Có một Trường Sơn tuyến lửa - linh thiêng!

(Baohatinh.vn) - Đó là lời nhắn gửi của biết bao người tới anh linh những anh hùng liệt sỹ đang yên nghỉ nơi Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn (Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn). Đó cũng là tiếng lòng của hàng triệu trái tim Việt Nam suốt hành trình tri ân hướng về Quảng Trị trong những ngày tháng 7 thiêng liêng…

Có một Trường Sơn tuyến lửa - linh thiêng!

Đoàn lãnh đạo tỉnh dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh - liệt sỹ 27/7

“Tháng 7, nếu không được trở lại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn bằng con đường trên mặt đất, tôi vẫn thường trở về nơi đó bằng những ký ức, bằng những nỗi niềm thương nhớ của riêng tôi”. Bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng tâm sự của một cựu chiến binh tỉnh Thanh Hóa mà tôi gặp trong lần đầu tiên đến thăm Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn vẫn còn vang lên mỗi lần tôi trở lại. Đó hẳn cũng là tâm tư của hàng ngàn, hàng triệu cựu chiến binh, thân nhân liệt sỹ, của nhân dân trên khắp cả nước. Và, đó cũng chính là tâm tư của chúng tôi, những phóng viên có cơ duyên được giao nhiệm vụ ghi lại những hoạt động ở Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn trong những ngày tháng 7 rưng rưng xúc động…

Có một Trường Sơn tuyến lửa - linh thiêng!

Cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa...

Như một nẻo đi về quen thuộc, hàng năm cứ đến tháng 7 là chúng tôi lại nôn nao, mong ngóng trở lại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn. Đã quen lắm những cung đường từ Hà Tĩnh vào Bến Tắt - Gio Linh (Quảng Trị) nơi an nghỉ của 10.263 liệt sỹ trên cả nước. Đã thân thuộc lắm những hàng cây, những cột mốc ven đường. Ấy thế mà, nỗi hồi hộp đợi mong cứ thấp thỏm trong lồng ngực chúng tôi suốt cả chặng đường dài. Như đứa con đi xa trên đường hồi hương, bao nhiêu ý nghĩ, bao nhiêu câu hỏi cứ lần lượt đến trong những cảm xúc rưng rưng…

Có một Trường Sơn tuyến lửa - linh thiêng!

...và thắp hương cho đồng đội

Chúng tôi không thôi mường tượng về tiếng chuông ngân trên non cao Trường Sơn, về những đoàn người lặng lẽ, bịn rịn bên từng ngôi mộ, về những bông trang, bông sứ đỏ rực trên các khu mộ… Và, dẫu không nói ra nhưng ai cũng mong ngóng giây phút được rẽ vào lối đi lên đồi Bến Tắt, được hòa mình vào đoàn người đang kính cẩn dâng hương ở tượng đài chính rồi lặng lẽ tách mình, đến với khu mộ của các liệt sỹ quê hương Hà Tĩnh.

Có một Trường Sơn tuyến lửa - linh thiêng!

Cựu binh thắp những cây hương lên nơi yên nghỉ của đồng đội

Nằm ở sườn đông Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, khu mộ của các liệt sỹ quê Hà Tĩnh hiện có 798 ngôi mộ, trong đó có 8 ngôi chưa tìm được tên tuổi. Trong trưa nắng miền Trung, trong khói hương trầm mặc, từng dòng thông tin trên những tấm bia mộ như khắc cứa vào tâm tư người đến thăm nỗi xúc động, lưu luyến. Hầu hết các liệt sỹ đều hy sinh khi vừa chớm tuổi 20. Họ có thể sẽ là những ngư dân hiền hòa miền biển, có thể sẽ là những nông dân da nâu, mắt sáng của núi rừng. Họ cũng có thể là những sinh viên tràn đầy mộng ước… Nhưng tất cả đã ngã xuống khi chưa kịp nghĩ về tương lai…

Có một Trường Sơn tuyến lửa - linh thiêng!

Từng mộ phần luôn được quan tâm, chăm sóc

Đến Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, chúng tôi lại cùng nghĩ đến Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Chính ông là người đã đề xuất việc quy tập mộ các liệt sỹ nằm rải rác trên tuyến đường Trường Sơn và các nước Lào, Campuchia về một nơi để đồng đội và thân nhân tiện lui tới thăm viếng. Ông cũng chính là người đã chọn Bến Tắt làm nơi xây dựng nghĩa trang. Hàng chục năm đã trôi qua, việc quy tập mộ liệt sỹ đã ngã xuống trên chiến trường Trường Sơn vẫn được nối tiếp. Và Bến Tắt đã trở thành một chốn đi về thân thuộc của hàng triệu người.

Dù nằm lại ở Gio Linh (Quảng Trị), cách xa quê nhà trăm, nghìn kilomet nhưng phần mộ của các liệt sỹ vẫn luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các địa phương, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và đông đảo nhân dân cũng như người thân trong gia đình, dòng tộc. Trong các dịp lễ tết, trong mỗi chuyến đi qua, về lại, những nghĩa cử tri ân vẫn luôn làm ấm áp anh linh những người đã mãi mãi nằm lại trên tuyến lửa Trường Sơn… Chắc hẳn, anh linh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng ngậm cười nơi chín suối.

Có một Trường Sơn tuyến lửa - linh thiêng!

Đoàn cựu chiến binh xã Thạch Đài (Thạch Hà) dâng hương khu mộ liệt sỹ quê Hà Tĩnh

Còn bịn rịn chưa muốn rời chân trước mộ phần của anh trai khi trời đã ngả sang chiều, ông Nguyễn Mậu Tuấn (phường Thạch Quý - TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Anh trai tôi (liệt sỹ Nguyễn Mậu Quán) mất năm 1971, ở chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị), nhưng suốt hơn 10 năm trời chúng tôi không hề biết anh đang yên nghỉ ở đâu. Mãi đến năm 1982, sau mấy năm mộ anh được quy tập về Nghĩa trang Trường Sơn, cả gia đình tôi mới vào thăm được. Chúng tôi đã rất day dứt và lo lắng. Liệu anh có cô đơn không, có nhớ quê hương bản quán không? Chúng tôi cũng đã nghĩ đến việc xin đưa mộ phần của anh về quê an táng. Nhưng thực sự khi đến nơi này, chúng tôi lại cảm thấy thật gần gũi và ấm áp. Có lẽ nơi chín suối, anh tôi cũng mong muốn được mãi mãi nằm lại cùng đồng đội giữa Trường Sơn”.

Có một Trường Sơn tuyến lửa - linh thiêng!

Cựu chiến binh Lê Đăng Cúc ở xã Thạch Đài (Thạch Hà) cho biết: “Từng có những năm tháng tham gia chiến đấu ở đây nên năm nào tôi cũng theo đoàn cựu chiến binh của xã trở lại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn".

Trò chuyện cùng thân nhân các liệt sỹ, chúng tôi cảm nhận được niềm thương, nỗi nhớ, đồng thời cũng thấy rất rõ sự an yên của họ khi mộ phần người thân luôn nhận được quan tâm, chăm sóc của nhân dân cả nước cũng như của cán bộ, nhân viên Ban Quản lý di tích. Cùng với những chuyến viếng mộ hàng năm, nhiều gia đình còn định kỳ vài ba năm một lần, tổ chức cho tất cả con cháu đến viếng mộ người thân, viếng mộ các anh hùng liệt sỹ đã mãi mãi nằm lại giữa Trường Sơn. Đó là cách để họ nhắc nhớ với các thế hệ cháu con về một người thân và hàng nghìn cha anh đã hy sinh xương máu, đã ngã xuống cho đất nước đứng lên…

Có một Trường Sơn tuyến lửa - linh thiêng!

Con trai của liệt sỹ Nguyễn Văn Dục (Cẩm Xuyên) sau nhiều năm trở lại thăm cha...

Trường Sơn không xa trong niềm thương, nỗi nhớ của những người ruột thịt. Trường Sơn cũng thật gần trong những bước chân trở về của những người từng chiến đấu anh dũng trên tuyến lửa năm nào. Cựu chiến binh Lê Đăng Cúc ở xã Thạch Đài (Thạch Hà) cho biết: “Từng có những năm tháng tham gia chiến đấu ở đây nên năm nào tôi cũng theo đoàn cựu chiến binh của xã trở lại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn. Thật ấm áp khi tất cả các đồng chí, đồng đội của tôi không hề cô đơn, lạnh lẽo giữa quê người”.

Chúng tôi đã ở lại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn cho đến khi trời chiều tắt nắng. Khắp 5 quả đồi, khói hương vẫn tỏa thơm trên từng ngôi mộ. Tiếng chuông cuối chiều chậm rãi thả vào thinh không những thanh âm bình yên. Chúng tôi biết rằng, đã có một Trường Sơn thật tĩnh lặng và thiêng liêng trong những ngày tháng 7. Và cũng đã có một Trường Sơn thật gần gũi và thân thương trong thế giới của những người hiền đã ngã xuống vì đất nước...

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast