Sáng nay (13/11), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai với 10 địa phương từ Thanh Hóa tới Bình Định ứng phó bão số 13. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. |
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó bão số 13. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)
Bão số 13 di chuyển phức tạp
Hồi 07 giờ ngày 13/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 115,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 410km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 90km tính từ tâm bão.
Điểm cầu Hà Tĩnh.
Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 07 giờ ngày 14/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 111,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam của quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 109,5 đến 117,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 07 giờ ngày 15/11, vị trí tâm bão ở khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Bão số 13 có diễn biến hết sức phức tạp, Hà Tĩnh được các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn xác định là vùng có khả năng bão đổ bộ, nguy cơ cao xảy ra gió mạnh, mưa lớn thời đoạn ngắn gây lũ quét, sạt lở đất.
Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh Trần Đức Bá: Do ảnh hưởng của bão số 13, từ đêm nay (13/11), gió trên biển mạnh dần lên và ngày mai (14/11), sẽ giật cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Vùng ven biển phía Nam Hà Tĩnh như Kỳ Anh sẽ có gió cấp 8 - 9, giật cấp 10. Hoàn lưu bão cũng sẽ gây mưa lớn kéo dài từ đêm 14 tới ngày 16/11 với tổng lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm, có nơi lớn hơn 150 - 250 mm.
Tại Hà Tĩnh, đến thời điểm này, lượng mưa tại các trạm khí tượng thủy văn trên địa bàn đo được từ 2.200 - 3.860 mm, lớn hơn lượng mưa trung bình nhiều năm. Đặc biệt, một số trạm như TP Hà Tĩnh, Hòa Duyệt, Kẻ Gỗ đạt từ 120 đến 150,8% lượng mưa bình quân 11 tháng nhiều năm. Mực nước các hồ chứa lớn như hồ Ngàn Trươi ở cao trình 48,99/52m, dung tích 657,1/775,7 triệu m3, đạt 84,71 % thiết kế; hồ Kẻ Gỗ 30,7/32,5m, dung tích 292,5/345 triệu m3, đạt 84,8% thiết kế. Các hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước. Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 3.957 phương tiện tàu thuyền với 14.932 lao động và hiện nay đã vào nơi tránh trú an toàn tại các bến bãi trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác. |
Chủ động các phương án ứng phó bão số 13
Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương nằm trong phạm vi ảnh hưởng của bão số 13 phải rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú bảo đảm an toàn; đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và thuyền viên ở nơi neo đậu tránh trú bão.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh không chủ quan, lơ là trước diễn biến phức tạp của bão số 13. Ảnh: VGP/Đoàn Bắc
Kiên quyết sơ tán người trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản trước khi bão đổ bộ; có phương án đảm bảo an toàn cho người và các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí và các hoạt động khác trên biển.
Các đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Rà soát phương án, chủ động sơ tán người dân khỏi các nhà không an toàn, khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông, khu vực ngập sâu, sạt lở, lũ ống, lũ quét; bố trí lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của người dân; nơi người dân sơ tán tập trung đến phải đảm bảo an toàn; triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.
100% tàu thuyền của ngư dân Hà Tĩnh đã nhận được thông tin bão số 13 và vào nơi tránh trú an toàn.
Có các biện pháp bảo vệ đê điều, nhất là các tuyến đê, kè biển đang thi công, khu vực sạt lở có nguy cơ cao ảnh hưởng đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng; sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời sự cố.
Tổ chức vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo quy trình; đối với các hồ đập xung yếu cần chủ động hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn...
“Thời gian qua, các tỉnh miền Trung đã liên tiếp hứng chịu nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới, gây hậu quả nặng nề. Vì vậy, để hạn chế tối đa trước, trong và sau khi bão đổ bộ, các địa phương phải tập trung cao nhất, chủ động nhất ứng phó với bão số 13” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Các khu vực đồi núi ở Hà Tĩnh có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. (Ảnh sạt lở núi ở xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà).
Chỉ đạo tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Đài Khí tượng Thủy văn theo dõi sát diễn biến của bão để có dự báo, cảnh báo chính xác, thông tin kịp thời đến các địa phương, người dân, nhằm ứng phó với diễn biến bão.
“Vừa qua, tỉnh ta đã chịu ảnh hưởng của nhiều đợt mưa lũ kéo dài khiến đất đai đã bão hòa nước, mưa trên 50 mm cũng sẽ gây nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất nên các địa phương phải rà soát ngay các khu vực nguy hiểm, lập danh sách cụ thể đến từng hộ dân, cử cán bộ theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo từng cụm dân cư sẵn sàng sơ tán dân đến nơi an toàn; tuyệt đối không để khu vực nguy hiểm nào mất kiểm soát” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.
Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị phải triển khai các phương án bảo vệ công trình đê điều, hồ đập, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư tại những nơi xung yếu để sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp và ứng cứu, khắc phục khẩn cấp các sự khu vực nguy hiểm.
Thiết lập ngay các rào chắn và cử người canh gác tại các khu vực nguy hiểm như ngầm, tràn, các tuyến đường bị ngập sâu, các khu vực đang bị sạt lở đất nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân, không để thiệt hại về người do bất cẩn như mưa, lũ vừa qua.
Các địa phương, đơn vị quản lý, khai thác công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện căn cứ dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn để tính toán, cân đối chủ động vận hành điều tiết hồ chứa đón lũ...