Bão số 13 giật cấp 17, Hà Tĩnh ban hành công điện khẩn

(Baohatinh.vn) - Theo công điện của UBND tỉnh, do ảnh hưởng của bão số 13, Hà Tĩnh được các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn xác định là vùng có nguy cơ cao xảy ra gió mạnh, mưa lớn thời đoạn ngắn, gây lũ quét, sạt lở đất.

Bão số 13 giật cấp 17, Hà Tĩnh ban hành công điện khẩn

Vị trí và hướng di chuyển của cơn bão số 13 lúc 14h30 ngày 14/11/2020.

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành công điện số 30/CĐ-UBND, ngày 14/11/2020 về việc ứng phó khẩn cấp với bão VAMCO (cơn bão số 13).

Công điện nêu rõ, bão số 13 hiện nay mạnh hơn so với dự báo trước đây, hồi 7h sáng nay (ngày 14/11/2020) sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17. Đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, diễn biến hết sức phức tạp, Hà Tĩnh được các cơ quan dự báo Khí tượng thủy văn xác định là vùng có nguy cơ cao xảy ra gió mạnh, mưa lớn thời đoạn ngắn, gây lũ quét, sạt lở đất.

Thực hiện Công điện số 1601/CĐ-TTg ngày 14/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ đạo tập trung ứng phó với bão số 13, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung triển khai ngay một số nhiệm vụ sau:

1. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung Công điện số 1601/CĐ-TTg ngày 14/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 29/CĐ-UBND ngày 13/11/2020 của UBND tỉnh.

2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với Tiểu ban an toàn nghề cá trên biển và UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục tổ chức, hướng dẫn neo đậu an toàn cho tàu thuyền; chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại tại nơi tránh trú; kiểm soát chặt chẽ việc cấm biển đã được ban hành.

3. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh:

- Đối với khu vực ven biển: Tổ chức sơ tán dân theo kịch bản số II (bão từ cấp 10 đến cấp 11) tại Quyết định số 1710/QĐ-UBND ngày 08/6/2020 về việc phê duyệt Phương án phòng ngừa, ứng phó với bão mạnh, siêu bão năm 2020 tỉnh Hà Tĩnh xong trước 20h ngày 14/11/2020.

Cụ thể sơ tán 3.364 hộ với 17.676 người; trong đó: Huyện Kỳ Anh 269 hộ/894 người; thị xã Kỳ Anh 386 hộ/1.043 người; huyện Cẩm Xuyên 270 hộ/744 người; huyện Thạch Hà 535 hộ/1.836 người; huyện Lộc Hà 787 hộ/1.843 người; huyện Nghi Xuân 1.106 hộ/2.914 người; Khu kinh tế tỉnh 11 đơn vị/8.402 người.

Kiên quyết không để người ở lại trên chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trên tàu thuyền tại nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào. Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

- Đối với khu vực vùng núi, vùng thường xuyên bị ngập sâu, hạ du các hồ chứa: Chủ động sơ tán người dân ra khỏi các nhà không an toàn, khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ngập sâu, sạt lở, lũ ống, lũ quét theo các kịch bản đã được phê duyệt đảm bảo an toàn cho người dân.

- Bố trí lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của người dân cả nơi đi và nơi người dân sơ tán.

4. Sở Giao thông vận tải, Công An tỉnh triển khai các biện pháp hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường trong thời gian bão đổ bộ; tổ chức kiểm soát, điều tiết, hạn chế phương tiện đi vào vùng dự kiến bão ảnh hưởng.

5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải huy động lực lượng, phương tiện để giúp các địa phương tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn, đồng thời kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.

6. Các sở, ngành triển khai ngay các phương án ứng phó với tình hình bão, lũ lớn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

7. Đề nghị các Đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được phân công của UBND tỉnh xuống ngay cơ sở để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo hướng dân các địa phương, đơn vị và triển khai thực hiện ngay các giải pháp chủ động ứng phó với bão, lũ.

8. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mức độ ảnh hưởng đến tỉnh ta, báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để chỉ đạo kịp thời.

9. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của bão và thiên tai; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng, tránh có hiệu quả.

10. Tổ chức lực lượng trực ban 24/24h tại các cơ quan, đơn vị để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra, kịp thời báo cáo về UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để chỉ đạo.

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Chủ đề Bão đổ bộ vào Hà Tĩnh

Chủ đề Thiên tai - bão lũ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast