Bác để tình thương cho chúng con…

(Baohatinh.vn) - Mỗi độ Thu về, đất trời chuyển mùa, cờ hoa phấp phới đón chào Tết Độc lập, lòng dân nước Việt bồi hồi rạo rực nhớ về những giờ phút thiêng liêng và trọng đại khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình rực nắng. Và một cảm xúc thương nhớ khiến nước mắt dâng tràn bờ mi khi nghĩ tới ngày đi xa của Bác Hồ kính yêu...

Giây phút thiêng liêng

Trước lúc đi xa, Người đã để lại bản Di chúc bất hủ, kết tinh toàn bộ tư tưởng, tình cảm, khát vọng của một con người cả cuộc đời cống hiến cho Đảng, cho dân tộc”... Quá trình viết Di chúc của Bác bắt đầu từ tháng 5/1965 và qua nhiều lần chỉnh sửa, tháng 5/1969, Bác mới hoàn thành bản cuối cùng. Sau khi Bác mất, Bộ Chính trị đã chọn những nội dung chính trong bản Di chúc Bác viết cuối cùng để công bố. Thời điểm Người viết Di chúc là thời điểm đẹp nhất trong một ngày của tháng 5 (*), từ 9-10h. Đó cũng là thời điểm trí tuệ, tinh thần của mỗi người sáng láng nhất. Không gian riêng của Người viết là như vậy, còn không gian lịch sử rộng lớn bên ngoài là cuộc kháng chiến chống Mỹ đang đi vào giai đoạn gay go và quyết liệt.

Bác Hồ chỉ dạy các thiếu niên nhi đồng. Ảnh tư liệu
Bác Hồ chỉ dạy các thiếu niên nhi đồng. Ảnh tư liệu

Trong Di chúc, Bác viết: “Năm nay tôi vừa 79 tuổi, đã thuộc lớp người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khỏe có phần kém hơn so với vài năm trước đây”. Bác ngụ ý là: tất cả những điều Bác đang viết ra đều được suy nghĩ kỹ càng, và trong lúc trí tuệ minh tường nhất, chính vì vậy, nó vô cùng hệ trọng và thiêng liêng. Vậy những điều vô cùng hệ trọng và thiêng liêng mà Bác gửi gắm, căn dặn lại đời sau là gì?

Mặc dầu thời điểm Bác viết Di chúc, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn ác liệt nhưng với cái nhìn của một lãnh tụ biết rõ tính chất phi nghĩa của cuộc chiến, hiểu rõ lòng yêu nước của nhân dân ta và tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc cũng như sự giúp đỡ to lớn của thế giới nên Người khẳng định sự thắng lợi tất yếu: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa nhưng nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Lời tiên đoán đã thành hiện thực năm 1975, chỉ có Người không thể thực hiện được ý định “đi khắp hai miền Nam Bắc chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng...”.

Những điều hệ trọng của toàn Đảng, toàn dân

Là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng là người tổ chức, giáo dục, rèn luyện Đảng ta để Đảng lãnh đạo toàn thể nhân dân Việt Nam đánh đổ đế quốc, phong kiến, xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, điều Người trăn trở nhất vẫn là vai trò, vị trí và trách nhiệm của Đảng cầm quyền cũng như phẩm chất đạo đức của đảng viên. Người chỉ rõ nguyên nhân đầu tiên của mọi thắng lợi đó là nhờ đoàn kết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình… Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.

Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch vững mạnh, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Chỉ 7 câu thôi mà Bác đã gói gọn trọn vẹn những điều căn bản và hệ trọng về công tác Đảng. Đó cũng chính là yếu tố tạo nên sự sống còn của Đảng. Hình ảnh so sánh “Giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình” đã khiến nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên không thể nào quên, sau mỗi lần thắng lợi, thành công hay lúng túng, thất bại, đều ngẫm lại và thấm thía lời dặn của Bác. Qua bao nhiêu thử thách nghiệt ngã, nhất là trong tình hình hiện nay, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc di huấn của Người.

