Đại biểu chất vấn vai trò của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh trong việc giữ chân lao động hồi hương do ảnh hưởng dịch

(Baohatinh.vn) - Vai trò của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh đối với việc tham mưu giải quyết việc làm cho người dân trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách hỗ trợ với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch là những vấn đề được đại biểu tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII tập trung chất vấn.

Trung bình mỗi năm toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 23.000 người

Đại biểu chất vấn vai trò của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh trong việc giữ chân lao động hồi hương do ảnh hưởng dịch

Ông Nguyễn Trí Lạc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIIII sáng 16/12.

Trả lời chất vấn về thực trạng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2021, ông Nguyễn Trí Lạc - tư lệnh ngành LĐ-TB&XH tỉnh khẳng định: Hà Tĩnh đã tập trung thực hiện quy hoạch, sắp xếp hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực hiệu quả và tăng tính tự chủ về tổ chức bộ máy và tài chính.

Nhờ vậy, giai đoạn 2017 - 2021 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho 113.433 người. Chất lượng đào tạo nghề ngày càng được được khẳng định, được các tập đoàn lớn như: Vingroup, Samsung, Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đặt hàng đào tạo.

Đại biểu chất vấn vai trò của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh trong việc giữ chân lao động hồi hương do ảnh hưởng dịch

Đại biểu theo dõi phiên chất vấn.

Bên cạnh đó, có 14.300 học sinh THPT tại trung tâm giáo dục thường xuyên, trường dạy nghề được đào tạo nghề và tham gia thị trường lao động ngay khi vừa mới tốt nghiệp THPT.

Đặc biệt, với việc thực hiện Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND và Nghị quyết số 262/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã tạo ra bước đột phá về chủ trương xã hội hóa chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng, 73.000 lao động được đào tạo trình độ sơ cấp, tổng kinh phí thực hiện: 362,2 tỷ đồng, trong đó người học, doang nghiệp đóng góp thông qua học phí 258,4 tỷ đồng đồng (chiếm 71,3% tổng kinh phí đào tạo).

Đối với nội dung giải quyết việc làm, bình quân mỗi năm toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 23.000 người, (tăng 16,7% so với nhiệm kỳ 2010 - 2015).

Trong 2 năm 2020 và 2021 do tác động của đại dịch COVID-19, số lao động đi làm việc nước ngoài và lao động đi làm việc ngoại tỉnh giảm nhưng Sở vẫn nỗ lực phối hợp các địa phương trong tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng cường phối hợp tuyển dụng trực tuyến. Vì vậy, việc thực hiện chỉ tiêu về giải quyết việc làm trên địa bàn vẫn đạt kết quả đề ra.

Những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm của nhiệm kỳ qua đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 53% năm 2015 lên 70% năm 2020 (hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII và vượt 5% so với chỉ tiêu bình quân chung cả nước). Số học sinh sau khi tốt nghiệp có việc làm ổn định chiếm hơn 80%; năng suất lao động của người học nghề tăng 18%; cơ cấu lao động chuyển dịch nhanh, giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp từ 55,5% năm 2015 xuống còn 44% năm 2020.

Đại biểu chất vấn vai trò của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh trong việc giữ chân lao động hồi hương do ảnh hưởng dịch

Đại biểu Đào Thị Anh Nga - Tổ đại biểu Lộc Hà: Tiêu chí người có việc làm được định nghĩa là người lao động trên 1h/1 tuần có còn phù hợp?

Vui mừng trước các con số khả quan được báo cáo, đại biểu Đào Thị Anh Nga - Tổ đại biểu Lộc Hà đề nghị tư lệnh ngành LĐ-TB&XH làm rõ việc số liệu bình quân mỗi năm toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 23.000 người, con số này có áp dụng theo Bộ tiêu chí đánh giá lao động có việc làm theo hướng dẫn 377 ngày 2/7/2019 của Sở LĐ-TB&XH hay không? Nếu đánh giá theo bộ chỉ số đó, người có việc làm được định nghĩa là người lao động trên 1h/1 tuần được tính là có việc làm, vậy liệu tiêu chí này có còn phù hợp?

Trả lời đại biểu về nội dung này, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc cho biết: Việc tính chỉ tiêu đào tạo việc làm được tính dựa vào quy định của Bộ Luật lao động, hướng dẫn của Tổng cục Thống kê, Bộ LĐ-TB&XH theo quy định hiện hành. Lao động có lao động từ 1h trở lên/1 tuần và mang lại thu nhập cho bản thân thì được coi là lao động có việc làm.

Làm rõ thêm cơ sở tính toán số liệu, ông Lạc chia sẻ: Trước hết, chúng tôi tôn trọng số liệu thống kê từ các xã, thị trấn thông qua thống kê của phần mềm quản lý cung cầu thông tin thị trường lao động; qua các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, các công trình dự án, đầu tư trên địa bàn; qua báo cáo của các địa phương; con số được rà soát, xác nhận, điều tra, thống kê. Bên cạnh nỗ lực tư vấn xuất khẩu lao động, Sở cũng đã tích cực kết nối các doanh nghiệp ngoài địa bàn tỉnh để giải quyết việc làm cho lao động.

Vai trò của Sở LĐ-TB&XH trong kết nối việc làm cho lao động đồng hồi hương do ảnh hưởng dịch

Trả lời chất vấn trước đại biểu tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII về các tham mưu các chính sách hỗ trợ lao động hồi hương giải quyết việc làm, ông Nguyễn Trí Lạc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Theo thống kê, từ đầu năm đến 10/12/2021, toàn tỉnh có 56.893 người dân di cư từ địa bàn vùng dịch trở về địa phương nơi cư trú. Trong đó có 29.231 di cư trở về trên địa bàn do giãn cách xã hội, mất việc làm.

Hiện nay, đã có 8.582 lao động trở lại các tỉnh, thành phố làm việc sau khi tình hình dịch được kiểm soát; số lao động hiện còn ở lại trên địa bàn: 18.649 người. Tập trung đông nhất ở các địa phương: TP Hà Tĩnh (2.162 người); Kỳ Anh (1.862 người); Can Lộc (2.145 người); Lộc Hà (3.618 người); Vũ Quang (1.312 người); Hương Sơn (1.377 người); Hương Khê (1.378 người); thị xã Kỳ Anh (1.125 người)…

Đại biểu chất vấn vai trò của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh trong việc giữ chân lao động hồi hương do ảnh hưởng dịch

Đại biểu theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Để góp phần giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, việc làm, ổn định đời sống cho người dân trở về địa phương, UBND tỉnh đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 15/6/2021 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trọng tâm là thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động hồi hương.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 403/KH-UBND ngày 17/9/2021 nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động hồi hương. Tham mưu đề xuất Chính phủ cấp 229,47 tấn gạo cho người lao động hồi hương và người gặp khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.

Đến nay, các sở, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã khảo sát, lập danh sách và lên phương án đào tạo, chuyển đổi nghề cho 2.915 công dân hồi hương. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở Tài chính tham mưu đề xuất phân bổ nguồn kinh phí từ Chương trình EPS-Hàn Quốc đã thu hồi về ngân sách tỉnh để tổ chức đào tạo nghề cho 2.100 lao động hồi hương, với tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 7,35 tỷ đồng. Phối hợp tổ chức GIZ - Cộng hòa Liên bang Đức đào tạo nghề cho 500 lao động bị mất việc làm do COVID-19, với kinh phí thực hiện 4.200 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Lạc, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động hồi hương trở về địa phương nơi thường trú hiện đang gặp một số khó khăn.

Ông Lạc phân tích, mặc dù số lao động hồi hương về trên địa bàn là rất lớn, nhưng tâm lý đa số người lao động chưa yên tâm ở lại lập nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo khảo sát từ các địa phương, đến nay đã có 8.582 lao động trở lại đơn vị cũ để làm việc; chỉ có 2.690/18.649 lao động đang ở lại nơi cư trú mong muốn ở lại làm việc trên địa bàn; 830 người có mong muốn đi xuất khẩu lao động; số còn lại đang chờ cơ hội quay trở lại các tỉnh, thành phố nơi đã làm việc sau tình hình dịch được kiểm soát.

Bên cạnh đó, do tác động của đại dịch COVID-19 nên một số doanh nghiệp chưa triển khai kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh và tuyển thêm lao động, nên nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại chưa lớn. Một số doanh nghiệp như dệt may tại TX Hồng Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, huyện Đức Thọ mặc dù có nhu cầu tuyển số lượng vài trăm lao động, nhưng mức tiền lương chưa thật sự hấp dẫn để người lao động đăng ký vào làm việc.

Đại biểu chất vấn vai trò của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh trong việc giữ chân lao động hồi hương do ảnh hưởng dịch

Ông Nguyễn Trí Lạc trả lời chất vấn.

Cũng theo ông Lạc, nguồn kinh phí đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2021 không được trung ương bố trí. Vì vậy, kế hoạch triển khai đào tạo nghề cho lực lượng lao động hồi hương đã được các huyện, thành phố, thị xã khảo sát xây dựng để mở lớp đào tạo, tạm thời vẫn chưa có nguồn kinh phí để thực hiện trong năm 2021. Giai đoạn 2022 - 2025 theo định hướng của Chính phủ nguồn kinh phí đào tạo nghề, giải quyết việc làm sẽ ưu tiên cấp cho những địa phương có huyện nghèo, xã nghèo và tỷ lệ hộ nghèo cao (đối với Hà Tĩnh hiện nay không còn xã nghèo và thôn đặc biệt khó khăn).

Chưa hài lòng với kết quả báo cáo của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đại biểu Đào Thị Anh Nga - Tổ đại biểu Lộc Hà nêu: Theo số liệu khảo sát của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tháng 9/2021, toàn tỉnh có 63 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động, trong đó yêu cầu về lao động phổ thông là 70%, như vậy đây được coi là cơ hội để con em có làm việc ngay trên quê hương và doanh nghiệp tìm kiếm nguồn lao động. Tuy nhiên, viện dẫn một số doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng cao nhưng số lượng tuyển vào thấp, đại biểu Anh Nga chất vấn trách nhiệm quản lý nhà nước trên lĩnh vực lao động của ngành LĐ-TB&XH đến đâu để kết nối người lao động với người sử dụng lao động?

Theo ông Lạc, vấn đề việc làm cho lao động hồi hương là một nội dung được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm thực hiện. Với trách nhiệm của mình, Sở đã chỉ đạo các trường dạy nghề trong tỉnh, các trung tâm dạy nghề cấp huyện trực tiếp phối hợp với các doanh nghiệp để khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động theo từng vì trí việc làm để đào tạo và cung ứng lao động theo địa chỉ.

“Thời gian qua, các trường nghề, trung tâm dạy nghề đã vào cuộc rất quyết liệt nội dung này. Vừa thực hiện mục tiêu chống dịch vừa thực hiện các nhiệm vụ đào tạo nghề, kết nối việc làm không ngơi nghỉ qua đó kết nối các đơn hàng lao động đi Hàn Quốc, đi Đức... Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo Trung tâm đào tạo việc làm tỉnh tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm; đặc biệt kết nối cung cầu lao động qua trang web của sở, qua các địa phương, qua trực tiếp kết nối với sở và Trung tâm giao dịch việc làm” - ông Nguyễn Trí Lạc nêu.

Đối với nội dung, một số doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng cao nhưng số lượng tuyển vào thấp, ông Lạc cho rằng, thị trường lao động cũng là một thị trường hàng hóa sức lao động, dù nhu cầu tuyển dụng cao nhưng chế độ tiền lương, phúc lợi xã hội không đáp ứng thì người lao động không tham gia; nơi nào tốt hơn thì người lao động tham gia. Trách nhiệm của Sở là tạo điều kiện tạo nguồn nhân lực và cung cầu lao động, tạo cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội làm sao tốt nhất để người lao động đảm bảo quyền lợi. Sở sẽ quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho các lao động đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Đại biểu chất vấn vai trò của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh trong việc giữ chân lao động hồi hương do ảnh hưởng dịch

Đại biểu Nguyễn Thị Hà Tân - Tổ đại biểu Vũ Quang chất vấn: Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, lao động tự do không có hợp đồng có số lượng ít, vậy, căn cứ vào đâu để khẳng định là con số này ít?

Cũng đặc biệt quan tâm đến các gói chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đại biểu Nguyễn Thị Hà Tân - Tổ đại biểu Vũ Quang thẳng thắn truy vấn: Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, lao động tự do không có hợp đồng có số lượng ít, vậy, căn cứ vào đâu để khẳng định là con số này ít? Đến khi nào thì người lao động không có hợp đồng mất việc được hưởng các chính sách liên quan? Làm thế nào để không bỏ sót đối tượng? Trong khi ở các tỉnh số lượng này rất nhiều, quá tải?!

Trả lời ngay câu hỏi của đại biểu Tân, ông Nguyễn Trí Lạc khẳng định: “Không có việc bỏ sót đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ đối tượng ảnh hưởng do dịch COVID-19. Các bộ thủ tục hành chính rất rõ ràng, cụ thể”.

Đại biểu chất vấn vai trò của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh trong việc giữ chân lao động hồi hương do ảnh hưởng dịch

Toàn cảnh phiên chất vấn Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh.

Liên quan đến ý kiến đối tượng lao động không có ký kết hợp đồng lao động, tại sao lại ít? Ông Lạc phân tích, đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động được gọi là lao động tự do và Chính phủ cho phép các địa phương căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng lao động tự do. Tuy nhiên, chính sách an sinh xã hội của tỉnh ta đã khép kín vì vậy, Sở không tham mưu nội dung này với UBND tỉnh. Cũng cần nói rõ thêm rằng, đối với đối tượng lao động ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện (karaoke, massage...) là đối tượng phải ký kết hợp đồng lao động và khi đã có ký kết hợp đồng thì thuộc vào nhóm hưởng chính sách khác.

Chủ đề HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast