thời cơ đến đã được chuyển hóa thành sức mạnh vô địch. Với sức mạnh tổng hợp của nhiều quân, binh chủng hợp thành, nhiều thứ quân kết hợp chặt chẽ, khai thác mọi địa hình, địa thế, vũ khí, trang bị, kỹ thuật, kết hợp hiện đại và thô sơ, đặc biệt là coi trọng yếu tố con người, quân đội ta có sức chiến đấu rất cao và khả năng chiến thắng rất lớn.
Và điều quan trọng hơn cả là sự vận dụng nghệ thuật quân sự một cách tài tình của Đảng và quân đội để quyết chiến và quyết thắng kẻ thù. Đó là sự quán triệt sâu sắc tư tưởng chiến lược tiến công, tích cực, chủ động, linh hoạt, kiên quyết và liên tục tiến công địch mọi lúc, mọi nơi bằng mọi phương thức và phương tiện đấu tranh; lấy tiến công và phản công làm chủ yếu, phát huy yếu tố chủ động, bất ngờ, đánh trúng, đánh hiểm, tạo ra đột biến về chiến lược, giải phóng nguồn sức mạnh vô tận của ý chí, quyết tâm thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình.
Trong tình thế yếu hơn kẻ thù, nghệ thuật quân sự là điều kiện quan trọng làm nên thắng lợi. Xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình đã trở thành động lực vô cùng mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đánh giá về nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Trận quyết chiến chiến lược mùa Xuân 1975 đánh dấu bước phát triển mới hết sức rực rỡ của nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong điều kiện hiện đại, đặc biệt là nghệ thuật điều hành chiến tranh ở giai đoạn kết thúc, nghệ thuật tổ chức và chỉ đạo thực hành những trận then chốt quyết định, đưa kháng chiến đến toàn thắng”.
Thành công của mặt trận ngoại giao
Trong cuộc đấu tranh chống Mỹ, cùng với các lực lượng cách mạng trong nước, hoạt động ngoại giao ngày càng phát triển và trở thành một mặt trận phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với đấu tranh quân sự và chính trị, buộc Mỹ phải đương đầu với một thế trận chiến tranh nhân dân toàn diện. Ngoại giao Việt Nam đã tích cực, chủ động, luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập dân tộc và CNXH, kiên trì kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh pháp lý, tập trung làm rõ chính nghĩa của ta, vạch trần những âm mưu, thủ đoạn và tội ác của địch.
Bên cạnh đó, tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, mở rộng quan hệ với các nước dân tộc chủ nghĩa, hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta. Ngoại giao cũng đã có những đóng góp thiết thực vào việc củng cố đoàn kết, hợp tác giữa các nước XHCN và phong trào cộng sản - công nhân quốc tế, tạo chỗ dựa vững chắc cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Những phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta ở Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Điển, Cu Ba, Ý…, đặc biệt là sự giúp đỡ to lớn về vật chất và tinh thần của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN đã góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975. Một nét độc đáo nữa của thời kỳ này là sự kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động ngoại giao 2 miền, “hai mà một, một mà hai”, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến.
Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh, thống nhất Tổ quốc đã đánh mốc son chói lọi vào tiến trình lịch sử Việt Nam, đánh dấu bước chuyển mình vĩ đại của dân tộc. Đại thắng mùa Xuân 1975 là một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế lớn lao và có tính thời đại sâu sắc.
40 năm qua, kể từ mùa xuân toàn thắng ấy, những bài học lịch sử vẫn mang tính thời sự sâu sắc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đang trở thành xu thế tất yếu của thời đại, những bài học đó là tài sản quý giá để Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội ta vận dụng sáng tạo vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.