Với tư tưởng trọng dân, với tình yêu thương nhân dân bao la và sâu nặng, Người đã dặn Đảng ta “phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”. Những lời của Người thấm đẫm bao yêu thương, cảm thông và cả hàm ơn: “Nhân dân lao động ta từ miền xuôi cũng như miền núi đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ thực dân phong kiến áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh…”. Với một con người cả cuộc đời đấu tranh cho độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, không điều gì làm Người vui sướng bằng nhân dân ấm no, tự do và cũng không điều gì làm Người đau khổ, dằn vặt, quên ăn mất ngủ bằng việc nước mất, đồng bào ta phải chịu cảnh chết chóc, bom đạn. Người đã từng từ chối nhận huân chương, để dành tặng cho đồng bào miền Nam. Những ngày ở Phủ Chủ tịch, hễ có đoàn cán bộ, nhân dân, đặc biệt là ở miền Nam ra thăm, Người rất vui và hôm đó ăn được nhiều cơm.

Một phần rất quan trọng của bản Di chúc năm 1969, Bác dành nói về trách nhiệm của Đảng bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, vì đó là việc “rất quan trọng và rất cần thiết” và về phong trào cộng sản thế giới.

Mong ước cuối cùng của một trái tim lớn

Về việc riêng, Người vừa tâm sự lại vừa gửi gắm mong muốn của mình, rất chân thành, thiết tha và vô cùng thấm thía: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Cả cuộc đời hy sinh phấn đấu cho dân, cho Đảng, trước lúc về với tiên tổ cũng chỉ nghĩ cho Đảng, cho dân. Phần không được công bố của bản Di chúc, Bác mong được hỏa táng, tro bỏ vào ba cái lọ chôn trên ba quả đồi ở ba miền, ai đến viếng thì trồng một cây xanh, lâu ngày trở thành rừng cây xanh tốt.

Phần cuối của Di chúc là tất cả những gì tha thiết, lắng đọng, thổn thức và chất chứa nhất của trái tim lớn. Đó không chỉ là lời của một lãnh tụ với toàn dân mà còn là lời cuối của Cha già dặn đàn con cháu. Đó là những nhịp đập mãnh liệt, trào dâng của trái tim ngập tràn yêu thương trước giờ phút Người hình dung là sẽ đi xa mãi mãi:

“Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế. Điều mong muốn cuối cùng của tôi là toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào phong trào cách mạng thế giới”. Điều mong muốn cuối cùng cũng là điều mong muốn duy nhất của người thanh niên Nguyễn Tất Thành, người cộng sản Nguyễn Ái Quốc, người lãnh tụ, người Bác, người Cha kính yêu của toàn dân tộc. Đó cũng là lý tưởng, lẽ sống, khát vọng của Người.

Dọc theo tháng năm, Di chúc Bác Hồ để lại là di sản tinh thần vô giá, toát lên tư tưởng, tình cảm, trí tuệ của Người, phản ánh rõ rệt văn hóa Hồ Chí Minh. Đó là những lời của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Khi nói về bản thân, lời văn giản dị mà thấm đẫm, sâu lắng. Khi nói về cuộc chống Mỹ thì khẳng định một cách chắc chắn, rõ ràng. Khi động viên đồng bào thì lẩy Kiều. Khi nói lời cuối cùng thì rất đầy đủ nhưng lại khúc chiết, rõ ràng với từng ý, từng cặp danh từ, động từ Toàn Đảng, toàn dân, đoàn kết, phấn đấu...

Di chúc thiêng liêng của Bác đã trở thành động lực tinh thần to lớn, tiếp sức cho toàn Đảng, toàn dân đi đến ngày thắng lợi. Dù 45 năm trôi qua, mỗi lần đọc lại, ta lại rưng rưng xúc động, cảm kích và thêm yêu kính Bác. Hôm nay, giữa bộn bề thử thách, khó khăn của một đất nước đang phát triển, những lời của Bác càng thêm giá trị, là ngọn đuốc soi đường cho cả dân tộc đi đến “hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh”, thỏa nguyện ước mong của Người. Tình thương của Người mãi trường tồn cùng núi sông Việt Nam.

­­­­­­_________

(*) Theo Hồi ký “Bác Hồ viết Di chúc” của Vũ Kỳ, NXB CTQG, năm 2009.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast